Nguồn lực từ ngân sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng còn hạn chế
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, theo Báo cáo “Viễn cảnh cơ sở hạ tầng toàn cầu”, Việt Nam sẽ cần hơn 600 tỷ USD để đạt được các mục tiêu về cơ sở hạ tầng vào năm 2040.
Theo nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), ước tính mỗi năm, Chính phủ Việt Nam chỉ có thể dành khoảng 15 - 18 tỷ USD (khoảng 7% GDP) cho đầu tư cơ sở hạ tầng trong tổng nhu cầu đầu tư hàng năm từ 25 - 30 tỷ USD, bao gồm cả ngành điện. Do đó, mỗi năm, dự kiến Việt Nam sẽ thiếu tới khoảng 10 - 15 tỷ USD để đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
Trước những thách thức về nhu cầu tài chính như vậy, ông Lộc cho rằng việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân nhằm mở rộng các nguồn tài chính hiện tại phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng là thiết yếu và ngày càng gia tăng.
Trong bối cảnh đó, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) được đánh giá là mô hình tiềm năng nhất để thu hút nguồn lực tài chính từ khối tư nhân tham gia vào xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về việc thu hút nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân đầu tư cho cơ sở hạ tầng, ông Phan Vinh Quang - Giám đốc quốc gia Dự án Các cơ hội mới nổi tại châu Á (AEO), Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết, nhiều quốc gia đã tạo ra nguồn thu từ các tài sản cơ sở hạ tầng hiện có để tài trợ cho cơ sở hạ tầng mới thông qua phương pháp “Đầu tư tài sản mới bằng nguồn thu từ các tài sản hiện có của chính phủ (AR)”.
Cụ thể, AR là một cơ chế tạo ra các thỏa thuận thể chế liên kết việc đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng mới bằng việc nhượng quyền kinh tế từ các tài sản thuộc sở hữu công hiện có, sau đó dùng số tiền thu được từ các tài sản công này đầu tư trực tiếp vào cơ sở hạ tầng mới.
“Chính phủ Việt Nam có nhiều cơ hội để tạo nguồn thu từ danh mục cơ sở hạ tầng rất lớn, vốn đã được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và bắt đầu tạo ra dòng tiền ổn định, để tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng mới. Trong số các nước đang phát triển, Indonesia và Ấn Độ đã xây dựng các cơ chế AR mà Việt Nam có thể học hỏi” - ông Quang nói.
Cần gia tăng thu hút các nhà đầu tư tổ chức
Theo các chuyên gia, hiện nay, Việt Nam chưa có khuôn khổ thực hiện mô hình AR. Chính phủ chưa xây dựng khuôn khổ thể chế gắn kết các hình thức nhượng quyền hoặc cho phép tư nhân tham gia kinh doanh cơ sở hạ tầng để tạo nguồn thu tái đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng mới.
Tuy nhiên, trong số các mô hình cho phép khu vực tư nhân tham gia vào đầu tư cơ sở hạ tầng thì mô hình Hợp đồng Kinh doanh và Quản lý (O&M) theo hình thức PPP có nhiều điểm chung với mô hình AR ở các quốc gia khác. Cụ thể, theo Luật PPP năm 2020, Chính phủ có thể để khu vực tư nhân kinh doanh và quản lý các dự án cơ sở hạ tầng đang hoạt động thông qua hình thức các hợp đồng O&M hoặc đầu tư sửa chữa.
Mặc dù vậy, hiện nay, việc đầu tư theo hình thức O&M vẫn chưa được thực hiện ở Việt Nam. Lý do là bởi, mặc dù Luật PPP năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, song đến nay vẫn còn thiếu các quy định hướng dẫn cụ thể để thi hành Luật, cũng như thiếu các mẫu hợp đồng dự án PPP.
“Việc xây dựng và ban hành các mẫu hợp đồng dự án PPP, trong đó có Hợp đồng O&M đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn thống nhất, đồng bộ cho các hợp đồng dự án PPP. Qua đó, góp phần đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh công bằng trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án PPP, rút ngắn thời gian đàm phán, ký kết hợp đồng cho các cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Hiện nay mới chỉ có mẫu Hợp đồng BOT được Bộ Giao thông vận tải ban hành, còn đối với mẫu Hợp đồng BLT và O&M hiện vẫn chưa thống nhất được về cơ quan đầu mối soạn thảo và thời điểm ban hành
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC
Từ thực tế trên, ông Phan Vinh Quang cho rằng, để có thể gia tăng thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng trong thời gian tới, Chính phủ cần sớm ban hành các hướng dẫn chi tiết về hợp đồng O&M để hướng dẫn các Bộ, ngành trong quá trình nhượng quyền vận hành tài sản nhà nước trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng một quy trình đấu thầu cạnh tranh và minh bạch, để đảm bảo lợi ích cho cả khu vực công và tư.
Cùng với việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân, theo các chuyên gia, nhìn từ kinh nghiệm thế giới cho thấy Chính phủ cũng cần tăng cường thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư tổ chức tài chính (bao gồm quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư quốc gia) tham gia đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.
Ông Quang cho biết, các nhà đầu tư tổ chức với mức độ chấp nhận rủi ro thấp và tầm nhìn đầu tư dài hạn, có thể là nguồn tài chính lớn tiềm năng để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam một khi có các chính sách, ưu đãi và dự án phù hợp.
Để thu hút các nhà đầu tư tổ chức, theo các chuyên gia, Chính phủ cần nâng cao hiệu quả và năng lực của khu vực công trong việc lập kế hoạch dự án, phân bổ nguồn lực, đấu thầu dự án, để có thể giới thiệu các dự án hợp lý và bền vững ra thị trường. Nếu không có một danh mục các dự án cơ sở hạ tầng bền vững đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, Việt Nam không thể được coi là điểm đến cho các nhà đầu tư tổ chức.
Đồng thời, Chính phủ cần tăng cường vận hành và quản lý thị trường vốn để cải thiện niềm tin của nhà đầu tư khi đầu tư vào các công cụ tài chính, chẳng hạn như trái phiếu doanh nghiệp hoặc trái phiếu dự án tại Việt Nam./.