Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

(BKTO) - Sáng 28/4, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến với Tờ trình của Chính phủ về dự án Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.




Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển Phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Tiếp tục miễn thuế để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp và Nghị quyết số 28/2016 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010 đến hết ngày 31/12/2025.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nêu rõ, việc ban hành dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội để tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời hạn 5 năm (từ 1/1/2021 đến hết 31/12/2025) là phù hợp, vì chỉ thực hiện miễn thuế cho thời gian nhất định. Đối với giai đoạn trở về sau, cần thiết phải có đánh giá tác động trong tổng thể các chính sách thuế liên quan đến bất động sản để đề xuất chính sách thuế chung đối với bất động sản để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và bảo đảm tính khả thi.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ.Ảnh: Quang Khánh
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định, chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cần được xem xét, đánh giá trong tổng thể các chính sách chung với Luật Đất đai, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và các loại thuế, các khoản thu khác đang áp dụng với đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất). Đồng thời, hiện nay các cơ quan của Chính phủ đang nghiên cứu khả năng xây dựng Luật Thuế tài sản, trong đó bao gồm cả đất nông nghiệp. Như vậy, khi chưa được các cơ quan tiến hành tổng kết, đánh giá và nghiên cứu một cách tổng thể để có hướng xây dựng chính sách một cách phù hợp trong mối liên hệ chung, về cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ cho tiếp tục ban hành Nghị quyết của Quốc hội cho phép kéo dài thời gian miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong 5 năm tiếp theo và trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Chín (tháng 5/2020).

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, Chính phủ cần báo cáo rõ hơn kết quả thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 55/BC-UBTVQH14 về việc giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sau khi kết thúc thời hạn miễn, giảm thuế để nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét quyết định chính sách thuế này cho phù hợp, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ chưa thực đánh giá một cách tổng thể và chưa đề xuất chính sách về thuế sử dụng đất nông nghiệp để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất pháp luật là chưa thực sự phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Phải có đánh giá tác động chính sách kỹ

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc cho tiếp tục ban hành Nghị quyết của Quốc hội cho phép kéo dài thời gian miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong 5 năm tiếp theo. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phân tích, dự án Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp (sửa đổi) hiện không được Chính phủ đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, hay bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng lưu ý, luật không đặt thời hạn thực hiện, trong khi việc miễn thuế chỉ áp dụng trong thời gian nhất định.
Ảnh: Quang Khánh
Tán thành với việc ban hành Nghị quyết này, nhưng Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lưu ý, Báo cáo đánh giá tác động dự án Nghị quyết này được viết sơ sài. Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, nếu chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp thực sự như một đòn bẩy giúp thúc đẩy phát triển nông nghiệp thì hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, thực tế trung bình giai đoạn 2016 - 2020, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp có tổng giá trị 5.671 tỷ đồng/ năm. Với giá trị này, Tổng Thư ký Quốc hội băn khoăn khi Tờ trình của Chính phủ nhận định chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp “góp phần hỗ trợ trực tiếp nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, khuyến khích người nông dân gắn bó hơn với đất, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp; góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, không thể chỉ vì đưa ra chính sách mà có báo cáo đánh giá tác động theo chiều hướng tích cực, cần có cái nhìn thẳng thắn, đánh giá tác động theo hai chiều. Tổng Thư ký Quốc hội cũng chỉ rõ, đến địa phương nào tiếp xúc cử tri đều được báo cáo về tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp nhiều, do sâu bọ nhiều, dịch chuột phá hoại rất khó khắc phục, trong khi đầu ra sản xuất bán bấp bênh. “Sản xuất nông nghiệp khó khăn lắm, không như chúng ta thấy đâu, nên cần rà soát đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, không thể miễn thuế tràn lan với cả người canh tác trên đất và người bỏ hoang đất”, Tổng thư ký Quốc hội thẳng thắn.

Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc tiếp tục ban hành Nghị quyết của Quốc hội cho phép kéo dài thời gian miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong 5 năm tiếp theo và trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Chín tới. Song, đây là chính sách lớn, quan điểm lớn của Nhà nước, sẽ nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, nên các cơ quan chức năng cần hoàn thiện hồ sơ dự án Nghị quyết trước khi trình ra xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Chín.

Theodaibieunhandan.vn
Cùng chuyên mục
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp