Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tết cho người nghèo

(BKTO) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cả đời mình cho dân, cho nước. Năm 1946, Người trả lời các nhà báo: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

12-chu-tich-hcm-voi-tet-cho-nguoi-ngheo.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh, phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội, ngày 30/01/1957 (30 Tết Nguyên đán Đinh Dậu). Ảnh tư liệu

Hồ Chủ tịch đã cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đấu tranh hy sinh để đem lại độc lập tự do cho đất nước và Nhân dân, đồng thời phấn đấu để Nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Theo Người: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.

Những tư tưởng, lời dạy, tình cảm đó của Hồ Chủ tịch được thực hiện, biểu hiện qua những việc làm rất cụ thể, sinh động, sâu sắc của Người.

Dưới đây, xin được điểm lại một số câu chuyện cảm động về Hồ Chủ tịch chăm lo cho Nhân dân, trong dịp Tết đến, Xuân về.

Cứ chuẩn bị Tết Nguyên đán, Hồ Chủ tịch lại nhắc nhở việc chăm lo Tết cho Nhân dân, có lời chúc Tết, thơ chúc Tết cả nước và chủ động bố trí đi thăm hỏi, chúc Tết các cơ quan, đơn vị, bộ đội, Nhân dân. Điều rất đáng trân trọng, học tập là Hồ Chủ tịch luôn chú ý đến sự sâu sát, chân tình, đến nét văn hóa trong chăm lo Tết cho dân. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Ngay sau khi về nước, gặp Tết, Người không quên mừng tuổi đồng bào hàng xóm và quà bánh cho trẻ em, tuy chỉ có mấy đồng xu, nhưng cũng bọc giấy hồng đơn cẩn thận, tươm tất”.

Hồ Chủ tịch cũng luôn yêu cầu các ngành, địa phương chú ý lo Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và bản thân Người rất gương mẫu trong việc làm tình nghĩa này.

Tết Bính Tuất năm 1946, Tết độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chủ tịch đã gửi Thư chúc mừng năm mới kêu gọi đồng bào và các đoàn thể phải chăm lo Tết cho các tầng lớp Nhân dân, trong đó có “những đồng bào nghèo” để mọi người ai cũng có Tết. Người nhắc đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội phải chú ý lo Tết cho người nghèo, để đồng bào ai cũng có Tết.

Những ngày Tết, Hồ Chủ tịch thường trực tiếp dành thời gian tự mình đi thăm, chúc Tết những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Tết Bính Tuất, Hồ Chủ tịch đến thăm gia đình một người làm nghề đạp xích lô ở phố Hàng Đũa, Hà Nội. Chủ nhà đang ốm nằm trên chiếc chõng tre, dùng chiếu thay chăn đắp lên người, bàn thờ không có gì ngoài nén nhang cháy dở. Hồ Chủ tịch đã khóc và nói với người cùng đi: “Không hiểu còn bao nhiêu gia đình tối 30 Tết mà không có Tết như người này”. Rồi Bác nhắc người đi cùng hôm sau nhớ đem thuốc bệnh, quà Tết đến cho người xích lô nghèo.

Tối 30 Tết Canh Tý 1960, Hồ Chủ tịch đến thăm gia đình chị Tín ở phố Hàng Chĩnh, Hà Nội. Nhà rất nghèo, chồng mất sớm, chị Tín phải đi gánh nước thuê để lấy tiền mua gạo nuôi 4 con sống qua ngày. Khi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, chị Tín xúc động nói: “Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm” rồi òa khóc. Hồ Chủ tịch ân cần thăm hỏi chị và nhẹ nhàng nói: “Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai...”.

Qua đi thực tế chúc Tết như vậy, Hồ Chủ tịch càng hiểu rõ hơn hoàn cảnh sống thực tế của người dân, có thêm tình cảm, ý chí để từ đó có những quyết sách đúng, cách làm hay vì dân, để có sự nhắc nhở kịp thời Đảng, Chính phủ, các ngành, địa phương và đội ngũ cán bộ, đảng viên quan tâm chăm lo Tết cho dân được tốt hơn, chu đáo hơn.

Hồ Chủ tịch cũng thường xuyên nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải chăm lo không chỉ có mấy ngày Tết, mà phải là việc của cả năm, nhiều năm, cũng như trong suốt sự nghiệp cách mạng, bằng các giải pháp tổng hợp, bằng sự tiết kiệm, hăng hái lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Mùa xuân Canh Tý 1960, nhân dịp mừng Đảng, mừng Xuân, Hồ Chủ tịch đã viết hai bài báo đăng trên Báo Nhân Dân. Trong bài “Mừng Tết Nguyên đán như thế nào?”, Người viết:

“Trăm năm trong cõi người ta,

Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan.

Mừng Xuân, Xuân cả thế gian,

Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân”.

Còn trong bài: “Mừng Xuân vĩ đại”, Hồ Chủ tịch viết: “Chúng ta mừng Xuân một cách vui vẻ tưng bừng, nhưng tuyệt đối không lãng phí. Chúng ta ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, để Xuân sau thắng lợi hơn Xuân này”.

Xuân Kỷ Dậu 1969, trong bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 05/02/1969, Hồ Chủ tịch chỉ ra rất cụ thể: “Tết trồng cây là ngày mở đầu cho việc trồng cây suốt cả năm, đã trở thành một tục lệ tốt đẹp của Nhân dân ta”. Trước đó, cuối năm 1959, nhân dịp thành lập Đảng và đón Tết cổ truyền, Hồ Chủ tịch đã phát động Tết trồng cây, với ý nghĩa rất thiết thực: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều… Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ đưa lại cho Nhân dân ta một nguồn lợi to, lại làm cho xứ sở ta thêm đẹp” và “Tết trồng cây chẳng những có ý nghĩa về kinh tế, mà còn có ý nghĩa về chính trị to lớn…”.

Cũng trong mùa xuân Canh Tý 1960, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ những việc cụ thể Đảng đã và cần phải chăm lo cho dân: “Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của Nhân dân. Cho nên Đảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta”.

Mừng Đảng 93 tuổi, mừng Xuân Quý Mão 2023, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hăng hái phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tấm gương chăm lo Tết cho người nghèo, trọn đời vì cuộc sống Nhân dân của Hồ Chủ tịch đã và đang được chúng ta thực hiện trong thực tiễn để “Không có ai bị bỏ lại phía sau”, ai cũng có Xuân, có Tết và đó mãi mãi là những mùa Xuân, những cái Tết: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Cùng chuyên mục
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tết cho người nghèo