Chú trọng công tác tuyên truyền để thu hút đối tượng tham gia

Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) là hai chính sách thể hiện tính nhân văn, góp phần chia sẻ cộng đồng và phát triển xã hội. Với ý nghĩa đó, thời gian qua, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã tập trung vào công tác truyền thông đến rộng rãi mọi người dân trên địa bàn tỉnh để tích cực tham gia, thụ hưởng chính sách.

img_8640_20221107090943_20221107200026.jpg
Tăng cường tư vấn, giới thiệu chính sách BHXH, BHYT để thu hút đối tượng tham gia. Ảnh: BHXH tỉnh Đắk Lắk.

Mang lại kết quả tích cực

Xác định vai trò quan trọng của công tác truyền thông, thời gian qua, BHXH huyện Krông Búk đã chú trọng đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền về BHYT, BHXH tự nguyện... Theo ông Phạm Anh Vũ - Phó Giám đốc BHXH huyện Krông Búk, đơn vị luôn đẩy mạnh công tác truyền thông về phát triển BHXH, BHYT bằng nhiều hình thức như tổ chức đối thoại trực tiếp thông qua các hội nghị khách hàng, truyền thông trên hệ thống loa phát thanh; mỗi nhóm đối tượng như đồng bào dân tộc thiểu số, hộ kinh doanh nhỏ, người lao động tự do… đều có cách thức tiếp cận, tuyên truyền phù hợp.

Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, BHXH huyện đã chủ động các hình thức truyền thông vừa trực tiếp vừa gián tiếp thông qua đối thoại với các nhóm nhỏ hoặc tuyên truyền qua mạng xã hội của đơn vị với những thông điệp ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp cận. Nhờ vậy, đến nay, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng gấp 15 lần so với năm 2017 (từ khoảng 70 người tăng lên trên 1 nghìn người). Số người tham gia BHYT cũng tăng dần qua các năm. Thời điểm hiện tại, huyện có trên 55,4 nghìn người tham gia, đạt 96,6% kế hoạch năm 2022 mà BHXH tỉnh giao và đạt tỷ lệ bao phủ 87% dân số.

“Bên cạnh các nội dung mang tính phổ biến kiến thức về chế độ BHXH, BHYT, chúng tôi tăng cường đẩy mạnh truyền thông về ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của chế độ BHXH, BHYT, đặc biệt là chế độ BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình” - ông Vũ thông tin và cho biết thêm, đơn vị tích cực truyền thông về các gương người tốt, việc tốt, sáng kiến hay, hữu ích trong việc tham gia và thụ hưởng các chế độ chính sách BHXH, BHYT. Trong đó, chú trọng nội dung truyền thông đặc thù như: truyền thông đối với người lao động trong các doanh nghiệp; truyền thông đối với đồng bào dân tộc thiểu số; truyền thông phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, BHYT học sinh, sinh viên…

Theo BHXH huyện, những nỗ lực trong công tác phát triển đối tượng, trong đó có việc đổi mới tuyên truyền, thu hút đối tượng tham gia đã mang lại hiệu quả thiết thực. Dù là địa bàn huyện vùng núi rất khó khăn, song BHXH huyện luôn hoàn thành chỉ tiêu được giao trong phát triển đối tượng, cũng như thực hiện tốt các chính sách cho người dân.

Truyền thông có trọng tâm, phù hợp với đối tượng để mang lại hiệu quả

Đổi mới hoạt động tuyên truyền để thu hút đối tượng tham gia cũng là cách làm chung được ngành BHXH tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện. Theo đó, hằng năm BHXH tỉnh và các đơn vị trực thuộc đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội triển khai hiệu quả hình thức truyền thông trực tiếp. Qua đó, hiểu biết của người dân trên địa bàn tỉnh về chính sách BHXH, BHYT nâng lên rõ rệt.

Từ năm 2017 đến năm 2021, BHXH tỉnh Đắk Lắk luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao về công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Tính đến tháng 9/2022, số người tham gia BHXH tự nguyện hiện đạt gần 18.000 người, số người tham gia BHYT tiếp tục được duy trì và tăng trưởng tích cực, hiện đạt trên 1,6 triệu người, đạt gần 96% chỉ tiêu đặt ra. 

Nói về giải pháp góp phần hoàn thành chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia trong thời gian tới, ông Nguyễn Khắc Tuấn - Giám đốc BHXH tỉnh nhấn mạnh, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục chủ động trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể liên quan trong công tác truyền thông, bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Hằng năm chú trọng xây dựng kế hoạch thông tin, truyền thông ngay từ đầu năm để chỉ đạo các đơn vị tổ chức, triển khai, thực hiện. Tiếp tục đổi mới nội dung truyền thông; đa dạng hình thức truyền thông hướng tới sự phù hợp với đặc thù của các nhóm dân cư trên địa bàn.

Đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên truyền, hệ thống tổ chức dịch vụ thu có đầy đủ các kỹ năng truyền đạt, am hiểu tâm lý, phong tục tập quán, ngôn ngữ của các dân tộc khác nhau, bám sát những người có uy tín trong bản làng, thôn, buôn, tổ dân phố để tuyên truyền...

Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, làm nổi bật tính nhân văn, ưu việt của chính sách, từ đó góp phần chuyển biến về nhận thức và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh; nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức chấp hành Luật BHXH, BHYT của đơn vị sử dụng lao động, người lao động và người dân.

Cùng chuyên mục
Chú trọng công tác tuyên truyền để thu hút đối tượng tham gia