Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm toán chính sách xã hội hóa lĩnh vực giáo dục và dạy nghề

(BKTO) - Với mục tiêu nhằm đánh giá, nhận định sâu hơn về tác động của chính sách pháp luật nói chung, chính sách xã hội hóa trong giáo dục và dạy nghề nói riêng, thời gian qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức các cuộc kiểm toán việc thực hiện chính sách trong giáo dục và dạy nghề, song chủ yếu là được lồng ghép với kiểm toán ngân sách địa phương.



                
   

Quang cảnh Tọa đàm . Ảnh: N.LỘC

   

Tại Tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm về kiểm toán việc thực hiện chính sách xã hội hóa theo Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề giai đoạn 2015-2021”, nhiều ý kiến nhận định, thực tế trên cũng khiến cho kết quả kiểm toán chưa đạt được như kỳ vọng, đặc biệt là trong bối cảnh yêu cầu đặt ra cho KTNN ngày càng cao, chất lượng kiểm toán cần phải được nâng lên để đáp ứng niềm tin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và công chúng.

Tiếp tục quan tâm kiểm toán việc thực hiện chính sách

Theo đại diện Phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Vụ Tổng hợp), kể từ khi chính sách ưu đãi xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề được ban hành tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP cho tới nay, KTNN chưa thực hiện cuộc kiểm toán Chuyên đề về việc thực hiện chính sách này, song kết quả kiểm toán liên quan cũng đã được các KTNN khu vực thực hiện. Đặc biệt, năm 2022, một số KTNN khu vực đã triển khai thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc thực hiện chính sách xã hội hóa theo Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề giai đoạn 2015-2021”.

Xuất phát từ thực trạng cuộc kiểm toán hiện nay được lồng ghép với cuộc kiểm toán ngân sách địa phương, lãnh đạo Phòng Thẩm định 2 (Vụ Pháp chế) cho biết, việc bố trí thời gian và nhân lực cho chuyên đề của một số đoàn kiểm toán chưa nhiều, dẫn đến kết quả kiểm toán chuyên đề chưa sâu. Mặt khác, chính sách xã hội hóa được thực hiện từ năm 2008, đến nay chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở nhiều giai đoạn khác nhau, nên việc vận dụng và tham chiếu các căn cứ pháp lý gắn với nhận xét, đánh giá, kết luận và kiến nghị của các đoàn kiểm toán gặp nhiều trở ngại.

Bên cạnh đó, việc tổng hợp báo cáo kiểm toán chuyên đề toàn Ngành của đơn vị chủ trì gặp những khó khăn nhất định do không có cơ quan đầu mối ở Trung ương; chưa có sự kết nối, chia sẻ thường xuyên với các đơn vị tham gia kiểm toán chuyên đề nên một số phát hiện kiểm toán chưa được nhân rộng, khó khái quát được thành các kiến nghị có chất lượng.

Từ thực tiễn kiểm toán, ông Đặng Văn Công - Trưởng phòng Kiểm toán ngân sách 3, (KTNN khu vực IV) cũng nêu bật một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kiểm toán. Trong đó, do tình hình thực tế tại nhiều địa phương nên sự phân công thực hiện nhiệm vụ cho các đơn vị có sự thay đổi, không theo Đề cương kiểm toán (được xây dựng dựa trên chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan có liên quan theo quy định tại các nghị định, thông tư), dẫn đến khi khảo sát, thu thập thông tin tại các đơn vị gặp nhiều khó khăn, số liệu thu thập chưa đầy đủ.

Chung ý kiến, đại diện KTNN khu vực VIII cho biết, do giai đoạn kiểm toán dài, từ 2015-2021 nên việc thu thập thông tin về các đơn vị kiểm toán, đối tượng kiểm toán chưa được đầy đủ và chính xác, dẫn đến hạn chế trong việc phân tích, đánh giá khai thác thông tin liên quan đến nội dung, đối tượng kiểm toán, xác định chính xác trọng tâm và rủi ro kiểm toán.

Trong quá trình triển khai kiểm toán, mỗi Đoàn chỉ bố trí được 01 Tổ kiểm toán thực hiện việc kiểm toán chuyên đề lồng ghép tại nhiều đơn vị đầu mối, dẫn đến khó khăn trong việc bố trí nhân sự tham gia kiểm toán. “Trong khi Chuyên đề xã hội hóa là một lĩnh vực mới, cần đòi hỏi kiểm toán viên phải dành nhiều thời gian nghiên cứu để thực hiện được tốt các bước trong quy trình kiểm toán” - đại diện KTNN khu vực VIII nêu.

Ngoài ra, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, các địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác phát triển xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, nghề nghiệp, các văn bản trong lĩnh vực này không đầy đủ, dẫn đến khó khăn cho đoàn kiểm toán khi thu thập thông tin; một số đơn vị được kiểm toán chưa tích cực phối hợp với đoàn kiểm toán trong cung cấp thông tin, tài liệu…

Nâng cao chất lượng kiểm toán chính sách xã hội hóa lĩnh vực giáo dục và dạy nghề

Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kiểm toán, các đơn vị kiểm toán và các đơn vị có liên quan đã đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán.

Qua công tác thẩm định, đại diện Vụ Pháp chế cho rằng, để khắc phục các hạn chế liên quan đến nguồn nhân lực, KTNN cần xem xét lựa chọn các chuyên đề kiểm toán gắn với các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước để các đơn vị tổ chức thành một cuộc kiểm toán riêng, hạn chế lồng ghép; trường hợp tổ chức kiểm toán lồng ghép cần quan tâm bố trí thời gian thỏa đáng và nhân lực có kinh nghiệm tham gia các đoàn kiểm toán.
                
   

Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Nguyễn Nhật Anh cho rằng, cần linh hoạt trong lựa chọn địa phương để kiểm toán.Ảnh: N.LỘC

   

Từ kinh nghiệm tổ chức kiểm toán, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Nguyễn Nhật Anh cho rằng, mỗi đơn vị trước khi lựa chọn địa phương triển khai kiểm toán theo chuyên đề cần thực hiện thu thập thông tin từ các địa phương và thực hiện chọn các địa phương có nhiều dự án thuộc chính sách xã hội hóa, không nên chọn “cứng” địa phương theo địa bàn phụ trách.

Đối với việc thực hiện theo Đề cương kiểm toán, ông Nguyễn Nhật Anh đề xuất, cần có sự linh hoạt để đảm bảo thực hiện được mục tiêu công việc. Bởi, theo hướng dẫn của Đề cương kiểm toán ban hành kèm Quyết định 300/QĐ-KTNN ngày 11/3/2022 các đơn vị được kiểm toán tại các địa phương, gồm: Cơ quan thuế, sở Giáo dục và đào tạo, sở Lao động - Thương binh và Xã hội, sở Tài nguyên và Môi trường.

Tuy nhiên, khi thực hiện triển khai tại địa phương tùy từng địa phương sẽ giao cho sở ngành quản lý triển khai các công việc khác nhau, do vậy đơn vị đề xuất khi lựa chọn đầu mối được kiểm toán không nên chốt “cứng” như đề cương mà thực hiện điều chỉnh tùy tình hình thực tế.
                
   

Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại Tọa đàm.Ảnh: N.LỘC

   

Về giải pháp chung nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các đoàn kiểm toán cần đảm bảo thực hiện đúng, đủ các yêu cầu về mặt nguyên tắc, trước hết là bám sát văn bản, quy định, các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo KTNN đối với cụ thể nội dung kiểm toán này.

Đặc biệt, trước khi thực hiện kiểm toán, KTNN cần tổ chức tập huấn trong toàn Ngành về Đề cương kiểm toán để thống nhất nhận thức và tổ chức thực hiện; mời các chuyên gia am hiểu sâu về chuyên đề cả trong và ngoài ngành để trao đổi, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, bất cập về chuyên đề, đặc biệt là cơ chế, chính sách.

Mặt khác, để đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt đối với mục tiêu, nội dung kiểm toán, KTNN cần giao một đơn vị trong Ngành làm đầu mối để điều hành kịp thời các nội dung kiểm toán lớn, đặc biệt là về cơ chế, chính sách; kịp thời rút kinh nghiệm đối với các vấn đề phát sinh trong quá trình kiểm toán.../
                
   

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ văn Họa. Ảnh: N.LỘC

   
         
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa:Với tính chất là cuộc kiểm toán chuyên đề, hay nội dung kiểm toán lồng ghép, các đơn vị kiểm toán phải đảm bảo tính thống nhất, nhất quán trong đánh giá, kiến nghị và tuyệt đối tuân thủ chỉ đạo của lãnh đạo KTNN, bám sát các quy định, đề cương kiểm toán, trên cơ sở đó vận dụng linh hoạt vào điều kiện thực tế của từng địa phương.
N.LỘC - D.THIỆN
Cùng chuyên mục
Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm toán chính sách xã hội hóa lĩnh vực giáo dục và dạy nghề