Nhiều phát hiện nổi bật qua kiểm toán việc thực hiện chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề

(BKTO) - Năm 2022, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc thực hiện chính sách xã hội hóa theo Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề giai đoạn 2015-2021”. Qua kiểm toán, các đoàn kiểm toán đã có nhiều phát hiện và kiến nghị nổi bật nhằm giúp các địa phương nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề.



                
   

Quang cảnhTọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm về kiểm toán việc thực hiện chính sách xã hội hóa theo Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề giai đoạn 2015-2021”.Ảnh: N.LỘC

   

Hiệu quả trong thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực giáo dục chưa cao

Theo Kế hoạch kiểm toán năm 2022 của KTNN, trong danh mục kiểm toán có 14 cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc thực hiện chính sách xã hội hóa theo Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề giai đoạn 2015-2021”. Theo đó, các KTNN khu vực đã, đang triển khai thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề trên và đã thu được một số kết quả đáng lưu ý.

Thông tin về một số kết quả kiểm toán, ông Nguyễn Anh Tú - Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Vụ Tổng hợp, KTNN - cho biết, hầu hết các địa phương được kiểm toán đều đã ban hành chính sách, quy định về xã hội hóa; trong đó chủ yếu tập trung vào chính sách ưu đãi về đất đai, chưa thực hiện chính sách ưu đãi về thuế theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP.
                
   

ÔngNguyễn Anh Tú - Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Vụ Tổng hợp, KTNN phát biểu.Ảnh: N.LỘC

   

Về công tác quy hoạch mạng lưới phát triển các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, một số địa phương thiếu quy hoạch đất cho mục đích xã hội hóa, hoặc chưa xác định quỹ đất theo quy hoạch để đầu tư xây dựng các cơ sở xã hội hóa khi tham mưu xây dựng, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Một số địa phương thiếu kinh phí thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định để giao đất sạch cho nhà đầu tư, dẫn đến khó thu hút đầu tư vào phát triển lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Chia sẻ thêm phát hiện kiểm toán, bà Nguyễn Thị Huệ - Phó Trưởng phòng Thẩm định 2, Vụ Pháp chế, KTNN - cho biết, hiệu quả trong thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, dạy nghề giai đoạn 2015-2021 của các địa phương được kiểm toán chưa cao.

Cụ thể là tỷ lệ phát triển cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập chưa đạt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.

Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, danh mục thu hút đầu tư chỉ nêu chung chung về các dự án giáo dục, đào tạo mà chưa có thông tin cụ thể để giới thiệu với các nhà đầu tư, làm cơ sở để các nhà đầu tư xem xét, quyết định đầu tư.

Mặt khác, nhiều địa phương chưa ban hành được cơ chế, chính sách đủ mạnh để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực; các dự án đầu tư vào lĩnh vực dạy nghề chủ yếu đào tạo trình độ sơ cấp và dạy nghề quy mô nhỏ, nguồn lực tài chính chưa đủ lớn; một số trường sau khi thành lập gặp khó khăn trong vấn đề tuyển sinh, hoạt động chưa hiệu quả.

Ông Đặng Văn Công - Trưởng phòng Kiểm toán ngân sách 3, KTNN khu vực IV - cho biết thêm, đối với việc thực hiện dự án xã hội hóa của các nhà đầu tư cũng còn nhiều tồn tại.

Cụ thể, một số doanh nghiệp không thực hiện dự án; chậm tiến độ thực hiện dự án hoặc chậm đưa một phần diện tích theo quy hoạch và quyết định đầu tư vào thực hiện.

Bên cạnh đó, một số cơ sở xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục,dạy nghề chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật; chưa thực hiện kiểm toán hàng năm và công khai kết quả kiểm toán theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, một số cơ sở xã hội hóa hoạt động khi chưa thực hiện đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; chưa đăng ký mã số thuế, kê khai nộp thuế…

Nhiều kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách xã hội hóa lĩnh vực giáo dục

Ông Nguyễn Anh Tú cho biết, bên cạnh những hạn chế trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, qua kiểm toán, các đoàn kiểm toán cũng chỉ ra trong công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng tại địa phương cũng có những tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, định kỳ hàng quý và hàng năm, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, giáo dục dạy nghề không lập báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động của các cơ sở thực hiện xã hội hóa gửi Ủy ban nhân dân tỉnh và Cục Thống kê theo quy định. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh không lập báo cáo tình hình thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, giáo dục dạy nghề của địa phương gửi các bộ quản lý chuyên ngành để tổng hợp.

Chia sẻ thêm, ông Đặng Văn Công cho biết, nhiều dự án được kiểm toán đều chậm triển khai thực hiện dự án quá 12 tháng, nhưng chưa được các cơ quan chức năng kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư dự án thực hiện hoặc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định thu hồi quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư.
                
   

ÔngĐặng Văn Công - Trưởng phòng Kiểm toán ngân sách 3, KTNN khu vực IV phát biểu.Ảnh: N.LỘC

   

Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán tại Cục Thuế một số địa phương cho thấy còn trường hợp cơ quan thuế chưa chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện kiểm tra, xác định việc đáp ứng các tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn của cơ sở thực hiện xã hội hóa tại thời điểm dự án hoàn thành, đưa vào hoạt động theo quy định pháp luật.

Ông Mai Văn Quang - Phó Kiểm toán trưởng, KTNN khu vực XI - cho biết thêm, một số địa phương chưa thực hiện kiểm tra việc sử dụng đất thực tế của các dự án, dẫn đến một số dự án sử dụng đất chưa đúng mục đích, trong khi đó chính quyền địa phương cũng chưa thực hiện xử phạt đối với chủ đầu tư dự án.

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Hương - Phó Chánh Văn phòng, KTNN khu vực VIII, tại một số địa phương, cơ quan thuế chưa theo dõi, báo cáo tình hình ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa; chưa thực hiện báo cáo định kỳ kết quả thực hiện chính sách miễn, giảm tiền thuê đất đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa theo quy định.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng còn sai sót khi kiểm tra, xác định việc đáp ứng các điều kiện về tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn do Thủ tướng Chính phủ quy định, dẫn đến chưa có đầy đủ hồ sơ, cơ sở để miễn tiền thuê đất cho các cơ sở xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề.

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực xã hội hóa các cơ sở giáo dục, dạy nghề chưa được thực hiện thường xuyên, do vậy chưa phát hiện và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chấn chỉnh những sai sót, tồn tại kịp thời…
                
   

Đôngđảođại biểu tham dự Tọađàm.Ảnh: N.LỘC

   

Trên cơ sở những phát hiện kiểm toán trên, các đoàn kiểm toán đã kiến nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh cần ban hành danh mục lĩnh vực và địa bàn ưu đãi xã hội hóa của địa phương theo quy định; ban hành mức miễn, giảm tiền thuê đất theo từng lĩnh vực và khu vực địa bàn ưu đãi xã hội hóa sau khi xin ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp theo quy định.

Bên cạnh đó, các địa phương cần ban hành quy chế, tiêu chí thực hiện, nhằm khuyến khích, thúc đẩy, mở rộng các hình thức xã hội hóa trên địa bàn; ban hành quy hoạch, kế hoạch mạng lưới phát triển các cơ sở xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề theo quy định.

Song song với đó, các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cần tăng cường phối hợp để đưa ra giải pháp nhằm chấn chỉnh những tồn tại, nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề…/.
D.THIỆN - N.LỘC
Cùng chuyên mục
Nhiều phát hiện nổi bật qua kiểm toán việc thực hiện chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề