Chú trọng khai thác thế mạnh thủy sản

(BKTO) - Với đường bờ biển dài có nhiều vùng kín gió và gần 60.000ha mặt nước biển trải dài từ thị xã Quảng Yên đến TP Móng Cái, Quảng Ninh sở hữu những lợi thế nổi trội để phát triển các hình thức nuôi lồng bè mà rất ít địa phương trong trên cả nước có được.

bai-thuy-san-quang-ninh.jpg
Hàu nuôi được thu hoạch, vận chuyển về Cảng Cái Rồng (Vân Đồn) từ sáng sớm. Ảnh: Nguyễn Quý.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Quảng Ninh, những năm qua, tỷ trọng, giá trị của lĩnh vực thuỷ sản chiếm khoảng 50% giá trị toàn ngành.

Bước vào năm 2024, đối với lĩnh vực khai thác, Quảng Ninh xác định duy trì việc quản lý, giám sát nghiêm các tàu cá đang hoạt động trên địa bàn, không để xảy ra vi phạm. Tỉnh cũng đã thành lập, duy trì hoạt động nhóm chat zalo quản lý tàu cá cấp tỉnh đối với tàu từ 15m trở lên, tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi, giám sát tàu cá trên biển thực hiện ghi chép, lưu trữ thông tin tàu cá vi phạm; hướng dẫn, hỗ trợ chủ tàu cá thực hiện giám sát hành trình...

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu thả được tối thiểu 5 triệu con giống thủy sản tái tạo nguồn lợi cho các vùng biển ven bờ và sông, hồ, đập trên địa bàn. Tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, gắn liền với việc bố trí đội tàu kiểm ngư hoạt động trên biển 24/24 giờ tại các ngư trường trọng điểm, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, các địa phương ven biển... Đồng thời, bộ phận thường trực đường dây nóng sẽ tiếp nhận đầy đủ, xác minh kịp thời 100% tin báo của quần chúng nhân dân về hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực thủy sản...

Năm 2024, Quảng Ninh phấn đấu đạt sản lượng thủy sản khoảng 187.700 tấn, tăng 5,9% so với năm 2023, đóng góp khoảng trên 50% giá trị sản xuất của toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Sơn - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Thuỷ sản là lĩnh vực sản xuất có tính “xương sống” của ngành nông nghiệp Quảng Ninh. Với mặt biển rộng, bờ biển dài, môi trường biển trong sạch, khả năng cung ứng giống thuỷ sản tốt, thị trường tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản rộng mở… Quảng Ninh có dư địa rất lớn để nuôi trồng thủy sản trên biển và nuôi trồng thủy sản ven biển. Sản lượng thuỷ sản đạt lớn, giá trị cao, có tác động rất tích cực đến sự phát triển của toàn ngành.

Khai thác thế mạnh này, ngành thủy sản Quảng Ninh tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ thẩm định các vùng, vị trí nuôi đảm bảo an toàn, phù hợp với quy hoạch của huyện, của tỉnh để tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức giao cho người dân yên tâm sản xuất, nuôi trồng thủy sản, sử dụng vật liệu nổi hợp quy, đảm bảo môi trường nuôi an toàn. Đây là nỗ lực chung của toàn tỉnh thực hiện Chỉ thị số 13 ngày 10/8/2021 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển.

Ngoài ra, mô hình khu nuôi biển đa canh, đa giá trị của Quảng Ninh đang là điểm sáng trong cả nước. Theo ông Đỗ Đình Minh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, trong điều kiện nuôi thủy sản nói chung, nuôi biển nói riêng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng hệ sinh thái từ chính quá trình nuôi, việc nuôi xen canh để các đối tượng nuôi tương trợ giúp giảm ô nhiễm môi trường biển, nâng cao năng suất, giảm thiểu rủi ro, tạo ra sản phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm chính là hướng phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

Cùng chuyên mục
Chú trọng khai thác thế mạnh thủy sản