Chứng khoán hưởng lợi từ triển vọng sáng kinh tế 2021

(BKTO) - Nhờ khả năng kiềm chế dịch bệnh tốt và khu vực xuất khẩu khả quan, kinh tế Việt Nam đã duy trì được đà tăng trưởng trong năm 2020, mở ra triển vọng tích cực cho năm 2021.




Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm

Top 10 thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất thế giới

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, dưới tác động của đại dịch Covid-19, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu quý I/2020 đã trải qua những biến động lớn chưa từng thấy kể từ sau cuộc Đại khủng hoảng năm 1939, với những phiên ngắt mạch giao dịch liên tục diễn ra tại nhiều thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines…

Mặc dù TTCK đã có sự phục hồi mạnh mẽ nhưng diễn biến mới của làn sóng dịch Covid-19 lần 2 khiến kế hoạch mở cửa kinh tế chậm lại và có những ảnh hưởng không tích cực tới xu hướng phát triển của TTCK toàn cầu.

Không nằm ngoài xu hướng đó, TTCK Việt Nam cũng chịu những tác động nhất định, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, sự nỗ lực của thành viên thị trường, doanh nghiệp và niềm tin của nhà đầu tư, TTCK Việt Nam trong năm 2020 về cơ bản đã thành công khi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và phục hồi tích cực.

Cập nhật số liệu tới ngày 31/12/2020, TTCK Việt Nam đã kết thúc một năm tăng trưởng ấn tượng với chỉ số VN-Index đạt 1.103,87 điểm, tăng mạnh tới 67% so với thời điểm thấp nhất của năm 2020 (ngày 24/3/2020, đóng cửa ở mức 659,21 điểm), tăng 14,9% so với thời điểm cuối năm 2019.

Chỉ số HNX Index cũng đã có một năm tăng trưởng rất mạnh. Kết thúc phiên giao dịch năm 2020, chỉ số HNX-Index tăng gần 119% so với thời điểm cuối quý I/2020 và tăng 98,1% so với cuối năm 2019.

Nhờ những kết quả đó, TTCK Việt Nam được đánh giá là thị trường phục hồi mạnh nhất Đông Nam Á, nằm trong danh sách 10 TTCK có mức tăng trưởng tốt nhất trên thế giới.

Hướng tới năm 2021

Năm 2021, tâm điểm chú ý của giới đầu tư đang dồn về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII diễn ra vào tháng 1 với nhiều định hướng mới cho đất nước và nền kinh tế. 2021 cũng là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, trong đó Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5%/năm.

Kế hoạch 5 năm sẽ có 2 giai đoạn: 2021 - 2022 (giai đoạn phục hồi) và 2023 - 2025 (giai đoạn tăng tốc). Do vậy, đối với năm 2021, những thông điệp được đưa ra tại các cuộc họp gần đây cho thấy Chính phủ vẫn tiếp tục việc nới lỏng chính sách tiền tệ và thực hiện chính sách tài khóa mở rộng.

Tại cuộc họp triển khai Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP 2021 tăng thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm so với chỉ tiêu Quốc hội giao, lên mức 6,5% và đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác.

Từ thông điệp này cũng như các động thái chính sách gần đây, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng tiếp tục chính sách nới lỏng trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên thế giới đều thực hiện chiến lược tương tự và USD có thể tiếp tục giảm giá.

Dù vậy, VND có thể tăng giá với các chuyển biến tích cực của các yếu tố kinh tế vĩ mô trong khi lãi suất có thể thoát đáy vào giữa năm 2021 do tăng trưởng tín dụng mạnh hơn và kinh tế phục hồi.

Năm 2020, tăng trưởng tín dụng đạt 11,5%, bởi vậy năm 2021, tín dụng có thể tăng 13 - 14%, trở về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch. Thậm chí, với những động thái chính sách gần đây siết chặt hơn kênh trái phiếu, đồng thời áp dụng các điều kiện chặt chẽ về huy động vốn qua thị trường chứng khoán, tăng trưởng tín dụng có thể sẽ vượt kỳ vọng của các thành viên thị trường.

Cũng không thể không nhắc đến những thay đổi về môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư khi rất nhiều luật mới có hiệu lực từ năm 2021, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư (PPP), Luật Bảo vệ môi trường…

Khảo sát các doanh nghiệp VNR 500 của Vietnam Report mới đây cho thấy, có 58,1% doanh nghiệp lớn cho biết có kế hoạch mở rộng đầu tư đối với lĩnh vực kinh doanh chủ lực trong năm 2021 và những năm tới; 51,2% doanh nghiệp lên kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh sang lĩnh vực mới trong giai đoạn 2021 - 2022; 52,2% doanh nghiệp tiến hành tìm kiếm thị trường mới; 30,2% doanh nghiệp thực hiện các dự án liên doanh/liên kết và 11,6% doanh nghiệp sẽ thực hiện các dự án mua bán - sáp nhập.

Dưới tác động của các chính sách vĩ mô được dự phóng như trên, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 liệu có tiếp tục duy trì mức tăng trưởng lạc quan, kéo sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài?

Trên thực tế, VN-Index liên tục tăng trưởng vượt trội hơn so với chỉ số MSCI Frontier Market trong 5 năm qua. Tính từ đầu năm, VN-Index tiếp tục tăng mạnh so với chỉ số các thị trường cận biên của MSCI.

Đặc biệt, dưới sự dẫn dắt của dòng tiền, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình tăng nhiều hơn 12% so với VN30 trong năm 2020, sau 3 năm liên tiếp kém hiệu quả hơn nhóm VN30.

Câu chuyện được quan tâm lớn nhất trong năm 2021 là những thông tin xoay quanh việc nâng hạng thị trường.

Trong đợt đánh giá mới nhất, MSCI đã công bố tỷ trọng của Việt Nam trong rổ chỉ số MSCI Frontier Market 100 sẽ tăng từ 12,5% lên 28,76% vào tháng 11/2021 sau 5 giai đoạn. Hiện tại, Việt Nam có tỷ trọng 14,2% trong rổ chỉ số này. Đây có thể là yếu tố tích cực thu hút dòng vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam trong năm 2021.

Đây cũng được kỳ vọng là lực kéo mới cho VN-Index sau một năm bán ròng của khối ngoại khiến cho tỷ trọng của nhà đầu tư nước ngoài giảm mạnh chỉ còn chưa đầy 10% trên thị trường chứng khoán Việt Nam (từ mức gần 20% trong 5 năm qua).

Nếu bước đi bằng cả 2 chân, khối nội và khối ngoại, rất có thể thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục có những diễn biến bất ngờ.

NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Chứng khoán hưởng lợi từ triển vọng sáng kinh tế 2021