Thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2020 đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng

(BKTO) - Năm 2020, ngành tài chính thực hiện thu cân đối ngân sách Nhà nước trong năm đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 98% dự toán điều chỉnh bổ sung và tăng gần 184.000 tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội.




Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị, ngày 8/1. (Ảnh: Vietnam+)

"Dự kiến mức bội chi ngân sách Nhà nước năm 2020 bằng 3,93% GDP ước thực hiện. Số bội chi tuyệt đối tăng khoảng 14.000 tỷ đồng trong khi dự toán Quốc hội cho phép điều chỉnh tăng tối đa là 133.500 tỷ đồng.”

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết như vậy tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2020 và triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2021, ngày 8/1.

Thu cân đối ngân sách 98% dự toán

Năm 2020, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 và hậu quả thiên tai, bão lũ song ngành tài chính đã chủ động đề xuất và triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khoá, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ tài chính-ngân sách Nhà nước.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, toàn ngành thực hiện thu cân đối ngân sách Nhà nước trong năm đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 98% dự toán điều chỉnh bổ sung và tăng gần 184.000 tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội. Như vậy tỷ lệ động viên vào ngân sách tương ứng 23,9% GDP.

Trong đó, thu nội địa cơ bản đạt dự toán, cụ thể thu từ dầu thô đạt 98,3% và tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 93,8% dự toán, sau khi trừ hoàn thuế giá trị gia tăng phần cân đối ngân sách đạt 86,2% dự toán.

Về chi ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính đã chủ động trình cấp thẩm quyền cho phép thực hiện những biện pháp, như yêu cầu tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác đồng thời chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở và yêu cầu các địa phương chủ động điều hành ngân sách địa phương.

Nhờ chủ động trong điều hành, ngân sách Nhà nước đã bố trí đủ nguồn đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chính trị quan trọng, trong đó có chi đầu tư phát triển, chi đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh theo dự toán.

Cụ thể, năm 2020, ngân sách Nhà nước đã chi hơn 18.000 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân chịu tác động của đại dịch COVID-19 theo các Nghị quyết 37 và 42 của Chính phủ. Bên cạnh đó, ngân sách trung ương đã dành 12.400 tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ; xuất cấp gần 37.000 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm.

Ngoài ra, các địa phương cũng chủ động sử dụng khoảng 8.200 tỷ đồng dự phòng ngân sách địa phương và nguồn lực tại chỗ để chi cho công tác phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai.

Trong năm qua, Bộ Tài chính đã điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc phù hợp với yêu cầu sử dụng ngân sách Nhà nước. Kết quả, kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân khoảng 13,94 năm (gấp trên 3,5 lần năm 2011) đồng thời lãi suất bình quân khoảng 2,86%/năm và bằng 1/4 lãi suất phải trả năm 2001, điều này đã góp phần tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước cũng như củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2020 và triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2021, ngày 8/1. (Ảnh: Vietnam+)
“Nhìn lại năm 2020, trong bối cảnh kinh tế chịu tác động nghiêm trọng của thiên tai, dịch bệnh, nhưng nhờ dư địa tài khóa tích lũy từ việc cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và nợ công trong giai đoạn 2016-2019 nên cân đối ngân sách năm 2020 kể cả ở cấp trung ương và cấp địa phương cơ bản được đảm bảo. Điều này góp phần hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và tài chính-ngân sách Nhà nước trong năm 2020, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu tài chính-ngân sách Nhà nước 5 năm 2016-2020 theo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25 của Quốc hội,” ông Dũng nói.

Phấn đấu tăng thu ngân sách 3% so với dự toán

Căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thông qua, bám sát 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2021 của Chính phủ, Bộ Tài chính xác định mục tiêu, nhiệm vụ tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2021: Phấn đấu tăng thu ngân sách 3% so với dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ động viên vào ngân sách Nhà nước khoảng 15,5%GDP.

Ngành cũng se kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước trong phạm vi 4%GDP (phấn đấu tăng thu, giảm bội chi). Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường phối hợp trong việc phát hành trái phiếu Chính phủ, điều hành ngân quỹ Nhà nước và cân đối ngoại tệ, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán.

Bộ Tài chính cũng đề ra mục tiêu kiểm soát chặt chẽ, phấn đấu đến cuối năm 2021 dư nợ công không quá 46,1%GDP, nợ Chính phủ không quá 41,9%GDP.
Bộ Tài chính xác định mục tiêu, nhiệm vụ tài chính-NSNN năm 2021, phấn đấu tăng thu ngân sách 3% so với dự toán. (Ảnh: Vietnam+)
Tuy nhiên, ông Dũng nhấn mạnh năm 2021 sẽ có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, đây cũng là năm đầu thực hiện Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, dự báo tình hình thế giới và trong nước cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch COVID-19, thêm vào đó thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

“Do đó, đòi hỏi phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của toàn ngành Tài chính nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính-ngân sách Nhà nước đề ra,” vị tư lệnh ngành Tài chính chốt lại./.

Theo vietnamplus.vn
Cùng chuyên mục
Thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2020 đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng