Chúng ta có thể quay trở lại con đường tăng trưởng kinh tế dài hạn, bền vững?

(BKTO) - Quan điểm của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn cầu về rủi ro trong hoạt động kinh doanh đã thay đổi đáng kể. Sự bất ổn của địa chính trị, thương mại và quan hệ quốc tế khiến cho các doanh nghiệp kiên cường hơn, đồng thời thay đổi chiến lược theo hướng tận dụng công nghệ, quản lý nhân lực, mở rộng hợp tác và giải quyết các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

16-chung-ta-co-the.jpg
Niềm tin của các CEO về tăng trưởng kinh tế trong trung hạn vẫn rất khả quan. Ảnh minh họa

Niềm tin về tăng trưởng kinh tế trung hạn tương đối mạnh mẽ

Theo khảo sát của KPMG đối với các giám đốc điều hành (CEO) toàn cầu, bất chấp những thách thức và trở ngại từ nhiều mặt, niềm tin của các CEO về tăng trưởng kinh tế trong trung hạn vẫn rất khả quan và chúng ta hoàn toàn có thể quay trở lại con đường tăng trưởng dài hạn, bền vững. Theo đó, 73% CEO toàn cầu tự tin về nền kinh tế trong ba năm tới và 77% CEO tự tin vào triển vọng tăng trưởng của công ty họ trong năm nay.

Điều này đi kèm với sự thay đổi đáng kể trong quan điểm về rủi ro. Các CEO hiện xếp hạng sự bất ổn chính trị là rủi ro lớn nhất đối với sự phát triển kinh doanh. Rõ ràng, địa chính trị không còn là rủi ro ngắn hạn và các doanh nghiệp buộc phải tạo ra một chiến lược xoay quanh rủi ro này, bao gồm những hiểu biết chuyên sâu, lập kế hoạch và kiểm tra sức chịu đựng.

Bên cạnh đó, các CEO phải đối mặt với những rào cản trong việc đạt được sự tăng trưởng trong 12 tháng tới. Có tới 77% CEO đánh giá lãi suất tăng và chính sách tiền tệ thắt chặt có thể kéo dài thời gian của các cuộc suy thoái. Đồng thời, họ cũng tin rằng áp lực chi phí sinh hoạt sẽ tác động tiêu cực đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.

Khi đã nhận diện được những thách thức, các doanh nghiệp nhấn mạnh rằng, sự chính trực chính là chìa khóa để xây dựng niềm tin và có tới 71% CEO khẳng định sẵn sàng loại bỏ những hoạt động kinh doanh gây tổn hại đến danh tiếng của doanh nghiêp. Ngoài ra, 61% CEO cho biết họ sẽ đưa ra quan điểm công khai về mọi vấn đề, kể cả liên quan đến chính trị, xã hội để bảo vệ giá trị cốt lõi của tổ chức, nhân viên cũng như khách hàng.

Biến thách thức thành cơ hội

Kết quả khảo sát của KPMG cho thấy, 70% tổ chức đang đầu tư mạnh vào trí tuệ nhân tạo (AI) như một lợi thế cạnh tranh và 52% mong đợi sẽ thấy lợi tức từ công nghệ này sau 3-5 năm. Tuy nhiên, cũng có tới 82% tổ chức tin rằng AI có thể làm tăng thêm rủi ro an ninh mạng, trong khi 27% trong số này vẫn chưa chuẩn bị cho một cuộc tấn công mạng có thể xảy ra và 55% tổ chức cho biết tiến trình tự động hóa đã bị trì hoãn do những lo ngại về cách hệ thống AI đưa ra quyết định.

Giám đốc kỹ thuật số toàn cầu của KPMG Lisa Heneghan nhấn mạnh rằng, AI vẫn là một chủ đề nóng và các nhà lãnh đạo đang tìm cách hiểu rõ hơn về tiềm năng cũng như cách triển khai công nghệ này trong tổ chức. Thách thức đặt ra là làm thế nào để đầu tư đúng chỗ và có kỹ năng phù hợp nhằm khai thác triệt để các cơ hội mà AI mang lại. Các chuyên gia của KPMG khuyến nghị, mỗi doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị ngay từ đầu để AI nằm trong khuôn khổ, tập trung vào quản trị, đặt nhu cầu của nhân viên và khách hàng lên hàng đầu. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật các thông tin về tấn công mạng để hạn chế khả năng rủi ro.

Bên cạnh AI, nhân lực cũng là một trong những vấn đề được các CEO quan tâm. Vấn đề thiếu hụt nhân lực đã giảm bớt trong thời kỳ kinh tế bất ổn, nhưng việc đảm bảo thu hút nhân tài trong 3 năm tới vẫn là một thách thức đối với các tổ chức. Đáng chú ý, 64% CEO toàn cầu ủng hộ việc nhân viên đến làm việc trực tiếp tại văn phòng và 87% CEO có xu hướng khen thưởng, tăng lương hoặc thăng chức cho nhân viên nỗ lực đến văn phòng làm việc. Điều này không thực sự được các nhân viên ủng hộ, nhất là thế hệ trẻ khi họ cho rằng cách làm việc kết hợp (đến văn phòng kết hợp với làm việc từ xa) vẫn mang lại kết quả tích cực trong 3 năm qua.

KPMG đưa ra khuyến nghị các nhà lãnh đạo phải có tầm nhìn dài hạn và cân nhắc các nhu cầu của nhân viên để đảm bảo tài năng được nuôi dưỡng và hỗ trợ. Đồng thời, đảm bảo tính đa dạng và hòa nhập, văn hóa nơi làm việc, đặt ra các mục tiêu thực tế, tài trợ cho các sáng kiến và đào tạo lớp lãnh đạo kế cận.

ESG là chủ đề thứ 3 được các CEO đặc biệt quan tâm khi nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh bền vững, mang lại sự tăng trưởng dài hạn - ngay cả khi doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức. 69% CEO toàn cầu đã áp dụng đầy đủ ESG vào hoạt động kinh doanh như một phương tiện để tạo ra giá trị và ESG cũng là một trong những lĩnh vực được ưu tiên trong các cuộc đối thoại nội bộ và bên ngoài.

Mặc dù vậy, các CEO cho rằng họ cần thêm nhiều năm nữa để thấy được lợi tức từ khoản đầu tư vào ESG và 68% chỉ ra rằng tiến độ thực hiện ESG vẫn chưa đủ để đáp ứng yêu cầu từ các bên liên quan hoặc cổ đông. Nghiên cứu về chỉ số trưởng thành ESG của KPMG cho thấy, hơn một nửa CEO đánh giá việc cân bằng giữa các mục tiêu về ESG với kỳ vọng về lợi nhuận là một thách thức.

Các chuyên gia của KPMG cho rằng, thay vì đầu tư cho tất cả, các doanh nghiệp nên tập trung thực hiện ESG ở các lĩnh vực phù hợp với giá trị của doanh nghiệp. ESG cần được xem là một động lực tạo ra giá trị, không phải là một rủi ro cần quản lý, vì vậy, khi nhắc đến tăng trưởng, các CEO phải xem xét yếu tố ESG. Thêm vào đó, các nhà lãnh đạo phải luôn chú ý đến các quy định về ESG để đảm bảo tính tuân thủ, duy trì danh tiếng thương hiệu và mối quan hệ với khách hàng./.

Cùng chuyên mục
Chúng ta có thể quay trở lại con đường tăng trưởng kinh tế dài hạn, bền vững?