Kỳ vọng kinh tế Việt Nam kiên cường “vượt gió ngược”

Năm 2023, kinh tế Việt Nam đã kiên cường, vững vàng “vượt sóng” để trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tích cực của thế giới. Đây là nền tảng để các chuyên gia quốc tế bày tỏ tin tưởng và kỳ vọng, năm 2024, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục “vượt gió ngược” thành công.

ky-vong-kte-viet-nam-thien.jpg
Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Ảnh minh họa

Nhận định tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam

Theo các chuyên gia quốc tế, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2023 đạt 5,05%, con số này cao hơn gấp 1,5 lần so với mức tăng trưởng 2,9% của kinh tế toàn cầu và cũng cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chưa tới 1% của khu vực đồng Euro (Eurozone); trong khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đứng sau Philippines. Nhờ có kết quả tăng trưởng tích cực, Việt Nam được đánh giá là một trong những “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế toàn cầu.

Từ những kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong năm qua, nhiều tổ chức quốc tế và các định chế tài chính đều có cái nhìn lạc quan, tiếp tục đưa ra các dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024.

Ông Jonathan Pincus - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam - nhận định, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 trên 6% của Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được. Lý giải cho đánh giá này, ông Jonathan Pincus cho rằng, hiện nay dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang tăng nhanh trong các lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, thiết bị máy tính, từ đó kỳ vọng xuất khẩu sẽ gia tăng và trở thành một động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thêm vào đó, dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2024 đạt 2,5-3%, sẽ có tác động tích cực đến sản xuất hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Cùng chung đánh giá lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, ông Suan Teck Kin - Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB - cũng cho rằng xuất khẩu, thu hút FDI sẽ là những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong năm 2024, đồng thời khẳng định Việt Nam đang ở vị thế tốt để tiếp tục thu hút FDI. Đặc biệt, theo ông Suan Teck Kin, Việt Nam đang được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Đơn cử, năm 2016, gần 22% hàng hoá nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Quốc nhưng đến cuối năm 2023, con số này đã giảm xuống còn 14,1%. Trong khi đó, tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ Việt Nam đã tăng gần gấp đôi từ 1,9% vào năm 2016 lên 3,3% vào năm 2023. Trên cơ sở nhiều yếu tố thuận lợi, Tập đoàn UOB dự báo, năm 2024, Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6%.

Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam - cho biết, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 ở mức 6%, trong bối cảnh nền kinh tế các đối tác thương mại chính của Việt Nam đang trên đà phục hồi.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 sẽ đạt khoảng 5,5%; Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo đạt 5,8%. Cả hai tổ chức này đều cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, chỉ thấp hơn Philippines (dự báo đạt mức tăng trưởng khoảng 5,9%).

Khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế

Đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam để có thể tiếp tục duy trì đà phục hồi và phát triển bền vững, ông Suan Teck Kin cho rằng, Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động trẻ, tiếp thu công nghệ nhanh, là một trong những “điểm cộng” để gia tăng khả năng thu hút FDI, tuy nhiên, cần khai phá thêm các lợi thế cạnh tranh khác bởi Việt Nam cũng sẽ sớm phải đối mặt với vấn đề già hoá dân số. Theo đó, Việt Nam nên xác định các lĩnh vực thế mạnh muốn tập trung thu hút FDI, từ đó có chiến lược và giải pháp phù hợp.

Đặc biệt, trong trung và dài hạn, Việt Nam cần tăng cường cải thiện năng suất và hiệu quả lao động. Lấy ví dụ tại Singapore, hằng năm, Chính phủ nước này đều thảo luận để tìm ra các giải pháp nhằm cải thiện năng suất lao động, qua đó tăng cường tính cạnh tranh của quốc gia. Đây là kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi. Về đầu tư công, ông Suan Teck Kin đánh giá, hiện nay, cơ cấu chi tiêu cho đầu tư công của Việt Nam vẫn đang ở mức hợp lý, tập trung chủ yếu vào phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong thời gian tới, Việt Nam cũng cần gia tăng đầu tư nhiều hơn cho giáo dục và phát triển khoa học công nghệ. Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia còn đầu tư hạn chế cho các hoạt động giáo dục, đào tạo nâng cao kỹ năng, tay nghề của người lao động.

Ông Shantanu Chakraborty khuyến nghị, để vượt qua những thách thức, Việt Nam cần có những chiến lược bài bản, cụ thể để tiếp tục duy trì lợi thế cạnh tranh là một “nam châm” thu hút FDI. Song song với đó, Việt Nam cần nâng cấp các ngành hàng sản xuất, hướng tới sản xuất các nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn để mang lại lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế trong quá trình tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, với lợi thế dân số hơn 100 triệu dân, Việt Nam cần đề ra các biện pháp để kích cầu tiêu dùng trong nước, để tiêu dùng trở thành một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.

Đưa thêm khuyến nghị, bà Dorsati Madani - Chuyên gia Kinh tế cao cấp, WB tại Việt Nam - cho rằng, thời gian gần đây, thị trường bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn và rơi vào trạng thái khá trầm lắng, kéo theo sự suy giảm của nhiều lĩnh vực liên quan khác, như: Xây dựng, vật liệu xây dựng, kiến trúc, thiết kế... Do đó, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần có những giải pháp để “vực dậy” thị trường bất động sản, bởi đây là ngành có sức lan tỏa rộng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực khác, từ đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, trong bối cảnh xu hướng chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng tới việc thực hiện chuyển đổi xanh trong từng lĩnh vực, ngành hàng và cả nền kinh tế. Theo đó, Chính phủ cần phát huy vai trò của các công cụ chính sách về tài khóa, tín dụng để hỗ trợ các ngành công nghiệp, sản xuất thực hiện chuyển dịch năng lượng, hướng đến sử dụng các loại năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Trong lĩnh vực tài chính, Chính phủ cần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các công cụ tài chính xanh như: Tín dụng xanh, trái phiếu xanh…/.

Tổng hợp dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, ở kịch bản tiêu cực, năm 2024, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng đạt 5-5,5%; với kịch bản tích cực, tăng trưởng có thể cao hơn mức mục tiêu (6-6,5%) từ 0,5-1%.

Cùng chuyên mục
Kỳ vọng kinh tế Việt Nam kiên cường “vượt gió ngược”