Chung tay, chung sức tháo gỡ khó khăn, tạo động lực phát triển mới cho Đà Nẵng

(BKTO) - Đây là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi chủ trì buổi làm việc trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với lãnh đạo chủ chốt thành phố Đà Nẵng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ, định hướng lớn trong thời gian tới, chiều 01/12.



                
   

Quang cảnh cuộc họp tại đầu cầu Chính phủ. Ảnh: Chính phủ

   

23 kiến nghị để “khơi thông nguồn lực” cho phát triển

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương với nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, phù hợp, kịp thời, thực hiện quyết liệt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Từ đầu năm 2021 đến nay, Thành phố đã chi hơn 2.590 tỷ đồng cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Theo báo cáo của Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm, GRDP thành phố tăng 5,09%, song do ảnh hưởng nặng của dịch bệnh trong quý III nên 9 tháng đầu năm giảm 1,25%. Đến nay, Thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới, thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, từng bước khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một số điểm sáng là xuất khẩu phần mềm tăng 6% so với cùng kỳ, đóng góp 8% GRDP. Giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước tăng 1,24%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 12%... Đà Nẵng đang nỗ lực đẩy nhanh bao phủ tiêm vaccine phòng Covid-19 với hơn 98% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều, hơn 50% người trên 18 tuổi đủ liều, thiết lập 112 trạm y tế lưu động tại 56/56 xã, phường…

Đặt vấn đề “khơi thông nguồn lực” cho phát triển, lãnh đạo Đà Nẵng nêu 23 kiến nghị tại cuộc làm việc, liên quan tới việc thành lập Trung tâm tài chính quy mô khu vực tại Đà Nẵng, đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển Đại học Đà Nẵng, cùng một số nội dung liên quan tới các công trình, dự án, cơ chế, chính sách… Thành phố cũng kiến nghị một số nội dung liên quan tới việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, các bản án liên quan các vụ việc phức tạp, tồn tại nhiều năm.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cùng lãnh đạo các Bộ, ngành đã phân tích tình hình phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch, cho ý kiến về các kiến nghị, đề xuất của địa phương.

Chung tay, chung sức, tìm cách tháo gỡ cho Đà Nẵng

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu, vươn lên của lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân Đà Nẵng thời gian qua.

Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, Đà Nẵng tăng trưởng không cao do các lý do khách quan và chủ quan như việc xử lý các vấn đề tồn đọng mất nhiều thời gian; chưa tìm ra động lực phát triển mới; dịch bệnh tác động mạnh tới khu vực dịch vụ vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng. Mặt khác, dịch bệnh cũng cho thấy cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng chưa hợp lý, quy mô còn hạn chế.

Việc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Thành phố chưa có nhiều DN lớn; có nhiều đổi mới sáng tạo nhưng đổi mới sáng tạo chưa thành động lực để kéo theo sự thay đổi căn bản trong phát triển kinh tế - xã hội; thu hút FDI thấp, chưa có nhiều dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn…

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành phải cùng nhau chung tay, chung sức, tìm cách tháo gỡ cho Đà Nẵng trên cơ sở các quy định của Đảng và Nhà nước, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tạo thuận lợi nhất cho người dân và sự phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong thời gian tới. Trước hết, Đà Nẵng cùng các Bộ, ngành tập trung triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 119 của Quốc hội về Đà Nẵng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố, chọn những việc trọng tâm, trọng điểm để làm dứt điểm.

Phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, truyền thống đổi mới, sáng tạo, vươn lên khắc phục khó khăn. Nắm chắc tình hình, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo và từ điều kiện, hoàn cảnh, tiềm lực của địa phương để đề xuất giải quyết những bài toán thực tiễn đặt ra, trên cơ sở bám sát các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật nhưng linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm, vướng mắc, bất cập.

Nghiên cứu, cơ cấu lại nền kinh tế Đà Nẵng hài hòa, cân đối

Thủ tướng nêu rõ các nhiệm vụ cụ thể cần tập trung triển khai trong thời gian tới. Theo đó, phải tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị.

Phải kiểm soát được dịch bệnh, thực hiện nghiêm túc, sáng tạo Nghị quyết 128 của Chính phủ về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phù hợp với điều kiện cụ thể của Thành phố, trên cơ sở đó phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Tiếp tục đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Đẩy mạnh nghiên cứu, cơ cấu lại nền kinh tế Đà Nẵng hài hòa, cân đối, phù hợp hơn, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ.

Đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn đắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội trên các lĩnh vực. Rà soát lại, xây dựng các quy hoạch, cùng các Bộ, ngành, địa phương tính toán không gian phát triển trên cơ sở bài toán tổng thể lợi ích quốc gia.

Cùng với đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hạ tầng chiến lược (cả hạ tầng cứng và mềm, nhất là hạ tầng cho y tế, giáo dục); quan tâm phát triển văn hóa, xã hội, công nghiệp văn hóa, giải trí đi đôi với phát triển du lịch.

Thủ tướng cũng cho ý kiến, phương án xử lý cụ thể với các đề xuất, kiến nghị của Đà Nẵng./.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
  • Có cơ chế giám sát y tế đến từng bệnh nhân Covid-19
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 - khi chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Bộ Y tế, một số bệnh viện Trung ương và 10 địa phương (TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai…) về công tác điều trị, giảm tử vong do dịch Covid-19, chiều 01/12.
  • Xây dựng mô hình văn hóa ứng xử trong trường học
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện. Do đó, xây dựng văn hóa học đường phải được coi là vấn đề trọng tâm trong mỗi cơ sở giáo dục. Đây là vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận tại Tọa đàm “Xây dựng mô hình văn hóa ứng xử trong trường học” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức ngày 02/12.
  • Nga coi trọng tăng cường mở rộng hợp tác với Việt Nam
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, ngày 01/12 (theo giờ địa phương), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Mikhail Mishustin, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc hội Nga (Thượng viện) Valentina Matvienko và Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin.
  • Ngày 02/12, Việt Nam ghi nhận 13.698 ca nhiễm Covid-19 mới, 13.258 ca khỏi bệnh
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) – Bộ Y tế cho biết, tính từ 16h ngày 01/12 đến 16h ngày 02/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.698 ca nhiễm mới, trong đó 21 ca nhập cảnh và 13.677 ca ghi nhận trong nước (giảm 829 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 7.538 ca trong cộng đồng).
  • Nhiều điểm mới "chưa từng có tiền lệ"  tại Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2021
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) – Do ảnh hưởng của dịch bệnh, Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2021 lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đây là một trong nhiều điểm mới của Kỳ thi so với những lần tổ chức trước đây. Những thông tin này được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ tại buổi họp báo thông tin về Kỳ thi diễn ra chiều ngày 02/12.
Chung tay, chung sức tháo gỡ khó khăn, tạo động lực phát triển mới cho Đà Nẵng