KTNN đánh giá, còn một số mục tiêu của Chương trình chưa đạt hoặc đạt thấp nên Chương trình khó hoàn thành các mục tiêu đặt ra đến năm 2020. Ảnh tư liệu
Thực hiện đầy đủ các nội dung Chương trình
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu chung là thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Dựa vào mục tiêu chung, Chương trình xác định bốn mục tiêu cụ thể, trong đó đáng chú ý là góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1 - 1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ dân tộc thiểu số giảm 3 - 4%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020); cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống người nghèo; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo; đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo tiêu chí nông thôn mới ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn…
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 48.397 tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư là 41.449 tỷ đồng, ngân sách địa phương 4.848 tỷ đồng, vốn huy động khác 2.100 tỷ đồng. Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước, ưu tiên nguồn lực của Chương trình đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo (xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu) và thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Qua kiểm toán tại 14 tỉnh thực hiện Chương trình, KTNN đánh giá, các địa phương được kiểm toán đã thực hiện cơ bản đầy đủ các nội dung của Chương trình. Cụ thể, Chương trình đã hỗ trợ đầu tư xây dựng và duy tu bảo dưỡng 12.143 công trình, với tỷ lệ giải ngân đạt 7.140 tỷ đồng; hỗ trợ 826.126 hộ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo giải ngân đạt hơn 2.379 tỷ đồng. Chương trình cũng đã hỗ trợ cho 2.180 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài (giải ngân đạt gần 130 tỷ đồng). Đồng thời, tập huấn nâng cao năng lực cho 130.600 lượt cán bộ xã, thôn và cộng đồng; truyền thông và giảm nghèo về thông tin cho 2.077 xã; tổ chức thực hiện 1.128 cuộc kiểm tra, giám sát, đánh giá Chương trình.
Tuy nhiên, KTNN cũng chỉ ra một số dự án thành phần của Chương trình việc bố trí kinh phí và giải ngân đạt thấp. Nội dung hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài có tỷ lệ giải ngân đạt thấp hơn so với kế hoạch vốn giao hằng năm tại các đơn vị được kiểm toán, dẫn đến phải hủy dự toán…
Một số mục tiêu chưa đạthoặc đạt thấp
Đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình, báo cáo kiểm toán chỉ rõ, 13/14 tỉnh được kiểm toán có tỷ lệ giảm nghèo trung bình hằng năm đạt mục tiêu đề ra theo kế hoạch thực hiện Chương trình Thủ tướng Chính phủ giao cho từng địa phương. Tỷ lệ giảm nghèo trung bình của các tỉnh được kiểm toán là 3,56%. Trong đó, tỉnh Lào Cai, Cao Bằng có tỷ lệ giảm nghèo cao, đạt trên 140% kế hoạch, riêng tỉnh Đắk Lắk tỷ lệ giảm nghèo còn thấp (đạt 87,6% kế hoạch); kết quả giảm nghèo dân tộc thiểu số đạt mục tiêu kế hoạch (từ 3 - 4%/năm). Thu nhập bình quân đầu người của các địa phương được kiểm toán đều tăng so với năm 2015. Tuy nhiên, một số địa phương đạt tỷ lệ tăng thu nhập bình quân đầu người chưa cao (dưới 1,3 lần thu nhập bình quân đầu người năm 2015) trong khi mục tiêu đặt ra là tăng 1,5 lần so với cuối năm 2015. Chẳng hạn, so với mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ đạt được của tỉnh Điện Biên tăng 1,003 lần; Lai Châu tăng 1,22 lần, Phú Thọ tăng 1,17 lần…
Cũng theo kết quả kiểm toán, do thực hiện rà soát lại hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, tại 14 địa phương được kiểm toán có 6 huyện thoát nghèo nhưng có 8 huyện nghèo mới được bổ sung vào năm 2018, tổng số xã đặc biệt khó khăn tăng 6 xã, tổng số thôn, bản đặc biệt khó khăn tăng 259 thôn, bản. Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương đạt 7 mục tiêu về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng song một số tỉnh chưa đạt một số mục tiêu. Như tỉnh Hà Giang tỷ lệ thôn, bản có trục đường giao thông được cứng hóa theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải đạt 28,5%, trong khi mục tiêu là 70 - 80%...
Kết quả kiểm toán cho thấy, nhìn chung các tỉnh được kiểm toán chưa thực hiện được mục tiêu hỗ trợ đào tạo nghề và giáo dục định hướng cho lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, tại tỉnh Sơn La, Gia Lai, Lạng Sơn không triển khai được; tỉnh Lai Châu thực hiện đạt 42,8%, Hà Giang đạt 16%, Yên Bái đạt 10% kế hoạch. Có 10/14 tỉnh đạt mục tiêu đào tạo nâng cao năng lực cán bộ xã song có hai tỉnh đạt tỷ lệ thấp (Yên Bái 64,2%, Hà Giang 15,26%).
Từ kết quả trên, đánh giá về khả năng đạt mục tiêu Chương trình đến năm 2020, KTNN chỉ rõ, để đạt chỉ tiêu đến năm 2020 là: phấn đấu 50% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 20 - 30% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn là khó có thể đạt được.
Đ.KHOA