Xây dựng công trình hạ tầng quá khang trang đang là nguyên nhân khiến nhiều địa phương lâm vào cảnh nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Ảnh: THANH TÙNG
Trên 1.700 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Báo cáo với Đoàn giám sát, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, sau 5 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã đạt được những kết quả quan trọng, biến mơ ước về một nông thôn Việt Nam hiện đại, quy củ, văn minh, nghĩa tình dần trở thành hiện thực. Cả nước đã huy động được trên 851.000 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình. Tính đến tháng 3/2016, đã có 1.760 xã (19,7%) và đến tháng 4/2016, có 23 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010). Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân trên 5%/năm (từ 50,07% cuối năm 2011 xuống còn 32,59% cuối năm 2014)...
Đáng chú ý, hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn đã có sự phát triển rõ rệt cả về số lượng và chất lượng. Cả nước đã xây dựng mới được trên 47.000 km đường giao thông các loại đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải, tăng tới 10.000 km so với cả giai đoạn 2001- 2010; đã xây dựng được gần 5.000 trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, trên 54.000 nhà văn hóa ở các thôn, bản, ấp… Đặc biệt, có nhiều địa phương đã chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng NTM, như: chính sách cấp xi măng, ống cống để người dân tự làm đường ở Thái Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc; chính sách hỗ trợ đồn điền, mua máy móc công nghiệp ở Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định; chính sách thu hút DN đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Tĩnh, Lâm Đồng…
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp
Đánh giá về kết quả xây dựng NTM những năm qua, Đoàn giám sát cho rằng, Chính phủ, các Bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chỉ đạo xây dựng NTM còn chưa đồng bộ, có sự chênh lệch lớn về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền. Cụ thể, trong khi số xã đạt chuẩn vùng Đông Nam bộ là 46,4%, đồng bằng sông Hồng là 42,8% thì miền núi phía Bắc chỉ đạt 8,2%, Tây Nguyên 13,2% và đồng bằng sông Cửu Long 16,7%.
Bên cạnh đó, ông Trần Văn - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích, dẫn đến huy động quá sức dân, hoặc nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán là rất đáng quan tâm. Do đó, cần phải làm rõ tỉ lệ nguồn vốn xã hội hóa trong quá trình thực hiện xây dựng NTM là bao nhiêu, hiệu quả của nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa thời gian qua như thế nào.
Để góp phần quản lý việc nợ đọng xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, các địa phương phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong xây dựng NTM; làm rõ trách nhiệm và xử lý kỷ luật nghiêm khắc nếu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản không đúng quy định trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ban chỉ đạo và cơ quan thường trực các cấp về phân bổ và sử dụng nguồn nhân lực được giao. Đồng thời, các địa phương phải bố trí đủ vốn ngân sách địa phương theo quy định của Chính phủ để thực hiện Chương trình, trong đó có ưu tiên cho các xã đã đạt trên 15 tiêu chí để phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM theo đúng quy định tại Nghị quyết 100/2015/QH13 của Quốc hội.
Ở một khía cạnh khác, các thành viên Đoàn giám sát nhận định, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt, xây dựng NTM là căn bản, và người nông dân giữ vai trò chủ thể trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bởi vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia chỉ có thể đạt được kết quả tốt nhất khi hài hòa được sự phát triển về kinh tế lẫn đời sống tinh thần của người dân. Tuy nhiên trên thực tế, hiện có rất nhiều địa phương đã đảm bảo được các tiêu chí về kinh tế, cơ sở hạ tầng, nhưng đời sống văn hóa tinh thần, tình làng nghĩa xóm, cách ứng xử văn hóa nhân văn, nghĩa tình lại đang dần bị mất đi. Vì vậy, Đoàn giám sát đề nghị cần nghiên cứu, làm rõ thêm về tác động của Chương trình mục tiêu quốc gia, đổi mới nông thôn đối với đời sống tinh thần của các thành viên trong gia đình ở các làng, xã.
Đồng tình với những ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, các vấn đề về tam nông cần phải được giải quyết một cách đồng bộ và toàn diện. Việc thực hiện chương trình xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp chỉ đạt được kết quả cao nhất khi các mục tiêu đặt ra phải phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội của từng vùng dưới sự chỉ đạo điều hành sát sao của các Bộ, ngành trên cơ sở một hệ thống pháp luật đồng bộ và hoàn chỉnh.
THANH TÙNG