Chuyên đề việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015: Kỳ cuối - Thúc đẩy tiến độ chuyển giao quyền quản lý vốn nhà nước tại DN về SCIC

(BKTO) - Trước những bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Thủ tướng Chính phủ đang có những chỉ đạo cụ thể, quyết liệt để thúc đẩy tiến độ chuyển giao cũng như nâng cao hiệu quả bán vốn nhà nước của SCIC.



KTNN chỉ rõ nguyên nhân chậm bàn giao về SCIC

Qua kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015, KTNN đánh giá: việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong thời gian qua đã đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước tại DN, chuyển từ quản lý hành chính sang kinh doanh vốn, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước. Tuy nhiên, việc chuyển giao cho SCIC quản lý vốn nhà nước tại các DN còn có nhiều bất cập.

Theo KTNN, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, UBND các tỉnh với SCIC chưa tốt và chưa có sự đồng thuận về việc bàn giao. Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn về SCIC diễn ra chậm. Cụ thể, tổng số DN thuộc đối tượng chuyển giao về SCIC là 208 DN, trong đó có 63 DN đang sắp xếp, chuyển đổi. Còn lại 145 DN thuộc đối tượng chuyển giao về SCIC thì có 3 DN đang hoàn thiện chuyển giao; 37 DN đã gửi hồ sơ nhưng SCIC chưa tiếp nhận (do 20 DN chưa có đầy đủ hồ sơ; 9 DN có kết quả kinh doanh thua lỗ, mất một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước; 7 DN đang còn những tồn tại về mặt pháp lý, công nợ; 1 DN đã hai lần thực hiện tăng vốn điều lệ kể từ thời điểm hoàn thành cổ phần hóa), còn lại 105 DN chưa gửi hồ sơ tiếp nhận về SCIC.

Trong giai đoạn 2011-2015, một mặt Chính phủ ban hành nhiều công văn đôn đốc, nhắc nhở, yêu cầu bàn giao vốn nhà nước về SCIC, nhưng mặt khác lại ban hành nhiều công văn cá biệt cho phép một số Bộ, UBND các tỉnh giữ quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại một số DN, hoặc cho phép tạm thời chưa bàn giao, thậm chí cho phép bán một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước tại DN thuộc diện bàn giao. Chính vì thế, KTNN nhấn mạnh, công tác hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền chưa đồng bộ, nhất quán.

KTNN cũng chỉ rõ 3 nguyên nhân các Bộ, ngành, UBND các tỉnh giữ lại các DN, trì hoãn việc bàn giao các DN về SCIC.

Một là, do có lợi ích từ những DNNN thuộc diện chuyển giao, muốn giữ DNNN làm công cụ của Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành theo Đề án tái cơ cấu ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hai là, do SCIC quan tâm nhiều đến quản lý kinh doanh vốn mà chưa làm tốt việc quản lý về chuyên môn ngành nghề, đặc biệt đối với DN có tính chuyên ngành cao về kinh tế - kỹ thuật, DN gắn chặt với an ninh, chính trị của địa phương, DN công ích, nông, lâm trường quốc doanh. Nhiều DN chuyển về SCIC để bán vốn nhà nước hoặc thực hiện thay thế bộ máy lãnh đạo DN, ảnh hưởng đến sự phát triển của DN, không giải quyết tốt chính sách cho người lao động… dẫn đến các Bộ, ngành, địa phương có tâm lý không muốn bàn giao để SCIC bán vốn mà xin phép thực hiện bán vốn trước khi bàn giao.

Ba là, theo Thông tư số 118/2014/TT-BTC thì SCIC chỉ tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại những DN tốt mà không thực hiện tiếp nhận những DN có kết quả kinh doanh thua lỗ, mất một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước, hoặc đang còn những hạn chế về mặt pháp lý, tồn đọng công nợ, dẫn đến việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chưa được triệt để.

Tiếp tục đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tiến độ

Song song với việc phân tích và chỉ rõ những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, KTNN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo người đứng đầu các Bộ, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN phối hợp với SCIC thực hiện chuyển giao về SCIC; tiếp tục nghiên cứu cơ chế bàn giao về SCIC quản lý vốn nhà nước đối với các DN có chuyên ngành cao về kinh tế - kỹ thuật, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tại địa phương, phục vụ chiến lược phát triển ngành của các Bộ, các DN quản lý nhiều đất đai (công ty nông, lâm nghiệp).

Nhằm đẩy nhanh tiến độ bán vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ, đưa SCIC thực sự trở thành một công cụ, kênh truyền vốn nhà nước, cũng như thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DNNN để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại DN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1001/QĐ-TTg, ngày 10/7/2017 phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại DN của SCIC đến năm 2020. Theo đó, các DN tiếp nhận về SCIC từ năm 2017 sẽ được phân loại dựa trên tiêu chí phân loại DNNN tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg và thực hiện triển khai tái cơ cấu. Đồng thời, 132 DN trong danh mục bán vốn nhà nước của SCIC giai đoạn 2017-2020 sẽ được SCIC thực hiện thoái vốn. Hội đồng thành viên SCIC được chủ động lựa chọn thời điểm thích hợp để thực hiện bán vốn nhà nước đạt hiệu quả.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã hoàn tất việc lấy ý kiến các Bộ, địa phương về Dự thảo “Danh mục DN có vốn nhà nước phải bán trong giai đoạn 2017-2020” và hiện đang hoàn thiện Dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo Dự thảo, Bộ KH&ĐT đề xuất năm 2017 sẽ bán vốn tại 161 DN, năm 2018 là bán vốn tại 185 DN, năm 2019 tại 65 DN và năm 2020 là tại 25 DN. Dự kiến, trong những tháng cuối năm 2017, các DN sẽ thoái theo mệnh giá là hơn 19.779 tỷ đồng (tính sơ bộ theo giá trị niêm yết có thể mang lại gần 30.000 tỷ đồng).

Tham gia ý kiến vào Dự thảo này, đại diện Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương bàn giao DN thuộc đối tượng chuyển giao theo quy định tại Nghị định số 151/2013/NĐ-CP về SCIC để thoái vốn. Đối với DN đã có quyết định của cấp có thẩm quyền về quyết toán vốn nhà nước tại thời điểm công ty cổ phần có Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu (quyết toán vốn lần 2) thì thực hiện bàn giao vốn về SCIC ngay trong quý III/2017. Đối với DN chưa quyết toán vốn lần 2, khẩn trương thực hiện việc quyết toán vốn lần 2 và thực hiện bàn giao vốn về SCIC trong quý IV/2017. Bởi nếu các Bộ, ngành, địa phương chậm bàn giao thì SCIC sẽ bị động trong việc thoái vốn ở những DN mới tiếp nhận, dễ chồng chéo trong việc thoái vốn giữa DN cũ, DN mới tiếp nhận, dẫn đến không hiệu quả hoặc bán rẻ vốn nhà nước.

H.THOAN
Theo Tuần Báo ra ngày 07-9-2017
Cùng chuyên mục
Chuyên đề việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015: Kỳ cuối - Thúc đẩy tiến độ chuyển giao quyền quản lý vốn nhà nước tại DN về SCIC