Chuyên đề việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015: Kỳ III - Sửa đổi quy định về đầu tư quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN

(BKTO) - Như Báo Kiểm toán đã đề cập, sau khi kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015, KTNN đã kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 (Nghị định 91) về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN. Nghiêm túc thực hiện kiến nghị này, đến nay, Bộ Tài chính đang tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91 để trình Chính phủ ký ban hành.



Chỉ rõ những lổ hổngcủa Nghị định 91

Qua kiểm toán, KTNN đã chỉ rõ nhiều lỗ hổng pháp lý trong Nghị định 91, trong đó tựu trung lại có 5 vấn đề bất cập lớn.

Thứ nhất, cần phải tính giá trị lợi thế quyền thuê đất nhà nước vào giá trị khởi điểm để đảm bảo tính đầy đủ giá trị lợi thế của DN, tránh thất thoát khi thoái vốn nhà nước. Theo KTNN, quyền thuê đất nhà nước có giá trị lợi thế, đặc biệt đối với các DN có quỹ đất lớn, vị trí đắc địa, có lợi thế kinh doanh, phát triển dự án bất động sản… Tuy nhiên, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty đều không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất nhà nước vào giá trị DN khi cổ phần hóa hoặc vào giá khởi điểm khi thoái vốn nhà nước tại DN (ngoại trừ một số DN thuộc Tập đoàn VNPT). Điều này khiến cho giá trị DN khi cổ phần hóa hoặc giá khởi điểm khi thoái vốn không phản ánh sát giá giao dịch thị trường, tạo kẽ hở gây thất thoát vốn nhà nước khi cổ phần hóa, thoái vốn.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung Điểm b, Khoản 1, Điều 21 về việc không góp vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả trường hợp không được góp vốn bằng giá trị thương quyền sử dụng đất (giá trị lợi thế quyền thuê đất nhà nước). Đối với DNNN, nếu không có nhu cầu sử dụng đất thì trả lại đất cho Nhà nước, tránh tình trạng DNNN lách luật dưới hình thức thành lập liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh với đối tác, không bỏ tiền, tài sản nhưng đánh giá giá trị lợi thế quyền thuê đất để góp vốn rồi thực hiện thoái vốn cho đối tác, thực chất là chuyển nhượng đất thuê của Nhà nước.

Thứ ba, phương thức giao dịch thoái vốn DN niêm yết không phù hợp với thực tế, quy định còn bó hẹp phương thức giao dịch nên chưa đảm bảo tính hiệu quả khi thoái vốn. Qua kiểm toán tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho thấy, giai đoạn 2014-2015, SCIC đã thoái vốn 14/34 DN theo hình thức thỏa thuận với giá cao hơn biên độ trên sàn, trong trường hợp này phải thực hiện chuyển nhượng qua trung tâm lưu ký chứng khoán. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung Điểm a, Khoản 4, Điều 38 về chuyển nhượng vốn/cổ phiếu đối với các DN đã niêm yết trên sàn theo hướng mở rộng thêm các phương thức thoái vốn (ngoài phương thức khớp lệnh, thỏa thuận trên sàn) như: cơ chế đấu giá thông thường hoặc bán cả lô toàn bộ phần vốn nhà nước tại công ty đại chúng niêm yết nhưng không thấp hơn biên độ giá giao dịch tại thời điểm bán.

Thứ tư, cần bổ sung Điểm c, Khoản 1, Điều 38 về việc xác định giá khởi điểm đối với phần vốn nhà nước trước khi tổ chức bán theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn niêm yết nhằm phản ánh đúng giá trị thực của DN và chỉ thực hiện thoái vốn khi giá thị trường cao hơn giá khởi điểm.

Thứ năm, bổ sung Điểm a, Khoản 4, Điều 38 quy định cụ thể về nguyên tắc đặt lệnh khi thoái vốn nhà nước như loại lệnh, về giá (tham chiếu, giá trần, giá sàn), về khối lượng đối với từng bước giá… nhằm tránh thoái vốn tùy tiện ở mức giá thấp, không đảm bảo tính hiệu quả.
Sẽ ban hành những quy định chặt chẽ hơn

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91 của Chính phủ mà Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng có nhiều điểm mới khắc phục những vấn đề bất cập nêu trên bằng những quy định rõ ràng, cụ thể, nhất là tại Điều 38.

Dự thảo nêu quy định: việc xác định giá khởi điểm khi đấu giá chuyển nhượng vốn nhà nước do cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc cơ quan chức năng được cơ quan đại diện chủ sở hữu ủy quyền, giao nhiệm vụ bằng văn bản lựa chọn và ký hợp đồng thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về thẩm định giá; xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước đầu tư bao gồm cả giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, việc chuyển nhượng vốn của DNNN đầu tư tại DN khác có liên quan đến quyền sử dụng đất phải tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 91 cũng nêu rõ nguyên tắc chuyển nhượng vốn nhà nước phải theo danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp theo từng giai đoạn do Thủ tướng Chính phủ ban hành; bảo đảm theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, bảo toàn vốn nhà nước đầu tư ở mức cao nhất, hạn chế tối đa tổn thất đầu tư trong trường hợp chuyển nhượng vốn dưới mệnh giá.

Trên cơ sở này, cơ quan soạn thảo cũng đưa ra những quy định cụ thể về các phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước. Theo đó, đối với phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty TNHH hai thành viên trở lên sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về DN. Giá chuyển nhượng cho công ty là giá thỏa thuận theo giá thị trường. Trường hợp không thống nhất được giá thì cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước được quyền chuyển nhượng theo phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần.

Về phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần: đối với cổ phần thuộc vốn nhà nước đã lưu ký chứng khoán thì thực hiện theo phương thức khớp lệnh, thỏa thuận trên hệ thống giao dịch hoặc tổ chức bán đấu giá công khai ngoài hệ thống giao dịch; đối với cổ phần thuộc vốn nhà nước chưa lưu ký chứng khoán thì thực hiện theo phương thức thỏa thuận hoặc bán đấu giá công khai ngoài hệ thống giao dịch.

Dự thảo cũng quy định rõ về việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thực hiện theo phương thức đấu giá công khai. Trường hợp đấu giá công khai không thành công thì thực hiện chào bán cạnh tranh. Trường hợp chào bán cạnh tranh không thành công thì thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Sau khi thực hiện các phương thức trên nhưng vẫn không chuyển nhượng hết thì cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước lựa chọn thời điểm để tiếp tục thực hiện chuyển nhượng theo phương thức đấu giá hoặc chào bán cạnh tranh.

H.THOAN
Theo Tuần Báo ra ngày 24-8-2017

Cùng chuyên mục
Chuyên đề việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015: Kỳ III - Sửa đổi quy định về đầu tư quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN