Chuyên đề việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015: Kỳ IV - Đẩy mạnh quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN đến năm 2020

(BKTO) - Nhằm đẩy mạnh quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN đến năm 2020 phục vụ cho mục tiêu tái cơ cấu DNNN và cao hơn là tái cơ cấu nền kinh tế, những tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước, cũng như Danh mục DNNN phải thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2016-2020 đã được ban hành để làm cơ sở phân loại, sắp xếp các DNNN hiện có và tiếp tục bán vốn nhà nước tại DN. Những quy định mới này cũng phù hợp với kiến nghị của KTNN trong Báo cáo kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015.



KTNN chỉ ra nhiều bất cập

Cụ thể, qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xây dựng tiêu chí phân loại DNNN trình Thủ tướng Chính phủ ban hành thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng thu hẹp lĩnh vực nhà nước nắm giữ 100% vốn, giảm tỷ lệ nhà nước nắm giữ tại các DN thuộc diện cổ phần hóa; thoái hết vốn nhà nước tại các công ty cổ phần mà Nhà nước không chi phối. Xuất phát từ những bất cập trong thực tiễn, cũng như thực hiện theo kiến nghị này, Bộ KH&ĐT đã chủ trì soạn thảo Dự thảo Quyết định mới thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, ngày 28/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020.

Kiến nghị phải ban hành Quyết định mới thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg được KTNN đưa ra sau khi phát hiện nhiều bất cập ảnh hưởng đến công tác tái cơ cấu DNNN, trong đó có những nguyên nhân chủ quan liên quan đến trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, DNNN, như công tác xây dựng, phê duyệt đề án tái cơ cấu còn chậm so với yêu cầu; chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn đã được phê duyệt.

Đáng quan ngại hơn là còn có tư tưởng, tâm lý e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN, dẫn đến không muốn cổ phần hóa, thoái vốn hoặc nếu cổ phần hóa, thoái vốn thì Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần lớn, chi phối. Hơn nữa, một số cơ quan chưa tích cực trong công tác xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách; thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong việc sửa đổi cơ chế, chính sách về tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn.

Với những quy định cụ thể tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, trong đó xác định rõ tiêu chí và đối tượng phải sắp xếp trong giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng sẽ đẩy mạnh quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN đến năm 2020.

Tiêu chí rõ ràng, đối tượngcụ thể

Theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg, về tiêu chí phân loại, Nhà nước sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ của DN hoạt động trong các ngành, lĩnh vực trọng yếu: đo đạc bản đồ phục vụ quốc phòng, an ninh; vật liệu nổ công nghiệp; truyền tải điều độ hệ thống điện quốc gia và quản lý lưới điện phân phối; thủy điện đa mục tiêu, điện hạt nhân; quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng, điều hành giao thông đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư; dịch vụ không lưu, tìm kiếm, cứu nạn; bảo đảm hàng hải, bưu chính công ích; kinh doanh xổ số; xuất bản; in, đúc tiền, sản xuất vàng miếng và các vật phẩm lưu niệm bằng vàng; tín dụng chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên tại các DN hoạt động trong những ngành, lĩnh vực: quản lý khai thác các cảng hàng không, sân bay; dịch vụ khai thác khu bay; dịch vụ thông tin dẫn đường, giám sát, dịch vụ khí tượng hàng không; khai thác khoáng sản quy mô lớn; tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí; tài chính, ngân hàng.

Nhà nước chỉ nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ tại các DN sản xuất hóa chất cơ bản; vận chuyển hàng không; kinh doanh bán lẻ điện và những DN chiếm thị phần từ 30% trở lên, có vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bình ổn thị trường như bán buôn gạo, đầu mối nhập khẩu xăng dầu, sản xuất thuốc lá điếu, cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, trồng và chế biến cao su, cà phê tại các địa bàn chiến lược, miền núi, vùng sâu, vùng xa gắn với quốc phòng, an ninh; những DN đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Liên quan đến Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng đã xác định ra 240 DNNN mà sau khi thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020, Nhà nước sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ tại 103 DN; cổ phần hóa và nắm giữ trên 65% vốn điều lệ tại 4 DN; nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ tại 27 DN; nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ tại 106 DN.

Để thực hiện Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty căn cứ vào các tiêu chí phân loại và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2016-2020 để triển khai sắp xếp, cũng như xây dựng lộ trình và tổ chức bán phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần và công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Đồng thời, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc tiếp tục nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại các DN sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trong trường hợp không có DN thuộc khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ đảm bảo chất lượng và mức phí dịch vụ hợp lý; cũng như báo cáo Thủ tướng quyết định đối với Đề án tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế; những trường hợp đặc thù, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tại địa phương, phục vụ chiến lược phát triển ngành, tập đoàn kinh tế.

Trước ngày 15/4 hằng năm, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty phải báo cáo kết quả sắp xếp DNNN năm trước và kế hoạch thực hiện năm báo cáo, gửi Bộ KH&ĐT và Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nhằm cập nhật kịp thời tình hình triển khai thực hiện, Thủ tướng cũng giao Bộ KH&ĐT xây dựng Danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2016-2020, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT còn có trách nhiệm định kỳ rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020.

H.THOAN
Theo Tuần Báo ra ngày 31-8-2017
Cùng chuyên mục
Chuyên đề việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015: Kỳ IV - Đẩy mạnh quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN đến năm 2020