Chuyển dịch xanh vì một thế giới không phát thải

(BKTO) - Tại Hội thảo Net Zero - Chuyển dịch xanh: Cơ hội người dẫn đầu diễn ra tại Hà Nội, ngày 27/6, các chuyên gia nhấn mạnh, tăng trưởng xanh, không phát thải là vấn đề phức tạp cần giải quyết để nâng cao mục tiêu phát triển kinh tế và phát triển bền vững, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển và đang chuyển đổi như Việt Nam.

3.jpg
Chuyển dịch xanh vì một thế giới không phát thải là mục tiêu hướng tới, cũng là cam kết của Việt Nam. Ảnh minh họa: VGP

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát triển bền vững phải nhìn từ góc độ hiệu quả. Nếu chúng ta không chú ý đến môi trường, phát triển bền vững thì sẽ chịu những tác động rất xấu đến người dân, doanh nghiệp, vượt quá lợi ích kinh tế mà các giai đoạn trước mang lại.

Net Zero - tăng trưởng xanh là vấn đề phức tạp cần giải quyết để nâng cao mục tiêu phát triển kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững, theo đó, đây là nhiệm vụ chính trị từ cơ quan trung ương, địa phương và của cả người dân.

Theo quan điểm của các chuyên gia, năng lực quản trị tổng thể của Chính phủ mang tính cốt lõi để quyết định việc có đạt được mục tiêu phát triển bền vững hay không.

Do đó, phải có sự thay đổi hoàn toàn về nhận thức, sản xuất, lối sống, tiêu dùng, đặc biệt là trong tư duy hoạch định chính sách; phải lượng hóa được giải pháp chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra 10 định hướng chiến lược với các ngành, lĩnh vực và 8 nhóm giải pháp.

Tiếp đó, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ và 134 hoạt động cụ thể.

Những nhiệm vụ và giải pháp đưa ra đều được tính toán dựa trên kịch bản tăng trưởng xanh cao và có tính đến tính khả thi về kỹ thuật, trong đó nhấn mạnh giải pháp ưu tiên, có tính chất khả thi, sẵn sàng nguồn lực, đồng lợi ích và có khả năng lan tỏa thay vì các phương án chỉ có tính khả thi về kinh tế - Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định.

Điểm nhấn quan trọng nữa để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh là phải cân bằng và hài hòa giữa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hướng tới phát triển bền vững, đặc biệt là góp phần tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, để triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia cần có bộ tiêu chí, làm rõ nội hàm xanh là gì trên phương diện quốc gia và trên phương diện từng ngành, lĩnh vực để làm cơ sở trong việc triển khai thực hiện. Đến năm 2022, đã có 30 quốc gia xây dựng bộ tiêu chí xanh.

Đối với Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia hài hòa với thông lệ quốc tế, là cơ sở quan trọng để lựa chọn các dự án đầu tư xanh; huy động nguồn lực trong nước và quốc tế; giúp lượng hóa, đánh giá tiến độ thực hiện tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

Thông qua bộ tiêu chí này, các dự án xanh có điều kiện tiếp cận với nguồn tài chính xanh trong nước và quốc tế, tiếp cận với chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới đối với các dự án xanh.

Được biết, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành danh mục chi tiết các ngành, lĩnh vực, dự án phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh để mỗi Bộ, ngành căn cứ, xây dựng bộ tiêu chí cụ thể./.

Cùng chuyên mục
Chuyển dịch xanh vì một thế giới không phát thải