Hưng Yên: Sản xuất công nghiệp giữ đà tăng trưởng

(BKTO) - Nhờ triển khai hiệu quả nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ đã tạo điều kiện giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nỗ lực phát triển sản xuất trong tình hình mới; 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp của tỉnh Hưng Yên giữ được đà tăng trưởng.

2519_kcnthanglong.jpg
Sản xuất công nghiệp của tỉnh Hưng Yên giữ được đà tăng trưởng. Ảnh minh họa

Trước thực trạng kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, ngay từ đầu năm 2023, tỉnh Hưng Yên đã chủ động rà soát, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn để có hướng giải quyết, hỗ trợ phù hợp; đồng thời đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp trọng điểm; quan tâm giải quyết các vấn đề về lao động.

Tỉnh chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Với việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm thuế, giãn thuế đã tạo điều kiện giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nỗ lực phát triển sản xuất trong tình hình mới.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai thực hiện dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong các KCN; tiếp nhận và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm, tại các KCN của tỉnh có thêm 15 dự án đầu tư mới đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm mới cho khoảng 2.000 lao động.

Theo Sở Công thương tỉnh Hưng Yên, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm của tỉnh ước tăng 6,46% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp (tăng 7,8%). Các ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý nước thải, rác thải đóng góp vào bức tranh công nghiệp của tỉnh với tốc độ tăng trưởng 7,9 đến 8,65% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư của tỉnh tăng mạnh với nhiều đoàn doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đến tìm hiểu môi trường đầu tư; nhiều dự án KCN, cụm công nghiệp mới được khởi động như: KCN số 05, Cụm công nghiệp Nghĩa Dân. Toàn tỉnh đã tiếp nhận 42 dự án đầu tư mới, trong đó 25 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 9.432 tỷ đồng, 17 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư đăng ký 233,6 triệu USD. Có 36 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm 590,7 tỷ đồng và 105,5 triệu USD. Hầu hết các dự án mới tiếp nhận đều có quy mô vốn lớn, phù hợp với quy hoạch phát triển chung của ngành công nghiệp và có khả năng tận dụng được lợi thế ngành nghề của địa phương. Tính đến thời điểm này, trong các KCN của tỉnh có 521 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó 287 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 234 dự án có vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,6 tỷ USD và hơn 33,1 nghìn tỷ đồng.

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, trong thời gian tới bên cạnh những yếu tố thuận lợi do cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, cởi mở và sự điều hành khoa học, linh hoạt của tỉnh thì sản xuất công nghiệp còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là thị trường quốc tế có nhiều diễn biến không thuận lợi. Để đạt mục tiêu tăng chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 là 9,5%, trong những tháng cuối năm, các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp như: Tập trung mọi nguồn lực, thực hiện nhiều hình thức hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, tạo dựng hạ tầng kỹ thuật, môi trường đầu tư thuận lợi cho phát triển công nghiệp; tích cực trao đổi, tháo gỡ vướng mắc của nhà đầu tư các dự án công nghiệp, thương mại; giúp nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đang triển khai để sớm đi vào hoạt động, nhằm tăng năng lực sản xuất cho toàn ngành. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, khai thác tốt hơn thị trường vốn, thị trường lao động, khoa học - công nghệ để tăng khả năng phát triển sản xuất; cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các dịch vụ công tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư yên tâm mở rộng sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững./.

Cùng chuyên mục
Hưng Yên: Sản xuất công nghiệp giữ đà tăng trưởng