Tốc độ số hóa ngân hàng diễn ra mạnh mẽ
Tại Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2024 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Hiệp hội Ngân hàng và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức mới đây, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết: “Tỷ lệ số hóa của ngành ngân hàng là rất cao với mức tăng trưởng mạnh mẽ. Kết nối và tích hợp là điểm mới, điểm sáng mà ngành ngân hàng làm được”.
Báo cáo của NHNN gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV như một minh chứng cho nhận định về “sự tăng trưởng mạnh mẽ” với một loạt “điểm mới, điểm sáng” trong hành trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng.
NHNN được xếp thứ 4 về an toàn thông tin mạng, thứ 3 về kiến tạo thể chế và thứ 4 về hoạt động chuyển đổi số theo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2022.
Cụ thể, đến nay, 88% ngân hàng thương mại trong nước đã ban hành và triển khai Chiến lược chuyển đổi số tại đơn vị mình. Hầu hết dịch vụ ngân hàng cơ bản đã được thực hiện hoàn toàn trên kênh số (mở tài khoản, thanh toán, chuyển tiền, tiền gửi tiết kiệm...). Nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ trên 95% giao dịch thực hiện trên kênh số.
Bên cạnh đó, NHNN đang phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc triển khai chi trả qua tài khoản (tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản Mobile-money…) cho các đối tượng hưởng chính sách an ninh xã hội từ ngân sách nhà nước theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ vận hành ổn định, an toàn và thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán của nền kinh tế. Hạ tầng mạng lưới thanh toán tiếp tục được đầu tư, phát triển.
8 tháng năm 2024, Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 6,46% về số lượng và tăng 30,51% về giá trị; qua Hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 34,03% về số lượng và 18,49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng trong 8 tháng năm 2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng 59,05% về số lượng và 33,64% về giá trị, qua kênh Internet tăng 50,85% về số lượng và 33,15% về giá trị, qua kênh điện thoại di động tăng 58,95% về số lượng và 36,6% về giá trị, qua QR Code tăng 109,03% về số lượng và 111,37% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công đạt được kết quả khả quan. Công tác thu ngân sách nhà nước, dịch vụ giáo dục, y tế, điện, nước, chi trả lương hưu, bảo hiểm y tế, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp bằng phương thức TTKDTM được chú trọng và đạt kết quả tích cực.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng nhận định: Ngành ngân hàng đã và đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, từ việc áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhận tạo (AI), Blockchain đến việc phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính số hóa. Những bước tiến trong công nghệ mang lại nhiều lợi ích cho ngành ngân hàng.
Rủi ro an ninh mạng vẫn đang là thách thức lớn
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng hết sức quan ngại trước những rủi ro an ninh mạng trong các dịch vụ ngân hàng số như gian lận trên mạng, vi phạm dữ liệu và đánh cắp danh tính… “Vấn đề bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư luôn là mối quan tâm hàng đầu của tất cả các tổ chức tín dụng, đòi hỏi phải có các biện pháp mạnh mẽ để duy trì niềm tin và bảo vệ lợi ích của khách hàng” - TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Triệu Mạnh Tùng, Cục phó Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công An, yếu tố căn cơ của vấn đề đảm bảo an ninh tài sản, dữ liệu đến từ ý thức của mỗi cá nhân. Do đó, cần liên tục tuyên truyền, trang bị kiến thức để khách hàng có thể tự mình phòng tránh rủi ro không đáng có trên môi trường mạng như hiện nay.
Những rủi ro mà ngành ngân hàng phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi số được ông Phan Thái Dũng - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, NHHH - chỉ ra, đó là: Các chiến dịch tấn công ngày càng gia tăng cả về kỹ thuật lẫn mục tiêu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của ngành ngân hàng. Việc triển khai các hệ thống công nghệ thông tin mới trên thiết bị di động và tích hợp vào các hệ thống sẵn có tiềm ẩn nhiều rủi ro về bảo mật. Nhận thức về an toàn thông tin vẫn còn hạn chế, sự tiện lợi trong thanh toán trực tuyến cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin nếu không được bảo vệ đúng mức…
Báo cáo của NHNN cũng cho thấy tội phạm công nghệ cao trong hoạt động thanh toán điện tử ngày càng tinh vi, với các thủ đoạn phức tạp và thay đổi liên tục. Tội phạm lợi dụng hoạt động thanh toán cho các hoạt động bất hợp pháp có xu hướng gia tăng (như cờ bạc, lừa đảo, gian lận thương mại, trốn thuế, ma túy…).
Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an), số lượng và hình thức các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2022.
Thêm dẫn chứng cho thấy an toàn, bảo mật thông tin là thách thức lớn của ngành ngân hàng khi 10 tháng năm 2024, các hệ thống kỹ thuật của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tiếp nhận hơn 220.000 lượt phản ánh lừa đảo, với phần lớn các trường hợp liên quan đến tài chính, ngân hàng.
“Các sự cố, tấn công mạng vào lĩnh vực ngân hàng có thể làm thay đổi, đảo lộn hoạt động của nền kinh tế và an ninh, an toàn xã hội. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng giờ đây là một yếu tố cốt lõi, sống còn với sự tồn tại và danh tiếng và năng lực cạnh tranh của các ngân hàng” - Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Văn Tuấn nhận định./.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong thực hiện Đề án 06 "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" để vận dụng các kết quả của Đề án này vào quá trình chuyển đổi số của ngành. Đồng thời, không ngừng nâng cao năng lực an toàn bảo mật của hệ thống ngân hàng và coi đây là ưu tiên hàng đầu.