Chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp giải quyết vấn đề ly nông, ly hương

(BKTO) - Đây là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đề cập tại Hội nghị “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp” do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 14/5.

anh-pttg-tlq-1715692887535392952364.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hải Minh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ trì Hội nghị. 

Đây là một trong những hội nghị số hóa đầu tiên về kinh tế ngành trong năm 2024, qua đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của hoạt động số hóa trong lĩnh vực NN&PTNT, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước.

Theo Bộ NN&PTNT, nông nghiệp luôn là nền tảng vững chắc, trụ cột kinh tế đóng vai trò không thể thiếu trong việc đảm bảo an ninh lương thực và là nguồn cung cấp các sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.

Bộ NN&PTNT cần tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người nông dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với nông dân thì thủ tục hành chính càng phải đơn giản hơn; đồng thời kịp thời ghi nhận, giải quyết và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã chủ động chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đã giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, công cuộc số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang đối mặt với không ít rào cản và thách thức như: nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số còn hạn chế; sự kết nối, chia sẻ, liên kết giữa các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp, doanh nghiệp công nghệ, hợp tác xã, người nông dân còn chưa chặt chẽ, hệ thống hạ tầng công nghệ chưa đồng đều giữa các khu vực và vùng địa lý, thể chế đầu tư cho chuyển đổi số còn chưa đồng bộ…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chuyển đổi số trong nông nghiệp không phải là điều gì  xa xôi, khó khăn mà ai cũng có thể tiếp cận được, thực hiện được.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã làm việc với nhiều Bộ, ngành về vấn đề chuyển đổi số nông nghiệp như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương và bà con nông dân, qua đó đều khẳng định giá trị mang lại to lớn của công nghệ số với từng lĩnh vực, trong đó có nông dân. 

bo-truong.jpg

Chuyển đổi số, số hóa trong nông nghiệp giúp giải quyết vấn đề ly nông, ly hương. Khi đó, người dân có thể không làm nông nghiệp nữa, nhưng trên mảnh đất quê hương, họ vẫn có những cách thức mới, công cụ mới để làm giàu, để thoát nghèo

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Đơn cử, với hợp tác xã, bà con nông dân, là các giải pháp đa dạng, đa kênh, đa tương tác về “tri thức hóa nông dân”; là giới thiệu các nền tảng số, các kênh thương mại điện tử, các ứng dụng mạng xã hội, kết nối tiêu thụ nông sản “đưa chợ về vườn”, đưa thị trường về đến tận ao cá, vườn cây, thửa ruộng.

Theo Bộ trưởng, nhờ vào sức mạnh của công nghệ, người dân đã không còn cần di chuyển về các thành phố lớn nữa mà vẫn tìm ra con đường riêng cho mình. Phát triển dựa trên công nghệ là hướng phát triển bền vững, phát triển xanh tại Việt Nam.

Tại Hội nghị, các đại biểu, chuyên gia đã đánh giá thực trạng, các điểm nghẽn về tình hình số hóa, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời cũng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực tiễn và đề xuất giải pháp về số hóa nông nghiệp chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp…

Nhấn mạnh ngành gỗ của Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện theo mô hình phát triển gia tăng giá trị, ngày càng hấp dẫn người dân, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, nếu doanh nghiệp, cơ sở chế biến ứng dụng số, chuyển đổi số sớm trong vận hành sản xuất, quản lý doanh nghiệp, cơ sở sẽ vượt qua được các “hàng rào”, từ đó tạo ra giá trị mới cao hơn rất nhiều so với hiện tại.

z5440786434799_c7c52338eb48fc205efd25c6338c45ec.jpg
Ông Ngô Sỹ Hoài. Ảnh: N.Lộc

Theo ông Hoài, khi đó, người dân có nguồn thu nhập cao hơn nhiều lần, nhờ giảm bớt chi phí, công sức, cũng như nâng cao giá trị của sản phẩm. Điều này càng trở nên quan trọng khi Việt Nam hiện là một trong những nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Để thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp hiệu quả, theo ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi Số và Thống kê nông nghiệp và nông nghiệp, Việt Nam cần thực hiện số hóa dữ liệu ngành bằng cách đẩy mạnh phát triển các nền tảng số, ứng dụng số, hệ thống dữ liệu lớn của ngành.

Qua đó, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, trung tâm dữ liệu quốc gia một cách thống nhất, đồng bộ.

Cùng chuyên mục
Chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp giải quyết vấn đề ly nông, ly hương