ClimateScanner - công cụ đánh giá nhanh hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Chính phủ

NGUYỄN THỊ NGUYỆT ANH - KTNN chuyên ngành III | 27/06/2024 13:45

(BKTO) - Công cụ đánh giá nhanh hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) của Chính phủ (ClimateScanner) đưa ra một phương pháp chuẩn hóa mà các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) có thể sử dụng để tiến hành đánh giá nhanh các hành động ứng phó với BĐKH mà Chính phủ đang thực hiện ở cấp quốc gia với tầm nhìn toàn cầu theo 3 trục: Quản trị nhà nước về khí hậu; Chính sách công về khí hậu và Tài chính khí hậu.

14.jpg
3 trụ cột trong công cụ ClimateScanner

Góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu ở cấp quốc gia và quốc tế

ClimateScanner là sáng kiến của Tòa thẩm kế Liên bang Brasil - Chủ tịch Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) nhiệm kỳ 2022-2025 - được giới thiệu lần đầu tiên với cộng đồng quốc tế các SAI tại Đại hội INTOSAI lần thứ XXIV (INCOSAI XXIV) năm 2022 tổ chức tại Rio de Janeiro.

Mục đích của sáng kiến là tiến hành đánh giá nhanh các hành động mà Chính phủ đang thực hiện nhằm giải quyết vấn đề BĐKH ở cấp quốc gia, tổng hợp dữ liệu trong bức tranh tổng thể toàn cầu, tạo ra thông tin hữu ích cho việc lập kế hoạch kiểm toán chiến lược của SAI về khí hậu và cung cấp thông tin cho các bên có liên quan đến chủ đề này. Sáng kiến này được thực hiện như một dự án nhằm tạo cơ hội chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa các SAI, hướng tới tăng cường năng lực cho cộng đồng INTOSAI.

Hiện nay, Tổ kiểm toán thực hiện Cuộc kiểm toán hợp tác về hành động thích ứng với BĐKH do Cơ quan Sáng kiến phát triển (IDI) của INTOSAI và INTOSAI WGEA tổ chức giai đoạn 2023-2024 đã chủ động nghiên cứu và áp dụng linh hoạt công cụ ClimateScanner vào quá trình triển khai thực hiện kiểm toán.

Năm 2023, 17 SAI đã thực hiện thử nghiệm công cụ ClimateScanner để đưa ra những điều chỉnh hợp lý trước khi áp dụng rộng rãi. Giai đoạn thực hiện sáng kiến ClimateScanner bắt đầu vào năm 2024, khi các SAI tham gia Cuộc họp toàn cầu về “Sự tham gia của các SAI trong việc đánh giá các hành động quốc gia về khí hậu” tổ chức tháng 3/2024 tại New York (Mỹ), được kêu gọi áp dụng sáng kiến này vào hoạt động kiểm toán hành động ứng phó với BĐKH của Chính phủ.

Đồng thời, sáng kiến ClimateScanner được đưa vào Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2023-2030 và Kế hoạch hoạt động giai đoạn 2023-2025 của Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của INTOSAI (INTOSAI WGEA). Đây được coi là dự án đầy tham vọng có thể góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu ở cả cấp quốc gia và quốc tế. Chủ tịch INTOSAI khẳng định, giải quyết vấn đề BĐKH không chỉ là trách nhiệm của các Chính phủ mà còn là trách nhiệm của các SAI, vì các SAI giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy các Chính phủ hành động ứng phó với BĐKH.

Dựa trên các đánh giá được tiêu chuẩn hóa trong bối cảnh quốc gia, công cụ ClimateScanner giúp cung cấp một bức tranh toàn cảnh về sự chuẩn bị của các Chính phủ đối với vấn đề khí hậu ở cấp quốc gia. Thông qua dữ liệu khí hậu được thu thập, công cụ giúp chỉ ra những thế mạnh cũng như thách thức ứng phó với BĐKH mà các Chính phủ phải đối mặt cả trong nước và quốc tế. Thông tin này giúp tập trung các nỗ lực và nguồn lực công vào giải quyết vấn đề thách thức được coi là quan trọng nhất.

ClimateScanner cũng nhằm mục đích truyền đạt thông tin theo cách dễ tiếp cận và sử dụng các tài nguyên trực quan. Bằng cách này, thông điệp có thể đạt được mức độ liên quan cao hơn và tiếp cận được nhiều đối tượng hơn, bao gồm cả người dân. Điều này cũng sẽ giúp khẳng định vị thế của SAI và INTOSAI với tư cách là những chủ thể có liên quan trong các cuộc tranh luận toàn cầu về BĐKH.

4 phần của công cụ ClimateScanner

Công cụ đánh giá nhanh limateScanner gồm 4 phần chính:

Thông tin của quốc gia: Chứa dữ liệu cơ bản về đất nước, thông tin kinh tế và xã hội, cũng như thông tin chính về hồ sơ khí hậu của quốc gia. Mục đích của phần mô tả này là đưa ra các điều kiện và bối cảnh cho việc diễn giải kết quả đánh giá do SAI thực hiện bằng công cụ ClimateScanner.

Hệ thống quản trị nhà nước: Đánh giá 4 khía cạnh về thể chế, chiến lược, phối hợp và trách nhiệm liên quan đến giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH theo 10 hợp phần cụ thể, gồm: Khuôn khổ pháp lý, cơ cấu tổ chức Chính phủ, chiến lược dài hạn, quản lý rủi ro, phối hợp liên ngành theo hàng ngang và hàng dọc, sự tham gia của các bên liên quan, toàn diện, cơ chế giám sát, minh bạch, giám sát tổng thể và xử lý tranh chấp về khí hậu.

Hệ thống chính sách công: Đánh giá 3 khía cạnh theo 5 hợp phần cụ thể liên quan đến hành động giảm thiểu và thích ứng với BĐKH, gồm: Cam kết quốc gia (đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)), chiến lược chung (chiến lược giảm thiểu, các kế hoạch và chiến lược thích ứng quốc gia) và theo lĩnh vực (các lĩnh vực giảm thiểu, các lĩnh vực thích ứng).

Hệ thống tài chính: Theo định nghĩa của Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC), hệ thống tài chính đề cập đến nguồn tài chính của địa phương, quốc gia hoặc xuyên quốc gia - được lấy từ các nguồn tài chính công, tư và nguồn khác - nhằm hỗ trợ các hành động giảm thiểu và thích ứng để giải quyết vấn đề BĐKH. Dựa trên định nghĩa này, tài chính trong nước và quốc tế đều được đưa vào hệ thống tài chính. Theo đó, hệ thống tài chính đánh giá khía cạnh tài chính công theo 3 hợp phần: Tài chính ứng phó với BĐKH trong nước, tài chính ứng phó với BĐKH quốc tế (các quốc gia cung cấp tài chính) và tài chính ứng phó với BĐKH quốc tế (các quốc gia tiếp nhận tài chính); và khía cạnh tài chính khu vực tư nhân dựa trên hợp phần về cơ chế tài chính ứng phó với BĐKH khu vực tư trong nước và quốc tế.

Mỗi hệ thống đánh giá sẽ xem xét ở một số khía cạnh và mỗi khía cạnh được chia thành nhiều hợp phần khác nhau mà SAI sẽ thực hiện đánh giá ở quốc gia mình. Việc chuẩn hóa các trường dữ liệu giúp việc tổng hợp dữ liệu và so sánh giữa các quốc gia được dễ dàng hơn.

Ngoài ra, các kết quả đánh giá chính được trình bày ở phần “Tóm tắt các kết quả” với mục tiêu cung cấp cái nhìn tổng quát về kết quả đánh giá cấp quốc gia ở mức độ tổng hợp nhất có thể, giúp người đọc dễ dàng xác định những điểm mạnh và thách thức chính của quốc gia được đánh giá. Phần này sẽ nêu bật những hợp phần có điểm cao nhất và thấp nhất dựa trên đánh giá của SAI tại quốc gia mình. SAI cũng có thể bổ sung những nhận xét chung cho đánh giá của mình mà họ cho là phù hợp để người đọc hiểu rõ hơn về đánh giá và cho điểm từng hạng mục cụ thể./.

Cùng chuyên mục
  • Kiểm toán nhà nước và chính sách tài khóa
    3 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Chính sách tài khóa (CSTK) đóng vai trò quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô. CSTK cần xây dựng và phát triển một cách linh hoạt và phù hợp nhất với nền kinh tế. Kiểm toán nhà nước (KTNN) với chức năng kiểm tra, đánh giá, xác nhận và tư vấn sẽ đánh giá và phát hiện những khiếm khuyết, kẽ hở của chính sách, từ đó góp phần nâng cao tính hiệu quả khi hoạch định, hoàn thiện và điều hành CSTK trong thực tiễn.
  • Điều tiết hợp lý để kiểm soát lạm phát
    4 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Trong bối cảnh sức ép lạm phát có xu hướng tăng, nhất là việc thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7 sắp tới, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, vấn đề kiểm soát lạm phát là điều cần làm ngay và phải được quan tâm hơn nữa để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
  • Hướng tới Net Zero: Cần “tăng tốc” trước khi bị loại khỏi cuộc chơi!
    4 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Hiện nay, Việt Nam đang trong “cuộc đua” để tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 với những tuyên bố toàn cầu về chuyển điện than sang năng lượng sạch, không xây nhà máy điện than mới sau năm 2030... Chưa kể, “cuộc chơi” của thế giới đang thay đổi, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải “tăng tốc” trước khi bị loại khỏi “cuộc chơi” này.
  • Tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập: Cần cẩn trọng, kỹ lưỡng
    4 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Thực tế hiện nay mới chỉ có dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A được phép tách công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án độc lập. Do đó, theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang đề xuất xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tách công tác GPMB thành dự án độc lập đối với dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C…
  • Để doanh nghiệp có thể vay vốn
    5 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Lãi suất tín dụng ở Việt Nam trong năm 2024 đã có xu hướng giảm nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp và người dân.
ClimateScanner - công cụ đánh giá nhanh hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Chính phủ