Điều tiết hợp lý để kiểm soát lạm phát

(BKTO) - Trong bối cảnh sức ép lạm phát có xu hướng tăng, nhất là việc thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7 sắp tới, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, vấn đề kiểm soát lạm phát là điều cần làm ngay và phải được quan tâm hơn nữa để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

0-1.jpeg
Quang cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Áp lực lạm phát có xu hướng tăng rõ

Xuyên suốt các phiên thảo luận tại nghị trường Kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội đánh giá, trong những tháng đầu năm nay, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro… đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam. Song, tình hình kinh tế nước ta có bước phục hồi và phát triển khá tốt, với các chỉ số được tăng lên rõ rệt; trong đó, GDP quý I tăng 5,66% - cao nhất kể từ năm 2020 trở lại đây, đưa Việt Nam vào top đầu so với các nước trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần quan tâm, đánh giá sâu sắc hơn về áp lực lạm phát. Ngay trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chỉ ra, áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng. “Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với cùng kỳ đã tăng liên tục kể từ đầu năm và lên mức 4,42% vào tháng 4/2024, kéo lạm phát bình quân 4 tháng đầu năm lên mức 3,93%, gần mức mục tiêu 4-4,5% theo Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Với những con số trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) lưu ý, tỷ giá bắt đầu tăng trở lại, lạm phát cao hơn so với bình quân các năm trước, là những cảnh báo về kinh tế vĩ mô, cần phải tăng cường kiểm soát.

Còn theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội), áp lực lạm phát năm 2024 không hề nhẹ. Giai đoạn trước, áp lực lạm phát từ bên ngoài vào, nhưng năm 2024, áp lực lạm phát lại từ bên trong. Cụ thể, theo đại biểu Cường, trong quý I/2024, CPI là 3,77% và CPI tháng 4 lại cao hơn tháng 3. Thông thường, quý I, CPI có xu hướng tăng do vào dịp Tết Nguyên đán, song đến tháng 3, tháng 4 bắt đầu giảm xuống. Năm nay, CPI tháng 4 lại cao hơn. Đây là một yếu tố cho thấy CPI có xu hướng tăng thực sự. “4 tháng đầu năm, CPI là 3,93%, gần đạt đến mốc chỉ tiêu Quốc hội quyết định là 4-4,5%, áp lực rất rõ ràng” - đại biểu Hoàng Văn Cường chỉ rõ.

Mặt khác, nhìn ra thế giới, các yếu tố chiến tranh, xung đột địa chính trị chưa giảm, nên giá dầu cũng không hy vọng giảm, dẫn đến giá dầu đầu vào trong nước sẽ tiếp tục cao. Giá điện cũng không thể không tăng, bởi nước ta đang đẩy mạnh chuyển sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nên giá đầu vào rất cao, buộc giá phải cao. Đó là những yếu tố rất hiện hữu thúc đẩy tăng giá trong năm 2024 - đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.

Cùng mối quan ngại, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, CPI tháng 4 tăng gần 1% so với tháng trước và bình quân 4 tháng đầu năm đã tăng 3,93%, cho thấy việc kiểm soát lạm phát là điều cần làm ngay để đảm bảo ổn định tăng trưởng vĩ mô.

Đại biểu Yến chỉ rõ, đồng Việt Nam mất giá so với USD, giá nhiều mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu tăng là nguyên nhân chính khiến chỉ số lạm phát những tháng qua có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá cũng tăng mạnh, ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định thị trường tiền tệ. “Đề nghị Chính phủ có chính sách điều tiết hợp lý giữa tăng trưởng và lạm phát. Cần kiểm soát tốt lạm phát; trong đó, cần tính đến yếu tố tăng lương vào tháng 7 tới dẫn đến giá nhiều mặt hàng thiết yếu khác có xu hướng tăng theo để có chính sách điều hành vĩ mô phù hợp. Đồng thời, có kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu để có thể ứng phó kịp thời với những biến động của thị trường” - đại biểu Nguyễn Thị Yến nêu quan điểm.

Điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng và chống lạm phát

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nếu để xảy ra tình trạng tăng giá, lạm phát sẽ kéo theo một loạt hệ lụy khác của nền kinh tế. Điển hình là, khi lãi suất gửi tiết kiệm của người dân vào ngân hàng thấp hơn CPI, người dân sẽ dùng tiền đó để làm việc khác, đầu tư vào lĩnh vực khác, như vàng hay bất động sản. Vì vậy, đại biểu đề nghị, việc điều hành lãi suất cần linh hoạt. “Lãi suất cho vay xác định ở một mức hợp lý và lãi suất huy động phải trên mức dự báo về lạm phát, cụ thể là 5-6%/năm. Lãi suất cho vay không nên đẩy lên cao đến trên 10%/năm như trước đây. Nếu ổn định khoảng 7-8%/năm, thì các doanh nghiệp có khả năng hấp thụ vốn vẫn sẵn sàng chấp nhận, như thế sẽ đảm bảo cân bằng được giữa điều hành lãi suất và lạm phát” - đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

1(1).jpg
GDP quý I tăng 5,66% - cao nhất kể từ năm 2020 trở lại đây. Ảnh minh họa

Còn theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị), yếu tố hỗ trợ giúp giảm nguy cơ lạm phát là chúng ta cơ bản bảo đảm được an ninh lương thực, Nhà nước tăng cường điều hành bình ổn giá cả một số mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, yếu tố tiền tệ có thể gây ra rủi ro lạm phát khi thời gian vừa qua, chúng ta theo đuổi chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Theo đại biểu, một khi cầu tiêu dùng gia tăng trở lại, vấn đề lạm phát do cầu kéo sẽ được thể hiện rõ. Thêm nữa, yếu tố lạm phát kỳ vọng cũng nhen nhóm khi tỷ giá vàng, giá bất động sản phân khúc chung cư ở một số đô thị lớn đang biến động mạnh. Vì thế, đại biểu đề nghị, bên cạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng thì kiểm soát lạm phát cần được đặc biệt coi trọng trong thời gian tới.

Trước những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội, tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam có nền kinh tế mở nên chúng ta nhập khẩu khá nhiều vật tư, nguyên liệu, điều này phụ thuộc vào thị trường thế giới; trong khi chúng ta đang thực hiện các gói kích cầu và thực hiện tăng lương. Điều này là nguyên nhân dẫn đến biến động và ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát được chỉ số lạm phát như Quốc hội cho phép. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng khẳng định: “Với sự điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế và phòng, chống lạm phát; điều chỉnh, kết hợp một cách hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thì hoàn toàn có thể điều chỉnh giá cả”.

Để kiểm soát lạm phát, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các Bộ, ngành hôm 08/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, cần quyết liệt triển khai các giải pháp ổn định giá cả thị trường; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng; tăng cường công khai, minh bạch, giám sát kê khai giá, niêm yết giá theo quy định… Hy vọng, những nỗ lực điều hành của Chính phủ sẽ "ghìm cương" lạm phát trong ngưỡng mục tiêu Quốc hội đặt ra./.

Cùng chuyên mục
  • Hướng tới Net Zero: Cần “tăng tốc” trước khi bị loại khỏi cuộc chơi!
    5 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Hiện nay, Việt Nam đang trong “cuộc đua” để tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 với những tuyên bố toàn cầu về chuyển điện than sang năng lượng sạch, không xây nhà máy điện than mới sau năm 2030... Chưa kể, “cuộc chơi” của thế giới đang thay đổi, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải “tăng tốc” trước khi bị loại khỏi “cuộc chơi” này.
  • Tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập: Cần cẩn trọng, kỹ lưỡng
    5 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Thực tế hiện nay mới chỉ có dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A được phép tách công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án độc lập. Do đó, theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang đề xuất xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tách công tác GPMB thành dự án độc lập đối với dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C…
  • Để doanh nghiệp có thể vay vốn
    6 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Lãi suất tín dụng ở Việt Nam trong năm 2024 đã có xu hướng giảm nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp và người dân.
  • Kinh tế Việt Nam sau 49 năm thống nhất
    7 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Đáng tự hào là hành trình phát triển kinh tế của Việt Nam sau 49 năm thống nhất đất nước! Trong khoảng thời gian đó, đặc biệt từ khi công cuộc Đổi mới bắt đầu vào năm 1986, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nền kinh tế phát triển năng động. Điều đáng nói là chúng ta đã bắt đầu những cải cách kinh tế vượt qua khỏi hệ chuẩn Xô Viết, ngay cả khi Liên Xô còn chưa bị tan rã.
  • Xung đột Israel – Iran: Cần tháo ngòi kho thuốc súng
    7 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Cuộc tấn công của Iran vào Israel vào ngày 13/4, trong đó Iran được cho là đã phóng khoảng 300 tên lửa và máy bay không người lái, phần lớn đã bị đánh chặn chỉ gây ra thiệt hại nhỏ, là một bước leo thang đáng kể trong cuộc xung đột giữa hai quốc gia này.
Điều tiết hợp lý để kiểm soát lạm phát