Kiểm toán nhà nước và chính sách tài khóa

PGS,TS. ĐẶNG VĂN THANH - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiể | 27/06/2024 06:25

(BKTO) - Chính sách tài khóa (CSTK) đóng vai trò quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô. CSTK cần xây dựng và phát triển một cách linh hoạt và phù hợp nhất với nền kinh tế. Kiểm toán nhà nước (KTNN) với chức năng kiểm tra, đánh giá, xác nhận và tư vấn sẽ đánh giá và phát hiện những khiếm khuyết, kẽ hở của chính sách, từ đó góp phần nâng cao tính hiệu quả khi hoạch định, hoàn thiện và điều hành CSTK trong thực tiễn.

hnyl1824_20240508142334.jpg
KTNN giữ vai trò không thể thiếu trong hệ thống kiểm tra, kiểm soát của nhà nước. Ảnh: TL

Vai trò của Kiểm toán nhà nước trong hoạch định, điều hành chính sách tài khóa

Với nguyên tắc hoạt động độc lập, trung thực, khách quan, công khai, minh bạch, cùng với chức năng kiểm tra, đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính nhà nước, KTNN giữ vai trò không thể thiếu trong hệ thống kiểm tra, kiểm soát của nhà nước. Hoạt động KTNN góp phần minh bạch nền tài chính quốc gia, đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện chính sách pháp luật nói chung, pháp luật về tài chính nhà nước nói riêng.

Kết quả kiểm toán không chỉ thể hiện, ghi nhận bằng những số liệu kiến nghị xử lý tài chính mà còn thể hiện ở những phát hiện và kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, hoàn thiện chính sách tài chính và CSTK. Kết quả kiểm toán còn giúp các cơ quan quản lý nhà nước chấn chỉnh công tác quản lý tài chính - ngân sách, ngăn ngừa những hành vi tiêu cực, thất thoát tiền, tài sản nhà nước, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; giúp các đơn vị hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý của mình, đảm bảo quản lý, sử dụng tiền, tài sản nhà nước đúng pháp luật và có hiệu quả.

Đối với CSTK, thông tin, tài liệu, hồ sơ do KTNN cung cấp là một trong những căn cứ quan trọng để các các cơ quan dân cử, cơ quan nhà nước sử dụng để hoạch định CSTK. Trong nền kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập, để thu hút hiệu quả và tối đa các nguồn lực, công nghệ nước ngoài, các quốc gia phải đảm bảo công khai kết quả sử dụng các nguồn vốn viện trợ, tài trợ hoặc cho vay… Hoạt động kiểm toán và công khai kết quả kiểm toán của KTNN đã trở thành một trong những kênh thông tin quan trọng trong việc tạo dựng, củng cố niềm tin của các quốc gia, tổ chức phi chính phủ, ngân hàng, tổ chức tín dụng và các nhà đầu tư nước ngoài trong các quan hệ đầu tư, thương mại với Việt Nam.

KTNN góp phần đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật về CSTK, phòng chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý, tập trung nguồn thu và sử dụng NSNN. KTNN có chức năng kiểm soát quyền lực trong các quyết định về NSNN, quản lý, khai thác, phân bổ và sử dụng tài sản công. Kết quả kiểm toán có sự kiểm tra đánh giá về trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong các quyết định CSTK, NSNN, đảm bảo đúng thẩm quyền, hạn chế sự lạm quyền, làm không đúng chức năng.

Nâng cao chất lượng và tăng cường tính minh bạch, độ tin cậy của thông tin kiểm toán

Để đảm bảo và nâng cao vai trò, trách nhiệm của KTNN trong hoạch định và điều hành CSTK, cần quan tâm những vấn đề sau:

Trước hết, cần có sự thống nhất nhận thức và sự phân công về nhiệm vụ, quyền hạn giữa cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp nhằm nâng cao trách nhiệm trong việc ban hành các quyết định vì một nền kinh tế - xã hội ổn định, vững mạnh, an toàn và hoạt động có hiệu quả. Đồng thời, tăng cường hợp tác, phối hơp thực sự giữa các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý hành chính nhà nước với các cơ quan của Quốc hội. Trong đó, KTNN sẽ phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác để thực hiện nhiệm vụ của mình, nhưng tính độc lập, khách quan của KTNN vẫn phải được đề cao và tôn trọng tuyệt đối.

Thứ hai, đảm bảo địa vị pháp lý của KTNN trong hệ thống nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kết quả và ý kiến của KTNN là căn cứ quan trọng để Quốc hội thực hiên quyền quyết định và quyền giám sát về NSNN, về trách nhiệm và quyền của các cơ quan đơn vị trong việc quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính nhà nước. Giá trị các ý kiến của KTNN cần đánh giá đúng và đáp ứng kỳ vọng, sự mong mỏi của nhân dân, của xã hội trong tiến trình phát triển kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ ba, triển khai và đẩy mạnh kiểm toán hoạt động. Kết quả của kiểm toán tính kinh tế và tính hiệu quả sẽ đánh giá và xác định tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của CSTK, việc bảo đảm, quản lý và sử dụng NSNN trong nền kinh tế, của ngành, địa phương và đơn vị, mức độ và nguyên nhân sử dụng không hiệu quả, không kinh tế. Kết quả của kiểm toán hoạt động cho phép lượng hoá và đánh giá có bằng chứng kết quả đã đạt được với thực tế phân bổ và sử dụng NSNN.

Thứ tư, tính độc lập là vấn đề cốt lõi và xương sống của hoạt động kiểm toán, được hiểu theo cả hai khía cạnh: kiểm toán phải hoàn toàn độc lập, khách quan khi thực hiện nhiệm vụ và phải được đảm bảo sự độc lập bằng các quy định, chế tài để tránh mọi sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp. Hoạt động kiểm toán và kết quả kiểm toán làm yên lòng những người sử dụng thông tin kế toán thông qua những kết luận có bằng chứng. Các Ủy ban của Quốc hội cần thực hiện việc đánh giá và chọn lọc các kết luận của KTNN để sử dụng trong thảo luận, quyết định và giám sát các hoạt động kinh tế - xã hội.

Thứ năm, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán và các báo cáo kiểm toán. Kết quả kiểm toán và ý kiến của KTNN phải đạt độ tin cậy cao nhất để cung cấp cho các cơ quan, đại biểu dân cử làm căn cứ hình thành ý kiến và đưa ra quyết định về các vấn đề liên quan CSTK. Kết quả kiểm toán và tình hình thực hiện kết luận kiểm toán cần công khai đến từng đại biểu Quốc hội và người dân. Muốn vậy, KTNN phải tiến hành xem xét, đánh giá về hoạt động NSNN một cách khách quan, chỉ tôn trọng luật pháp và phản ảnh đúng sự thật.

Thứ sáu, Quốc hội, HĐND cần sử dụng có hiệu quả, ở mức tối ưu nhất các kết quả kiểm toán trong thực hiện chức năng và trong hoạt động về CSTK, NSNN. Kết quả kiểm toán không chỉ mang tính chất chuyên môn sâu mà còn có bằng chứng pháp lý, khách quan, xác nhận sự đúng đắn, hợp lý của CSTK. Do đó, Quốc hội, HĐND cần thành lập cơ quan chuyên môn để tiếp nhận, phân tích, đánh giá và chọn lọc kết quả kiểm toán./.

Cùng chuyên mục
  • Điều tiết hợp lý để kiểm soát lạm phát
    5 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Trong bối cảnh sức ép lạm phát có xu hướng tăng, nhất là việc thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7 sắp tới, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, vấn đề kiểm soát lạm phát là điều cần làm ngay và phải được quan tâm hơn nữa để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
  • Hướng tới Net Zero: Cần “tăng tốc” trước khi bị loại khỏi cuộc chơi!
    5 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Hiện nay, Việt Nam đang trong “cuộc đua” để tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 với những tuyên bố toàn cầu về chuyển điện than sang năng lượng sạch, không xây nhà máy điện than mới sau năm 2030... Chưa kể, “cuộc chơi” của thế giới đang thay đổi, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải “tăng tốc” trước khi bị loại khỏi “cuộc chơi” này.
  • Tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập: Cần cẩn trọng, kỹ lưỡng
    5 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Thực tế hiện nay mới chỉ có dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A được phép tách công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án độc lập. Do đó, theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang đề xuất xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tách công tác GPMB thành dự án độc lập đối với dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C…
  • Để doanh nghiệp có thể vay vốn
    6 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Lãi suất tín dụng ở Việt Nam trong năm 2024 đã có xu hướng giảm nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp và người dân.
  • Kinh tế Việt Nam sau 49 năm thống nhất
    7 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Đáng tự hào là hành trình phát triển kinh tế của Việt Nam sau 49 năm thống nhất đất nước! Trong khoảng thời gian đó, đặc biệt từ khi công cuộc Đổi mới bắt đầu vào năm 1986, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nền kinh tế phát triển năng động. Điều đáng nói là chúng ta đã bắt đầu những cải cách kinh tế vượt qua khỏi hệ chuẩn Xô Viết, ngay cả khi Liên Xô còn chưa bị tan rã.
Kiểm toán nhà nước và chính sách tài khóa