Cơ cấu lại nền kinh tế cần có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới đột phá

(BKTO) - Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 phải phù hợp với bối cảnh thời cơ và thách thức mới, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả nhằm khắc phục, giải quyết dứt điểm, hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước; khơi thông điểm nghẽn của nền kinh tế. Đây là yêu cầu được các đại biểu đặt ra khi cho ý kiến về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.



Cơ cấu lại không gian kinh tế, tăng cường liên kết vùng

Trình bày Báo cáo về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, tại phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, diễn ra chiều 29/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ, dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp và còn có thể kéo dài, tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước bối cảnh đó, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện quyết liệt hơn nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.
                
   

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương báo cáo tại phiên họp.Ảnh: quochoi.vn

   

Về quan điểm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung khắc phục những hạn chế, hoàn thành cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm của kế hoạch giai đoạn 2016-2020; bổ sung các nhiệm vụ nhằm tận dụng các cơ hội và giải quyết tốt các vấn đề chiến lược để phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh mới. “Cơ cấu lại nền kinh tế phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện đồng bộ, giữa các ngành, lĩnh vực, giữa Trung ương với địa phương, là bước đi cần thiết để đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Theo đó, Kế hoạch lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá, lấy cơ cấu lại không gian kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn làm nhiệm vụ trọng tâm; tháo gỡ những rào cản thể chế theo hướng vướng ở cấp nào thì cấp đó khẩn trương chủ động, tích cực sửa đổi, hoàn thiện, cần thiết có thể thí điểm đối với những vấn đề mới. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên số, khuyến khích đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, một điểm mới của Kế hoạch là cơ cấu lại không gian kinh tế, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng.

Nhiều vấn đề cần được xem xét, làm rõ

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá, về tổng thể Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 có nhiều nội dung, trong đó có 14 nội dung lớn. Tuy nhiên trên cơ sở cân đối và gắn với phân bổ nguồn lực kinh tế xã hội cần nghiên cứu xác định những ngành, lĩnh vực, nội dung ưu tiên trong cơ cấu lại nền kinh tế một cách có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với bối cảnh thời cơ và thách thức mới, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả nhằm khắc phục, giải quyết dứt điểm, hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước; khơi thông điểm nghẽn của nền kinh tế.
                
   

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đặt ra nhiều vấn đề cần được xem xét, làm rõ một cách thấu đáo trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Trong đó, về cơ cấu lại đầu tư công, các đại biểu đề nghị đánh giá kết quả tập trung hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công theo thông lệ quốc tế, đặc biệt trong công tác quản lý, giám sát, đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư công, đánh giá kết quả khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tham nhũng, lãng phí, nợ đọng xây dựng cơ bản.

Về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, các đại biểu đề nghị làm rõ tác động của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ, khả năng hoàn thành các mục tiêu đã đề ra tại các phương án, đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Đồng thời, trong cơ cấu lại NSNN, cần đánh giá về công tác quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay, kiểm soát khoản vay của chính quyền địa phương, DNNN, kiểm soát bội chi ngân sách và tính bền vững của bảo đảm an toàn nợ công; việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính NSNN, thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí.

Về cơ cấu lại DNNN và chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, cần chỉ rõ nguyên nhân chậm tiến độ, đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch đề ra; nguyên nhân một số DN, dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài chưa được xử lý kịp thời, dứt điểm.

Đối với vấn đề phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, các đại biểu cho rằng, phải xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, mức độ sẵn sàng liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài, đáp ứng yêu cầu của chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu.

Liên quan đến cơ cấu lại không gian kinh tế, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị, nông thôn, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần đánh giá việc ban hành và triển khai các loại quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch; việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại một số địa phương; thể chế điều phối phát triển kinh tế trong vùng sự phối hợp giữa các địa phương trong ban hành và thực thi chính sách thu hút đầu tư, xúc tiến đầu tư, ưu tiên các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị, Kế hoạch cần xác định được những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về cơ cấu lại thị trường lao động gắn với chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực, của nền kinh tế. Việc cơ cấu lại ngành, lĩnh vực phải gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một cách hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, dịch chuyển lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao…

Đồng tình với nhiều ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, cần phải làm rõ tại sao giai đoạn 2016-2020, 3 trong số 5 mục tiêu cơ cấu lại chưa hoàn thành đều ở khu vực công; đồng thời Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 phải rõ trọng tâm, trọng điểm, mới hơn, đột phá hơn./.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Cơ cấu lại nền kinh tế cần có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới đột phá