Cơ chế, chính sách đất đai là gốc rễ của nhiều “nút thắt”

THÙY ANH (thực hiện) | 26/10/2023 06:32

(BKTO) - Hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách pháp luật về đất đai là gốc rễ của những nút thắt, điểm nghẽn, khiến việc quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai, đầu tư công (ĐTC), phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KKT, KCN, CCN) ách tắc, kém hiệu quả - GS,TS. Đoàn Xuân Tiên, Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước chia sẻ với Báo Kiểm toán.

4.1-.jpg

Thưa ông, Diễn đàn: “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Những nút thắt và vai trò của Kiểm toán nhà nước” vừa kết thúc. Đối với ông, điều đọng lại sau Diễn đàn là gì?

Đây là lần đầu tiên Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức Diễn đàn với quy mô lớn, thu hút nhiều Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước, khách quốc tế với hơn 700 đại biểu tham dự. Chủ đề Diễn đàn phù hợp thực tiễn, có tính thời sự cao, là vấn đề được nhiều người tâm đắc. Chủ đề các phiên Hội thảo chuyên đề cũng mang tính thực tiễn cao, cả 3 chuyên đề đều có sự liên kết khá chặt chẽ, khoa học, logic và sát chủ đề Diễn đàn.

Diễn đàn thu hút được nhiều bài viết hay, nhiều ý kiến tham luận phong phú, đa dạng. Các ý kiến trao đổi trực tiếp tại các phiên tọa đàm trong từng Hội thảo chuyên đề có giá trị về cơ sở lý luận, thực tiễn; nhận định, phân tích làm rõ hơn những nút thắt khá trúng và đúng; các sáng kiến đề xuất giải pháp tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn khá toàn diện và phù hợp. Diễn đàn đã để lại ấn tượng và dư âm tốt đẹp về cả nội dung, chuyên môn và cách thức tổ chức.

Là chuyên gia nghiên cứu, đặc biệt nguyên là lãnh đạo KTNN, ông có bình luận gì về những nút thắt trong quản lý, sử dụng đất đai, ĐTC và phát triển KKT, KCN, CCN từ thực tiễn và qua hoạt động KTNN?

Kết quả kiểm toán giai đoạn 2017-2022 cho thấy những hạn chế, sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, ĐTC và KKT, KCN vẫn lặp đi lặp lại qua các năm. Điển hình như: Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chậm được phê duyệt, việc lập các kế hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo cơ sở pháp lý, chưa phù hợp với bản đồ quy hoạch...; chưa hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất không đúng đối tượng, không thông qua đấu thầu, đấu giá; việc xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa phù hợp... Đến nay, đã hết 2 năm thực hiện Kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhưng chưa giao hết kế hoạch vốn ĐTC; tiến độ thực hiện nhiều dự án chậm, tỷ lệ giải ngân chậm và thấp... Nhiều KKT, KCN, CCN chưa đạt mục tiêu đề án; nhiều dự án chậm tiến độ, tỷ lệ lấp đầy thấp, có dự án chỉ lấp đầy 13%...

4.2(1).jpg
GS,TS. Đoàn Xuân Tiên

Những nút thắt, điểm nghẽn này chủ yếu xuất phát từ vấn đề gốc là hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách pháp luật về đất đai; năng lực quản lý nhà nước về đất đai, ĐTC, phát triển KKT, KCN chưa đáp ứng yêu cầu; công tác thi hành chính sách, pháp luật đất đai, ĐTC chưa nghiêm… khiến việc quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai, ĐTC, phát triển KKT, KCN, CCN ách tắc, kém hiệu quả... Nói cách khác, nút thắt này là nguyên nhân của nút thắt kia, cái này là hệ quả, hậu quả của cái kia và ngược lại. Điều đáng nói, những nút thắt này được hình dung như một chuỗi, có tính vòng tròn, trong y học gọi đó là “vòng tròn bệnh lý”. Chúng ta nên biết và phân tích được gốc của vấn đề (tìm ra được bệnh lý) thì việc “điều trị” mới hiệu quả.

Ví dụ, nút thắt về đất đai là thị trường đang tồn tại cơ chế 2 giá đất, việc xác định mức giá đền bù chưa phù hợp và sát với thị trường, phương pháp định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất chưa thực sự nhất quán, chính xác, chưa phù hợp thực tế. Điều này khiến việc giải phóng mặt bằng chậm, dẫn đến chậm tiến độ các dự án ĐTC, KKT, KCN, tỷ lệ giải ngân thấp. Như vậy, nút thắt đầu tiên và cũng là gốc của các vấn đề là giá đất đã kéo theo những điểm nghẽn trong quản lý, sử dụng đất đai, trong ĐTC, phát triển KKT, KCN: giải phóng mặt bằng chậm tiến độ, chậm giải ngân, hiệu quả kém…

Hoặc điểm nghẽn trong Kế hoạch ĐTC trung hạn 2021-2025 là vốn chưa phân bổ chi tiết, chưa phân bổ đủ vốn, bố trí vốn chưa phù hợp; tình trạng điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thay đổi, chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp quy hoạch, thiếu sự ổn định cho môi trường kinh doanh cũng là điểm nghẽn trong quản lý, sử dụng đất đai, các dự án ĐTC, KKT, KCN, CCN… Bên cạnh đó, một trong những nút thắt lớn hiện nay khiến ĐTC chậm là quy định “khi có vốn mới được lập dự án ĐTC” nên khi bố trí được vốn mới lập dự án thì phải 1-2 năm sau mới giải ngân được.

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN sẽ tác động, yêu cầu, bắt buộc các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị tăng cường trách nhiệm cung cấp, giải trình những vấn đề hạn chế, sai sót, vi phạm, yếu kém trong lĩnh vực đất đai, ĐTC, phát triển KKT, KCN, CCN. Kết quả kiểm toán được công khai, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị phải tăng cường tính minh bạch; đồng thời tác động đến ý thức chấp hành nghiêm túc, kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện để tránh sai sót, mắc lỗi, hoặc vi phạm.

GS,TS. Đoàn Xuân Tiên

Từ góc độ nguyên là lãnh đạo KTNN, ông có thể phân tích rõ hơn vai trò của KTNN trong việc góp phần tháo gỡ những nút thắt này?

Từ cơ sở pháp lý và thực tiễn, có thể khẳng định rằng, KTNN đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, trong đó có lĩnh vực đất đai, ĐTC và phát triển KKT, KCN, CCN. Thứ nhất, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị về quản lý, sử dụng đất đai, ĐTC và phát triển KKT, KCN, CCN.

Thứ hai, qua hoạt động kiểm toán, KTNN thúc đẩy hệ thống quản lý, quản trị tài chính, tài sản quốc gia nói chung, hoạt động quản lý, sử dụng đất đai, ĐTC, phát triển KKT, KCN, CCN nói riêng của cả nước, từng địa phương, cơ quan, đơn vị hợp lý và lành mạnh. Nghề kiểm toán được ví như công việc của “bác sỹ”, có vai trò “thăm khám”, kiểm tra để phân tích, đánh giá, xác nhận, kết luận tình trạng “sức khỏe” tài chính, hoạt động quản lý, quản trị của đơn vị, chỉ ra những yếu kém, chuẩn đoán những “bệnh lý”, những lưu ý cần thiết, tư vấn các biện pháp cải thiện, khắc phục, hoặc “điều trị, chữa trị”… Nếu được “thăm khám” thường xuyên hơn sẽ giúp đơn vị kịp thời khắc phục, cải thiện sớm nhất những lỗi về hệ thống; cảnh báo, ngăn ngừa, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những nút thắt, giúp bộ máy quản lý, quản trị vận hành hiệu quả hơn, chủ động kiểm soát rủi ro, phòng tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Thứ ba, KTNN sẽ kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, những kẽ hở, lỗ hổng của cơ chế, chính sách, pháp luật về ĐTC, kiến nghị và đề xuất tháo gỡ những vướng mắc…

KTNN cần chủ động xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn, hằng năm, từng cuộc kiểm toán liên quan đến lĩnh vực ĐTC. Xác định nội dung, phạm vi, đối tượng kiểm toán phù hợp. Đồng thời, đổi mới phương thức và cách thức tổ chức kiểm toán. Có thể kết hợp tiền kiểm đối với công tác quy hoạch, kế hoạch phân bổ, sử dụng nguồn lực đất đai, các dự án ĐTC, khâu chuẩn bị dự án; kiểm toán trong quá trình thực hiện và hậu kiểm đối với công tác thực thi pháp luật, công tác quản lý, sử dụng đất đai, ĐTC, phát triển KKT, KCN, CCN... Trong đó, tăng cường tiền kiểm để có ý kiến kịp thời nhằm cảnh báo, ngăn ngừa, gia tăng giá trị của hoạt động kiểm toán.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Cùng chuyên mục
Cơ chế, chính sách đất đai là gốc rễ của nhiều “nút thắt”