Cơ quan thuế không thể thanh tra, kiểm tra lại kết luận của Kiểm toán Nhà nước

(BKTO) - Trích ý kiến của đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tại Phiên họp tổ ngày 12/11




Ông Hoàng Quang Hàm phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 12/11 về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

“…Khoản 1, Điều 21 về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN của Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định: Thực hiện kiểm toán các hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về KTNN, quy định của pháp luật về quản lý thuế và các quy định của pháp luật có liên quan.

Theo tôi, quy định như vậy chưa đầy đủ, bởi lẽ: Nhiệm vụ của KTNN đã được Hiến định, đó là kiểm toán tài chính công, mà trong tài chính công thì có NSNN, bao gồm cả thu và chi. Do vậy, ngoài hoạt động kiểm toán việc quản lý thu thuế tại cơ quan thuế (cơ quan thu), KTNN có quyền kiểm toán nghĩa vụ nộp thuế tại các đơn vị được kiểm toán. Ví dụ, KTNN sẽ kiểm toán nghĩa vụ thuế khi kiểm toán các đơn vị sự nghiệp và các DNNN…

Khi kiểm tra tại cơ quan thuế, KTNN cũng được đối chiếu thuế (đối chiếu nghĩa vụ nộp thuế). Tuy nhiên, hiện nay, việc kiểm toán nghĩa vụ nộp thuế của KTNN chỉ được khoanh lại trong Điều 55 Luật KTNN về các đơn vị được kiểm toán. Theo đó, KTNN không được thực hiện kiểm toán đối với các đơn vị tư nhân và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà thường khi kiểm toán tại cơ quan thuế (cơ quan quản lý thu), nếu có dấu hiệu các đơn vị này có sai sót về thuế thì KTNN sẽ thực hiện đối chiếu nghĩa vụ nộp thuế.

Chính vì vậy, vấn đề này nên cân nhắc, có thể quy định: KTNN thực hiện kiểm toán việc thu, nộp thuế theo quy định của Luật KTNN và các quy định của pháp luật có liên quan thì sẽ phù hợp hơn.

Khoản 2, Điều 21, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định: Đối với kiến nghị của cơ quan KTNN khi kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế mà có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế theo quy định tại Điều 110, Điều 113, Khoản 3, Điều 119; và Điểm g, Khoản 1, Điều 110 các trường hợp kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế quy định: Kiểm tra theo kiến nghị của cơ quan KTNN; Điểm 4, Điều 113 các trường hợp thanh tra thuế quy định: Thanh tra thuế theo kiến nghị của cơ quan KTNN; Khoản 3, Điều 119 quy định: Trường hợp quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế về việc thực hiện nghĩa vụ thuế phải nộp, hoàn thuế của người nộp thuế có sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan KTNN, kết luận của cơ quan thanh tra nhà nước thì thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế, đồng thời cơ quan quản lý thuế báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tôi cho rằng, những điều khoản này không phù hợp với quy định của Luật KTNN bởi: Theo Hiến định, KTNN là một thiết chế độc lập. Đồng thời, theo Điều 7 Luật KTNN, báo cáo kiểm toán có giá trị bắt buộc thực hiện. Trong trường hợp chưa thống nhất với kiến nghị kiểm toán, đơn vị được kiểm toán có quyền khiếu nại tới tòa án. Do đó, nếu quy định sau khi kiểm toán, cơ quan thuế sẽ kiểm tra hoặc thanh tra lại kiến nghị kiểm toán, khi số liệu không thống nhất thì thực hiện theo quyết định xử lý cơ quan thuế là không phù hợp với Luật KTNN.

Cơ quan thuế là đơn vị được KTNN thực hiện kiểm toán, kiến nghị của cơ quan kiểm toán có giá trị bắt buộc thực hiện. Khi có sự không thống nhất về số liệu, nếu quy định là: báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ thì vấn đề sẽ khó khả thi, bởi vì Thủ tướng Chính phủ sẽ không thể có thời gian để xem xét chi tiết từng vụ việc như vậy.

Vấn đề này còn có một điểm vướng mắc nữa, đó là: KTNN thực hiện đối chiếu thuế đối với người nộp thuế khi kiểm toán tại cơ quan thuế; người nộp thuế (đơn vị được đối chiếu thuế) không có quyền khiếu nại KTNN, bởi lẽ, họ không phải là đơn vị được kiểm toán. Sau khi có kiến nghị kiểm toán của KTNN, cơ quan thuế sẽ ban hành thông báo thuế, và đơn vị được đối chiếu thuế chỉ khiếu nại cơ quan thuế vì đây chính là cơ quan ban hành thông báo thuế.

Chính vì những lý do trên, tôi cho rằng: Luật Quản lý thuế (sửa đổi) nên bỏ các quy định tại Khoản 2, Điều 21; Điểm g, Điều 110; Điểm 4, Điều 113; Khoản 3, Điều 119, đồng thời quy định thêm nội dung: Trường hợp KTNN có kiến nghị kiểm toán về tăng thu đối với các đơn vị liên quan (được đối chiếu thuế) thì các đơn vị này có quyền khiếu nại cơ quan KTNN”.
THÙY ANH (ghi)
Cùng chuyên mục
  • Sửa đổi Luật Quản lý thuế: Cần tôn trọng luật pháp
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đa số các đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật hiện hành nhằm hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh; tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế… Tuy nhiên, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của KTNN và Thanh tra Nhà nước vẫn là một trong những “điểm vướng” trong Dự thảo Luật, khiến nhiều đại biểu băn khoăn.
  • Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân trong giải quyết khiếu nại tố cáo
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, sáng 14/10, Quốc hội đã nghe và thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018. Việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tiếp công dân trong giải quyết khiếu nại, tố cáo được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận.
  • Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV, chiều nay (14/11), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, với 90,31% đại biểu Quốc hội tán thành.
  • Thủ tướng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Nhận lời mời của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ngày 13/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã lên đường sang Singapore dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị cấp cao liên quan từ ngày 13- 15/11.
  • Cần đánh giá công bằng về đóng góp của Kiểm toán Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Phát biểu làm rõ thêm đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về những đóng góp của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng, tại phiên thảo luận tại Hội trường của Quốc hội sáng nay (13/11), Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định: đánh giá của Ủy ban Tư pháp đối với KTNN là chưa công bằng. Thực tế, thời gian qua, KTNN đã có những đóng góp rất lớn cho công tác phòng, chống tham nhũng.
Cơ quan thuế không thể thanh tra, kiểm tra lại kết luận của Kiểm toán Nhà nước