Cởi bỏ rào cản, kéo giảm chi phí logistics

(BKTO) - Tại Hội nghị toàn quốc về Logistics - Các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông được tổ chức vào ngày 16/4, nhiều chuyên gia nhận định, chi phí logistics ở Việt Nam còn quá cao, trong đó, chi phí vận tải luôn chiếm tỷ lệ cao nhất. Vì vậy, một trong các giải pháp được đưa ra là ngành giao thông vận tải (GTVT) cần cắt bỏ các điều kiện kinh doanh vận tải bất hợp lý để giảm chi phí logistics.



Phí logistics còn cao

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân hằng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14 - 16%. Đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc trong thời gian qua. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm nhất là chi phí logistics của Việt Nam còn ở mức cao (tương đương 20,9 % GDP), đứng thứ 4 trong số các nước ASEAN. Trong đó, chi phí logistics liên quan đến lĩnh vực GTVT chiếm khoảng 59%.

Theo tính toán của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện vận chuyển một container hàng hóa từ cảng Hải Phòng về Hà Nội (và ngược lại) chỉ khoảng 100km, nhưng chi phí đắt gấp 3 lần so với vận chuyển một container từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.
Nhiều lý do khiến chi phí logistics còn ở mức cao. Bộ GTVT thừa nhận, dù logistics là ngành kinh tế quan trọng nhưng thời gian qua, ngành này chưa được Bộ quan tâm đúng mức. Điều đó dẫn đến việc logistics phát triển chưa tương xứng tiềm năng và bộc lộ nhiều nhược điểm.

Từ góc độ DN, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp cho biết, chi phí logistics đang ở mức cao do chi phí vận tải đường bộ quá cao; phụ phí tại cảng biển chưa kể các loại phí liên quan đến phí sử dụng kết cấu hạ tầng cảng biển, kiểm tra chuyên ngành. “Hàng nghìn mặt hàng phải qua kiểm tra chuyên ngành, tỷ lệ hàng hóa phải qua kiểm tra 2-3 lần, chiếm 58%. Mỗi năm DN phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công, với chi phí 14.300 tỷ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành”, ông Hiệp nói.

Còn theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nguyên nhân khiến chi phí logistics cao còn bắt nguồn từ việc các hãng tàu tự “đẻ” ra các khoản thu vô lý đối với DN. Trong đó, bất hợp lý nhất là các phụ phí: khai báo trọng lượng (300.000 - 500.000 đồng/lô hàng), phí truyền dữ liệu (750.000 - 850.000 đồng/lô) từ đại lý Việt Nam cho đại lý nước ngoài qua website.

Mạnh dạn cắt bỏ điều kiện kinh doanh bất hợp lý

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để gia tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, ngành logistics Việt Nam cần sớm tìm "sợi dây" liên kết và phải có giải pháp đột phá so với điều kiện thực tế. Trong đó, việc cắt giảm phí vận tải là quan trọng, vì yếu tố này ảnh hưởng lớn đến tổng chi phí dịch vụ logistics và dễ phát sinh tiêu cực. Bởi vậy, Nhà nước cần cắt giảm chi phí chính thức và minh bạch hóa phí BOT, xóa bỏ các chi phí ngầm trong vận tải đường bộ.

Bên cạnh đó, Phó Tổng Thư ký, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động VCCI Trần Thị Lan Anh khẳng định, ngành nghề kinh doanh logistics vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Ví dụ, Nghị định số 160/2016/NĐ-CP yêu cầu trong lĩnh vực vận tải biển, lai dắt tàu biển, DN phải có bộ phận hoạt động quản lý kinh doanh, khai thác vận tải biển, bộ phận thực hiện công tác pháp chế… Những điều kiện này đang can thiệp quá sâu vào hoạt động của DN và cũng không thể đáp ứng được mục tiêu quản lý nhà nước.

Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung nhìn nhận, lĩnh vực GTVT vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh, trong đó có những điều kiện vô lý. Vì vậy, Bộ GTVT cần phải bỏ ít nhất 1/2 điều kiện kinh doanh hiện có của ngành này. Tuy nhiên, việc bỏ điều kiện kinh doanh không hề dễ dàng, điều này đòi hỏi Bộ trưởng phải rất quyết liệt, thậm chí phải áp đặt là cắt giảm bao nhiêu phần trăm thủ tục hành chính.

Trước ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, sau Hội nghị này, Bộ sẽ trình Thủ tướng Dự thảo Chỉ thị về Phát triển logistics. Riêng về cắt giảm điều kiện kinh doanh, Bộ GTVT đã rà soát và sẽ báo cáo Thủ tướng cắt giảm 372 thủ tục, điều kiện kinh doanh (tương đương 61,5%).

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, mục tiêu phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, bao gồm: tỷ trọng đóng góp của dịch vụ này vào GDP đạt 8% - 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15% - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ đạt 50% - 60%, chi phí giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics trên thế giới đạt thứ 50 trở lên. Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương có các giải pháp mạnh mẽ nhằm giảm chi phí logistics thấp hơn nữa. Các đơn vị cần bãi bỏ những điều kiện kinh doanh đang là rào cản. Phải giảm chi phí, nhất là các chi phí không chính thức” - Thủ tướng chỉ đạo.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 16 ra ngày 19-4-2018
Cùng chuyên mục
Cởi bỏ rào cản, kéo giảm chi phí logistics