Nhiều trở ngại…
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bùi Văn Ga, Luật GDĐH năm 2012 đã quy định nhiều điểm mới cho phát triển GDĐH, như: tự chủ; kiểm định chất lượng; liên kết đào tạo đối với các cơ sở GDĐH… Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật đến nay bộc lộ nhiều bất cập cần điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp, trong đó có quy định về tự chủ cho các cơ sở GDĐH.
Nói rõ hơn về những bất cập này, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho rằng, trong Luật cũng như các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, mô hình trường ĐH, học viện chưa được định nghĩa đầy đủ, phân biệt rõ ràng. Thực tế này dẫn đến sự vận dụng tùy tiện, thiếu nhất quán, thậm chí có những nhận thức sai lệch như phân biệt đẳng cấp qua tên gọi.
Mặt khác, gắn liền với mô hình tự chủ của các cơ sở GDĐH, đó là cơ chế quản trị ĐH, vai trò của Bộ chủ quản và Hội đồng trường cũng như quyền và trách nhiệm của cơ sở GDĐH, tuy nhiên, các vấn đề này đều chưa được làm rõ trong Luật hiện hành. “Ngoài ra, vẫn còn khá nhiều quy định trong Luật GDĐH chưa hợp lý, gây ra những rào cản trong quá trình thực hiện tự chủ của các trường” - ông Sơn nói.
Trong khi đó, theo GS.TSKH Đặng Ứng Vận (Trường ĐH Hòa Bình), việc giao quyền tự chủ cần phải đi kèm với trách nhiệm. Quyền tự chủ được giao càng lớn thì trách nhiệm của nhà trường phải càng cao và trách nhiệm giám sát của Nhà nước, xã hội càng quan trọng. Tuy nhiên, những vấn đề này chưa được ghi nhận trong các văn bản có liên quan, tạo ra sự lúng túng trong đánh giá cơ sở giáo dục.
Từ những bất cập nêu trên, Bộ GD&ĐT cho rằng, đã đến lúc cần sửa đổi, bổ sung quy định của Luật hiện hành. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua đề xuất của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT nhiệm vụ xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Tuy nhiên, nội dung sửa đổi ra sao vẫn là những vấn đề cần được các chuyên gia, người dân góp ý, phản biện để hoàn thiện chính sách.
Phân bổ ngân sách theo cơ chế đặt hàng “đầu ra”
Thời gian qua, ngành Giáo dục đã thực hiện đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH, cùng với đó là những chính sách thúc đẩy sự phát triển của các trường. Tuy nhiên, nhìn chung tác động của các chính sách này vẫn chưa đủ mạnh. Ngay cả những trường được thí điểm tự chủ phần “thu” vẫn bị hạn chế rất nhiều về phần “chi”, ví dụ như quyền quyết định lương cho giảng viên, mua sắm tài sản, trang thiết bị…
Mặt khác, do cơ chế tài chính cho GDĐH chưa được quy định rõ đã gây ra nhiều khó khăn cho các trường. Luật cũng không đưa ra những nguyên tắc căn bản trong cấp phát, phân bổ NSNN nên phần ngân sách dành cho GDĐH vốn hạn hẹp nhưng bị phân bổ dàn trải, không hợp lý. Hơn nữa, kinh phí lại được phân bổ qua nhiều cơ quan chủ quản khác nhau dẫn tới sự thiếu bình đẳng giữa các trường.
Do đó, hướng đến tự chủ toàn diện, cơ chế đầu tư cho GDĐH từ nguồn ngân sách cũng phải đổi mới, khắc phục những bất cập nêu trên và thực hiện đặt hàng theo sản phẩm “đầu ra”, thay vì cấp phát đồng đều.
Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, nguyên tắc căn bản trong tài chính GDĐH là theo lợi ích và hiệu quả. Nhà nước hỗ trợ ngân sách đào tạo và nghiên cứu cho các lĩnh vực nằm trong lợi ích quốc gia; đồng thời, thực hiện các chính sách xã hội, hỗ trợ người học, không phân biệt công - tư. “Nhà nước cần đẩy mạnh đặt hàng theo “gói cam kết đầu ra” đối với cơ sở GDĐH, từ đó tạo đột phá thúc đẩy phát triển nghiên cứu khoa học cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao” - ông Sơn khẳng định.
Nhấn mạnh vai trò của tự chủ tài chính - 1 trong 3 trọng tâm của tự chủ, TS. Đặng Chung Kiên (Trường Đại học Tài chính - Marketing) cho rằng, các cơ sở GDĐH cần được tự quyết định và chủ động trong khai thác, tìm kiếm các nguồn tài chính. Bản thân nhà trường cần đẩy mạnh thực hiện phân cấp cho các đơn vị trong việc mở rộng nguồn thu và khoán chi; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ và cần có quy định trách nhiệm giải trình về tài chính giữa các cấp trong trường; tổ chức thực hiện hoạt động kiểm soát, kiểm tra và công khai tài chính…
Từ thực tế thí điểm cơ chế tự chủ toàn diện từ năm 2014 tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng nhà trường - đề xuất, bổ sung chính sách tự chủ tài chính cho cơ sở GDĐH tương tự như quyền tài chính của DN, tức là nhà trường được tự quyết các vấn đề chi, tiêu, đầu tư... Đặc biệt, việc phân bổ NSNN cần gắn với kết quả kiểm định chất lượng giáo dục. GS.TS Nguyễn Trọng Hoài nhấn mạnh: “Sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước cho từng trường cần được tính toán một cách công khai, minh bạch và ổn định”.
Ngoài ra, Nhà nước có thể hỗ trợ qua một số kênh khác như: chính sách ưu đãi thuế, quyền sử dụng đất, tạo điều kiện cho các trường liên doanh, liên kết với các trường ĐH, tổ chức trong và ngoài nước... để các trường có thêm nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
NGUYỄN LỘC
Theo Tuần Báo ra ngày 05-10-2017