Nông dân cần được hỗ trợ về công nghệ
Khởi nghiệp trong nông nghiệp đang dần trở thành một xu hướng mới tại Việt Nam. Đây được coi là tín hiệu đáng mừng bởi nông nghiệp vốn là một lợi thế đặc biệt của đất nước và khởi nghiệp là phương thức hữu hiệu để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này.
Tuy nhiên, hiện nay, số lượng các DN trong lĩnh vực nông nghiệp còn thấp, chỉ chiếm khoảng 1% tổng số DN hoạt động trên cả nước, chưa đủ để phát triển thành cộng đồng và hệ sinh thái. Sản xuất nông nghiệp đa phần là quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở hạ tầng, canh tác, dịch vụ còn nhiều yếu kém. Bên cạnh đó, các DN mới chỉ chú ý đến sản xuất và chế biến thô chứ chưa chú trọng vào các hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, áp dụng KHCN vào việc canh tác.
Đông đảo người dân và DN quan tâm đến dự Hội nghị
Nhận định trên đã được minh chứng qua thực tiễn. Đơn cử, thanh long của Việt Nam xuất khẩu chỉ được giá 400 USD/tấn. Nhưng sau khi xuất sang Trung Quốc, nhờ việc áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản, chiếu xạ khử trùng nên sản phẩm này được xuất sang châu Âu với giá 3.500 USD/tấn. Rõ ràng, bằng việc chế biến, phân loại, khử trùng một cách khoa học, giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp này đã tăng lên đáng kể.
Khởi nghiệp từ nghề nuôi vịt trời, anh Nguyễn Đăng Cường - chủ trang trại nuôi vịt trời (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) - chia sẻ: Hiện tại, anh đã sử dụng chất thải từ đàn vịt để nuôi thêm cá và trồng lúa hữu cơ, phát triển thành mô hình khép kín. Đặc biệt, sản phẩm vịt trời hiện được đối tác Nhật Bản mời cộng tác, đưa công nghệ chế biến thành sản phẩm vịt trời hun khói. Mỗi con vịt trời nếu bán ở chợ quê có giá 150.000 đồng nhưng qua công nghệ chế biến của Nhật thì giá bán vào khoảng 900.000 đồng/con.
Từ đây, anh Cường đúc rút, việc giúp nông dân khởi nghiệp phải bắt đầu từ thay đổi tư duy của người nông dân. Theo đó, sản phẩm làm ra không phải chỉ để bán trong chợ làng mà phải hướng đến những thị trường lớn hơn. Nông dân rất cần được hỗ trợ về công nghệ, khoa học kỹ thuật, đặc biệt là khâu chế biến để gia tăng giá trị hàng hóa.
Giúp nông dân khởi nghiệp thành công
Theo Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, để người nông dân trở thành những “chiến binh” khởi nghiệp thành công, hành lang pháp lý phải thuận lợi, tạo điều kiện cho họ nắm chắc luật pháp. Đồng thời, việc hỗ trợ nông dân đầu tư công nghệ vào sản xuất nông nghiệp phải gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể. Bên cạnh đó, vốn cho các dự án khởi nghiệp phải bảo đảm sản xuất theo quy mô lớn; thông tin về thị trường cho nông sản phải nhanh nhạy và chính xác.
Ở góc nhìn khác, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, giúp đỡ nông dân khởi nghiệp phải nhìn rộng hơn ở “giải cứu” nông sản, hướng đến xây dựng thành các mô hình kinh doanh, sản phẩm có thể tiêu thụ ở trong nước và trên toàn cầu.
Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự kết nối với những DN hàng đầu trong các lĩnh vực để dẫn dắt; đặc biệt là hỗ trợ nông dân tập trung vào sản phẩm chủ lực, là đặc sản của địa phương, phù hợp với vùng, miền để tìm được thị trường.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, để tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận với thị trường trong khu vực và quốc tế, chúng ta phải ưu tiên cho họ tham gia thị trường mua sắm công. Hàng hóa của DN khởi nghiệp cần được thường xuyên cập nhật, công nhận để họ có thể kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mới của mình ở trong nước và xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, sản phẩm của địa phương nào có chỉ dẫn địa lý thì giá trị hàng hoá được nâng cao. Từ đây, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường (Bộ KH&CN) Trần Xuân Đích cho rằng, một khi nông dân đã xác định được sản phẩm chủ lực của địa phương thì việc áp dụng KHCN phải được chú trọng hơn nữa để tạo ra sản phẩm hàng hoá có giá trị trên thị trường. Nếu làm được như vậy, cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ rất đa dạng và tiềm năng.
Bài và ảnh: LÊ HÒA
Theo tuần báo số ra ngày 21/9/2017