Nhiều tín hiệu khả quan
Năm 2024, hầu hết các địa phương đều được Chính phủ giao vốn ĐTC cao hơn so với năm 2023. Vì vậy, ngoài việc phân bổ và giao kế hoạch vốn từ sớm, các địa phương đều thực hiện xây dựng kịch bản, kiểm soát tiến độ giải ngân, thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn ĐTC, gắn với bảo đảm chất lượng công trình, dự án. Đồng thời, từng địa phương đã phân công cụ thể lãnh đạo theo dõi tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Nhờ đó, kết quả giải ngân vốn ĐTC của nhiều tỉnh, thành phố trong 3 tháng đầu năm 2024 có nhiều tín hiệu khả quan.
Bộ Tài chính cho biết, ước thanh toán vốn ĐTC của cả nước đến hết tháng 3/2024 đạt trên 89.874 tỷ đồng, bằng 12,96% tổng kế hoạch; bằng 13,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ đạt 9,69% tổng kế hoạch và 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Tuy nhiên, vẫn còn 23 Bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân 0%, 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%.
Về việc phân bổ vốn, các địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao trên 35.946 tỷ đồng. Do đó, tổng số vốn đã phân bổ trên 667.640 tỷ đồng, đạt trên 101% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Nếu không tính số vốn giao tăng của các địa phương thì số vốn đã phân bổ là trên 631.690 tỷ đồng, đạt trên 96% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, vẫn còn 20 Bộ, cơ quan Trung ương và 35 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao với tổng số vốn trên 25.654 tỷ đồng, chiếm 3,9% kế hoạch vốn của Thủ tướng Chính phủ giao.
Để phấn đấu giải ngân vốn ĐTC năm 2024 đạt kết quả cao nhất (trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), ngày 22/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 24/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn ĐTC năm 2024 (Công điện số 24).
Giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng vẫn ảnh hưởng đến giải ngân
Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC của cả nước đang theo chiều tích cực, nhưng cũng theo Bộ Tài chính, vẫn còn một số khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án.
Vướng mắc đầu tiên phải kể đến đó là vẫn còn một lượng vốn tương đối lớn chưa được phân bổ. Bên cạnh đó, một số Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã phân bổ chi tiết cho các dự án nhưng không đủ điều kiện, như: Chưa có quyết định phê duyệt dự án, lũy kế vốn vượt kế hoạch ĐTC trung hạn, chưa tuân thủ nguyên tắc phân bổ vốn. Các dự án ODA chưa bố trí kế hoạch theo đúng tỷ lệ vay lại, bố trí khi chưa ký hợp đồng vay lại với Bộ Tài chính, chưa phân bổ kế hoạch vay lại được giao, dự án được phân bổ chưa phù hợp với cơ chế tài chính.
Tỷ lệ bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương đối với các dự án có hỗ trợ từ ngân sách trung ương của nhiều địa phương không đáp ứng tiến độ. Có tình trạng bố trí vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn, vượt phần vốn ngân sách trung ương hỗ trợ và vượt tổng mức đầu tư.
Tiếp đến là vướng mắc liên quan đến các dự án trọng điểm quốc gia. Một số dự án có khả năng giải ngân đang được bố trí kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm thấp hơn so với nhu cầu vốn. Do đó, các Bộ, địa phương đang đề xuất bổ sung kế hoạch vốn.
Việc triển khai đồng thời nhiều dự án giao thông lớn trong cùng khu vực dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu, đặc biệt là vật liệu đất đắp, cát, đá… đối với các dự án tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng là nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân chưa đạt mong muốn. Việc triển khai cơ chế đặc thù về khai thác vật liệu xây dựng thông thường cũng còn nhiều vướng mắc.
Ngoài ra, các vướng mắc đã tồn tại trong thời gian dài đã được Bộ Tài chính cũng như các bộ chuyên ngành báo cáo, như: Cơ chế giao một địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện ĐTC các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương; quy định về trình tự lập, thẩm định kế hoạch ĐTC hằng năm, thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn tại Điều 52, Điều 56 Luật ĐTC và trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch ĐTC trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước theo Điều 46 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ĐTC...); công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư; liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng...
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC trong cả nước, phấn đấu đạt 95% kế hoạch vốn được giao khi kết thúc năm, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải và các địa phương triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC được Chính phủ quy định tại Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải.
Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng theo tiến độ, tập trung xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương khẩn trương xác định đủ nguồn cung vật liệu, phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế đặc thù đã được Quốc hội, Chính phủ cho phép, đáp ứng đủ trữ lượng, công suất theo tiến độ thi công.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC tại các nghị quyết của Chính phủ, Công điện số 24 của Thủ tướng Chính phủ./.