Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ tại buổi tiếp kiến Thủ tướng Lào Xỏn Xay Sỉ Phăn Đon, chiều 08/4, tại Thủ đô Viêng-chăn (Lào).
Báo cáo về mục đích của đoàn công tác, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết tháng 01/2024, Thủ tướng Chính phủ hai nước đã đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào. Hai nước đã ký Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về kế hoạch hợp tác năm 2024, trong đó có rất nhiều nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách của Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Công Thương Lào, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào.
Do đó, chuyến công tác của Bộ Công Thương sang Viêng-chăn lần này là để triển khai ngay các nội dung hợp tác song phương mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp, năng lượng thông qua các hoạt động như làm việc với các doanh nghiệp lớn của Lào, hội đàm với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, hội đàm với Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào, ký Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào và các văn kiện hợp tác trong lĩnh vực quản lý thị trường, chống buôn lậu và đầu tư hệ thống băng tải than.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng báo cáo về kết quả hội đàm với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào và cho biết, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các loại nguyên liệu đầu vào và điện năng từ Lào.
Đến nay, EVN đã ký kết 19 thỏa thuận PPA với các chủ đầu tư để mua điện từ 26 nhà máy thủy điện tại Lào, đạt 89,6% công suất mua bán điện theo cam kết tại Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển các dự án thủy điện, đấu nối hệ thống điện và mua bán điện từ Lào.
Để tiếp tục thúc đẩy mua bán điện giữa Việt Nam và Lào, vừa qua, phía Việt Nam đã và đang tháo gỡ một số vấn đề về khung giá điện và truyền tải. Về khung giá mua điện từ Lào sau năm 2025, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN tính toán, xây dựng khung giá.
Hiện EVN đã hoàn thành và đang lấy ý kiến Hội đồng thành viên. Sau khi nhận được báo cáo của EVN, Bộ Công Thương sẽ thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 4/2024.
Về truyền tải, vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 27/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, trong đó bổ sung quy định về tạm sử dụng rừng để thực hiện các hạng mục công trình tạm phục vụ thi công dự án lưới điện để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Như vậy, khó khăn về giá mua điện và đường dây truyền tải đã cơ bản được tháo gỡ.
Để thúc đẩy hợp tác mua bán điện giữa hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Thủ tướng Lào chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án điện tại Lào; nhanh chóng hoàn tất đầu tư các tuyến đường dây liên kết để xuất khẩu điện từ Lào sang Việt Nam; quy hoạch tổng thể các dự án điện tại Lào có nhu cầu bán điện về Việt Nam để tạo thuận lợi cho đầu tư đường dây liên kết.
Liên quan tới vấn đề mua bán than, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã báo cáo Thủ tướng Lào về nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam từ 60-100 triệu tấn/năm trong những năm tới, nhưng khó khăn hiện nay là vấn đề giá nhập khẩu than từ Lào. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất phía Lào cần tìm các giải pháp để hạ giá bán than từ Lào về Việt Nam ít nhất phải bằng giá thế giới.
Trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên báo cáo với Thủ tướng Lào việc hai bên đã hoàn tất quá trình đàm phán kéo dài 03 năm và đã ký Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào.
Hiệp định đi vào thực thi sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thương mại giữa Việt Nam - Lào; đưa ra các ưu đãi đặc biệt về thuế suất thuế nhập khẩu đi trước lộ trình giảm thuế của Việt Nam và Lào trong ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại Việt Nam - Lào.
Với những nỗ lực rất lớn của các Bộ ngành và doanh nghiệp hai nước, hai bên liên tục hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kim ngạch thương mại từ 10-15%/năm. Để thúc đẩy hợp tác song phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã kiến nghị Thủ tướng Lào về việc hai bên cần thường xuyên gặp gỡ, trao đổi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị Thủ tướng Lào quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện cho việc triển khai một cách có hiệu quả các cam kết, thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa hai bên, bao gồm: Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào (mới ký kết), Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào, Bản ghi nhớ trong lĩnh vực quản lý thị trường.
Đồng thời tiếp tục rà soát, trao đổi để sửa đổi, bổ sung Thỏa thuận Hà Nội năm 2007 và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào; tiếp tục tăng cường, mở rộng hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực quan trọng như xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, phát triển chuỗi liên kết công nghiệp giữa hai nước; tổ chức Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào lần thứ 13 tại Việt Nam trong thời gian tới.
Đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, Bộ Công Thương Lào thời gian qua, Thủ tướng Lào nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Lào luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Việt Nam.
Thủ tướng Xỏn Xay Sỉ Phăn Đon yêu cầu hai bên cần tích cực trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm; tập trung tìm các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hai nước để nâng cao hiệu quả hợp tác về thương mại, công nghiệp năng lượng và khoáng sản phù hợp với nhu cầu và tiềm năng của mỗi nước./.