Đánh giá cao sự cải thiệncủa các địa phương
Ông Michael Greene - Giám đốc USAID nhấn mạnh, qua 13 năm, PCI đã thành “hàn thử biểu” đo năng lực điều hành kinh tế của các địa phương, là tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân, hơi thở của cuộc sống kinh tế và là bức tranh phản chiếu môi trường sinh thái cho khởi nghiệp ở Việt Nam trong mắt các DN.
Từ kết quả điều tra 10.245 DN dân doanh cho thấy, “quán quân” được cộng đồng DN vinh danh trong Bảng xếp hạng PCI 2017 là Quảng Ninh (đạt 70,69/100 điểm) - địa phương liên tục đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước kể từ năm 2013. Trong 5 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung cải cách hành chính qua việc vận hành mô hình Trung tâm Hành chính công và thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, từ đó rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí cho các DN. Đứng thứ hai trong Bảng xếp hạng là TP. Đà Nẵng (đạt 70,11 điểm) - địa phương được các DN đánh giá tương đối tích cực về giải quyết thủ tục hành chính và liên tiếp dẫn đầu Bảng xếp hạng trong suốt 4 năm trước. Xếp vị trí thứ 3, cùng trong nhóm “Rất tốt” với Quảng Ninh và TP. Đà Nẵng là tỉnh Đồng Tháp với 68,78 điểm…
Kết quả tổng thể cho thấy, các địa phương đã có sự cải thiện đáng kể về chất lượng điều hành kinh tế theo thời gian. Năm 2017, tỉnh xếp thứ hạng ở giữa Bảng (tỉnh trung vị) có điểm số PCI đạt 60,2 - đây là mức điểm cao nhất mà 1 tỉnh trung vị đạt được kể từ khi bắt đầu điều tra PCI đến nay. Trong số 63 tỉnh, thành phố, chỉ có duy nhất 1 tỉnh không ghi nhận được sự cải thiện về điểm số qua các năm là Lạng Sơn. Những tỉnh được cộng đồng DN đánh giá có sự cải thiện lớn nhất qua các năm là: Bạc Liêu, Hà Tĩnh, Thái Bình, Quảng Ninh và Long An.
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - bình luận: Mặc dù điểm số PCI trung vị được cải thiện nhưng đang có sự chững lại của các địa phương thuộc nhóm tiên phong với điểm số chỉ quanh ở mức 70/100. Điều này cho thấy cải cách cần có thêm những động lực mới mà đột phá là cải cách thủ tục hành chính ở cấp các Bộ, ngành T.Ư để có thể nâng trần thể chế, tạo thêm dư địa cho cải cách ở cấp địa phương và cơ sở.
Những xu hướng nổi bật
4 xu hướng nổi bật trong môi trường kinh doanh của Việt Nam từ năm 2016-2017 được các chuyên gia nghiên cứu PCI 2017 chỉ ra là: chi phí không chính thức giảm, thủ tục hành chính được cải thiện, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất có chiều hướng khó khăn hơn, an ninh trật tự được đảm bảo nhưng có vấn đề DN lo ngại là tình trạng trộm cắp.
Cụ thể, về chi phí không chính thức, sau nhiều năm liên tục tăng, năm 2017 ghi nhận có sự giảm đáng kể ở 3 chỉ tiêu đo lường về tham nhũng. Thế nhưng, vẫn có 59% DN cho biết họ vẫn phải trả các chi phí không chính thức và 28% DN vẫn chưa hài lòng với kết quả giải quyết công việc của các công chức.
Về thủ tục hành chính, lần đầu tiên trong suốt nửa thập kỷ qua, lĩnh vực này ghi nhận có sự cải thiện rõ rệt: chỉ 30% DN cho biết phải dành trên 10% thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật; 72% DN tại tỉnh trung vị đánh giá các cán bộ công chức giải quyết công việc hiệu quả; 52% DN cho rằng thủ tục giấy tờ đơn giản và 92% cho biết phí, lệ phí được công khai. Đây đều là những con số cao kỷ lục từ trước đến nay.
Về tiếp cận đất đai, tỷ lệ DN được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2017 thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục từng được ghi nhận trong năm 2012, 2013. 44% DN cho biết họ gặp phải rất nhiều phiền hà trong các thủ tục giải phóng mặt bằng, bồi thường cho người dân hay các thủ tục quy định khác của tỉnh; 32% DN đánh giá quy hoạch đất đai của tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của DN; 25% DN nhận định việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng. Như vậy, DN ngày càng gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, mở rộng mặt bằng kinh doanh và họ cảm thấy mức độ rủi ro bị thu hồi đất gia tăng.
Về tình hình an ninh trật tự, tuy có tới 56% DN đánh giá tình hình an ninh, trật tự tại địa phương là tốt nhưng vẫn có tới 14,5% DN cho biết họ bị trộm cắp hoặc đột nhập trong năm vừa qua và họ tiếp tục bày tỏ mối lo ngại về vấn đề này. Điều tra cho thấy, trung bình giá trị tài sản bị mất khoảng 15 triệu đồng/DN nhưng có DN bị mất tài sản có giá trị lên đến trên 500 triệu đồng. Đây là con số không nhỏ, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa.
Kết quả nghiên cứu còn cho thấy, chất lượng cơ sở hạ tầng ở hầu hết các tỉnh, thành phố đều đã có sự cải thiện. Sau khi giảm điểm trong giai đoạn 2011-2014, đến năm 2017 chỉ số này đã đảo chiều tăng điểm trở lại và đạt điểm số cao kỷ lục 66,4 điểm.
Đồng thời, chất lượng các khu, cụm công nghiệp cũng được đông đảo DN đánh giá hài lòng. Chất lượng các dịch vụ tiện ích cũng ngày càng gia tăng. Gần 100% có thể tiếp cận các dịch vụ điện thoại và điện với giá phải chăng. 78% DN ở tỉnh trung vị đánh giá chất lượng dịch vụ điện thoại là Tốt hoặc Rất tốt. Cung cấp điện năng xếp thứ hai với 74% DN hài lòng...
HỒNG THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 13 ra ngày 29-3-2018