Đại diện Tập đoàn T&T Group trao ủng hộ 5 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN
Kinh doanh đi đôi với trách nhiệmxã hội
Để chung tay cùng với đất nước, đồng thời thể hiện mục đích kinh doanh đi đôi với trách nhiệm xã hội, trong thời gian qua, các DN của Việt Nam đã đồng hành cùng Chính phủ, đóng góp hàng trăm, nghìn tỷ đồng, cùng những hành động cấp thiết, có ý nghĩa thực tiễn nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19.
Ngay từ những ngày đầu của đợt dịch, sự tham gia chủ động của Hãng hàng không Vietjet đã thể hiện sự quyết tâm hỗ trợ cộng đồng, với hàng nghìn chuyến bay được khẩn trương thực hiện, trong đó rất nhiều chuyến bay không tải một chiều đưa đồng bào ta ở nước ngoài về nước, khách quốc tế cũng được giải tỏa về nước, không ai bị kẹt lại. Vietjet cho biết, chi phí bù lỗ cho những chuyến bay này lên tới vài trăm tỷ đồng, cùng với nỗ lực lớn để đảm bảo an toàn bay lẫn phòng, chống dịch của phi hành đoàn.
Vingroup cũng là một trong những DN tiên phong, ngay từ đầu dịch đã hỗ trợ 20 tỷ đồng cho việc nghiên cứu vắc-xin, 100 tỷ đồng bổ sung trang thiết bị cho các bệnh viện, quyết định tài trợ một chuyến bay đưa hơn 200 người Việt từ Ukraine về nước. DN này còn tuyên bố dừng sản xuất ô tô để chuyển sang sản xuất máy thở, đồng thời tặng Nhà nước 5.000 máy. Những nghĩa cử đó được đánh giá là hành động kịp thời cả về mặt dịch tễ và công nghệ. Máy thở đang là mặt hàng khan hiếm, nên việc chủ động sản xuất tại Việt Nam là bước tiến lớn, góp phần chủ động trong việc chống dịch.
Mới đây, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp nhận từ DN Xuân Trường (Ninh Bình) số tiền ủng hộ 10 tỷ đồng; Công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn Shinhan Việt Nam ủng hộ 200 triệu đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long ủng hộ 5 tỷ đồng; Tập đoàn Nagakawa ủng hộ 60.000 khẩu trang vải kháng khuẩn 3 lớp trị giá 1 tỷ đồng… Ngoài ra, các ngân hàng: HDBank, Vietcombank, BIDV, Techcombank… cũng đã trao hàng chục tỷ đồng để chung tay chống dịch. “Mọi đóng góp lớn lao hay bé nhỏ đều không kém phần trân quý. Tất cả đã và đang kết nối tình người, kết nối một vòng tay lớn, toàn dân một lòng vì công cuộc chống dịch. Đó cũng chính là triết lý sống cho đi mà không mong nhận lại điều gì" - đại diện Ngân hàng HDBank chia sẻ.
Y, bác sĩ nghỉ hưu, sinh viêny khoa sẵn sàng “ra trận”
Bên cạnh những hỗ trợ kịp thời của các tổ chức, cá nhân, DN trong việc phòng, chống dịch bệnh thì còn có những tấm lòng cao cả của các y, bác sĩ cùng rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm thầm lặng chiến đấu với đại dịch để bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Đặc biệt, phải kể đến hàng trăm y, bác sĩ nghỉ hưu đã xung phong tình nguyện tham gia “trận chiến” đầy cam go này. Chia sẻ về việc tình nguyện tham gia chống dịch, bà Nguyễn Thị Khuyên - nguyên Trạm trưởng Trạm y tế phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) - chia sẻ, bản thân có kiến thức về y tế, lại là cán bộ tổ dân phố nên phù hợp để tham gia cùng với địa phương. Không chỉ riêng bà mà nhiều bác sĩ, y tá, điều dưỡng đã nghỉ hưu cũng sẵn sàng tham gia cùng các lực lượng của địa phương để ngăn ngừa, tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Là người công tác trong ngành y hơn 30 năm cho đến lúc nghỉ hưu, bác sĩ Tạ Thị Minh Phượng (Xuân Đỉnh, Hà Nội) cho biết, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, dù đã về hưu nhưng với vai trò là một chiến sĩ áo trắng, đồng thời là một công dân của đất nước nên bà muốn đóng góp 1 phần sức lực và trí tuệ của mình để cùng toàn dân nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. “Kể cả khi chưa có những lời kêu gọi, bản thân tôi luôn suy nghĩ là bất cứ khi nào đất nước cần đến tôi cũng luôn sẵn sàng. Mình là người cao tuổi, không thể xông pha tuyến đầu, nhưng có thể ở hậu phương để cố vấn, chăm sóc sức khoẻ của các bệnh nhân F3, F4” - bác sĩ Phượng chia sẻ.
Cùng với đó, thời gian qua, với kiến thức chuyên môn được học, sinh viên của nhiều trường y khoa đã tình nguyện tạm “gác” sách vở, rời giảng đường, sẵn sàng vào “cuộc chiến” phòng, chống dịch, bảo vệ cộng đồng. Đơn cử như tại tỉnh Thái Bình, đã có hàng trăm sinh viên năm cuối đang theo học điều dưỡng viên, bác sĩ thuộc Cao đẳng Y tế Thái Bình và Đại học Y Dược Thái Bình đã đăng ký tình nguyện, sẵn sàng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh. Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho biết, mặc dù là những sinh viên năm cuối đã có những kiến thức y tế tốt về phòng, chống dịch song khi đưa các em về bổ sung lực lượng cho các khu cách ly tập trung, khu y tế điều trị, ngành y tế tiếp tục tập huấn kiến thức cho các em nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả. Theo chia sẻ của các bạn sinh viên, với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, được tham gia vào đội ngũ phòng, chống dịch là niềm vui, niềm tự hào và trách nhiệm với cộng đồng của những bác sĩ tương lai khi được góp phần cùng cả nước chung tay với mục tiêu sớm chấm dứt được đại dịch, trả lại cho người dân cuộc sống yên bình vốn có.
LÊ HÒA