Quang cảnh Hội nghị - Ảnh: Hồng Thoan
Theo Thứ trưởng Lê Quang Mạnh: Trong vai trò cơ quan tham mưu trưởng của Chính phủ về phát triển kinh tế, từ đầu năm 2018, Bộ KH&ĐT được Chính phủ giao nhiệm vụ hết sức quan trọng là xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0.
Triển khai nhiệm vụ này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT trong chuyến công tác tại Mỹ hồi tháng 4/2018 đã có cuộc trao đổi với các Giáo sư hàng đầu của một số trường Đại học nổi tiếng, trong đó có đặt vấn đề Việt Nam đứng ở phía sau về kinh tế trí tuệ nhân tạo (AI) thì có chiến lược nào, cách làm nào để Việt Nam có thể bắt kịp được xu thế và trở thành nước tiên tiến về kinh tế trí tuệ nhân tạo.
Trao đổi tại Hội nghị Vietnam CEO Summit 2018, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho rằng, những ý kiến chia sẻ, gợi mở của các chuyên gia hàng đầu thế giới về kinh tế trí tuệ nhân tạo sẽ rất hữu ích đối với việc xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 của Việt Nam.
Đề cập đến quan điểm của Chính phủ về phát triển trí tuệ nhân tạo, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh nêu rõ, trước hết, Chính phủ cho rằng, đây là cơ hội hết sức quan trọng đối với đất nước. CMCN 4.0 là vận hội mới, nếu không nắm bắt được, quá trình tụt hậu của đất nước sẽ tiếp tục bị mở rộng. Việc tranh thủ sự phát triển của CMCN 4.0 là con đường ngắn nhất để đưa đất nước đi lên hiện đại, thịnh vượng. Do đó, trong thời gian sắp tới, Chính phủ sẽ đánh giá lại và đưa ra những chính sách cụ thể nhất để làm sao tranh thủ được cơ hội này.
Thứ hai, Việt Nam cần có cái nhìn tích cực về công nghệ và sáng tạo, coi công nghệ và sáng tạo là cơ hội nhưng cũng là thách thức để giải quyết các vấn đề phát triển hiện nay. Do vậy, chúng tôi sẽ tập trung các điều kiện tốt nhất để tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho công nghệ và sáng tạo phát triển. Thực tế, trong nhiều năm qua, chúng ta đã đặt ra yêu cầu phát triển khoa học công nghệ, kinh tế tri thức nhưng đến nay kết quả đạt được còn rất khiêm tốn. Với bối cảnh mới, điều kiện mới, Chính phủ cho rằng sẽ phải có những thay đổi để tạo môi trường cho công nghệ và sáng tạo phát triển.
Thứ ba, trong Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, AI hay CMCN 4.0 sẽ là giải pháp chủ đạo cho việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thứ tư, cơ hội CMCN 4.0 sẽ giúp cho việc cải cách thể chế và việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, chuyển đổi bộ máy quản lý của nhà nước sang hình thức kinh tế số, gồm cả tư duy quản lý và cả công cụ quản lý. Đây cũng là điều kiện tiên quyết và Chính phủ sẽ gánh vác vai trò tiên phong trong cuộc CMCN 4.0 này tại Việt Nam. Để thực hiện Chiến lược này, Chính phủ cần phải mở rộng tất cả các mối quan hệ hợp tác rộng rãi với các quốc gia, đối tác công nghệ hay các trung tâm công nghệ hàng đầu, các DN tiên tiến, các nhà khoa học… để Việt Nam có cơ hội tiến xa hơn.
Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết, tại Hội nghị, Bộ KH&ĐT lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, cộng đồng DN để nắm bắt được nếu Chính phủ có một Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 thì sự tham gia của Chính phủ để hỗ trợ cho cộng đồng DN như thế nào.
Tuy nhiên, ông Lê Quang Mạnh cũng bày tỏ quan điểm, có thể vai trò của Chính phủ bước đầu là xây dựng môi trường thuận lợi hơn, tạo xúc tác, khuyến khích DN, nhưng nguyên tắc quan trọng là “người chơi chính” của cuộc CMCN 4.0 hay của kinh tế trí tuệ nhân tạo phải là “cộng đồng DN” - những người có sức sáng tạo lớn nhất của đất nước, là cộng đồng đưa nền kinh tế này qua được các bẫy thu nhập trung bình, đưa đất nước phát triển.
Vì vậy, vai trò chủ đạo phải là cộng đồng DN. “Với tính năng động rất cao, khả năng thích ứng nhạy bén với những thay đổi của thị trường, chắc chắn cộng đồng DN Việt Nam sẽ không bỏ lỡ cơ hội phát triển này của đất nước. Chỉ có tận dụng hiệu quả cơ hội này, chúng ta mới vượt được qua thách thức bị tụt hậu, thu hẹp khoảng cách và từ đó bắt kịp, đi cùng và vượt lên về công nghệ, kinh tế” - Thứ trưởng Lê Quang Mạnh nhận định.
PHÚC KHANG