Công khai minh bạch thủ tục hành chính để người dân giám sát

(BKTO) - Năm 2022, chỉ số PARINDEX của Thành phố Hà Nội xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 7 bậc so với năm 2021.

1dsytfh.png
Hà Nội duy trì năm thứ 5 liên tiếp nằm trong top 5 thành phố trực thuộc Trung ương có Chỉ số hài lòng cao. Ảnh minh họa 

5/10 tiêu chí vượt cao hơn chỉ tiêu so với kế hoạch đặt ra

Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra theo Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy, Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2021-2025 của Thành phố đều đã được thực hiện và đảm bảo theo đúng kế hoạch. Đặc biệt, có 5/10 tiêu chí vượt cao hơn chỉ tiêu so với kế hoạch đặt ra; các nhiệm vụ đều đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch.

Thành phố đã sớm ban hành các Kế hoạch, văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác CCHC, cải thiện Chỉ số PARINDEX, SIPAS, PAPI. Đồng thời, luôn cải tiến phương pháp theo dõi, đánh giá kết quả CCHC qua việc triển khai đánh giá trên Hệ thống phần mềm trực tuyến của Thành phố.

Cùng với đó, Thành phố ban hành Khung chỉ số đánh giá kết quả CCHC áp dụng đối với các Phòng chuyên môn trực thuộc UBND cấp huyện và UBND xã, phường, thị trấn; kiểm tra CCHC, trong đó tập trung kiểm tra những nội dung tồn tại, hạn chế tại kết quả Chỉ số PARINDEX, SIPAS, PAPI hàng năm; kết hợp kiểm tra định kỳ với kiểm tra đột xuất không báo trước.

Kết quả cho thấy, chỉ số PARINDEX năm 2021, 2022 của Hà Nội đứng trong top 10, đặc biệt năm 2022, chỉ số PARINDEX của thành phố xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 7 bậc so với năm 2021. Chỉ số SIPAS của Thành phố tiếp tục duy trì năm thứ 5 liên tiếp đạt trên 80%, xếp vào nhóm 5 thành phố trực thuộc Trung ương có Chỉ số hài lòng cao.

Thay đổi nhận thức, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số

Tuy chỉ số CCHC của Thành phố tăng về điểm số và thứ hạng, nhưng một số chỉ tiêu thành phần có dấu hiệu suy giảm, trong đó có chỉ số về công tác chỉ đạo điều hành CCHC xếp hạng 31/63 tỉnh, thành phố; tụt 16 bậc so với năm 2021.

Năm 2022, chỉ số PAPI của Thành phố sụt giảm cả về điểm số và thứ hạng, so với năm 2021, chỉ số tổng hợp PAPI 2022 giảm 3 bậc và có tới 5/8 chỉ số thành phần giảm. Chỉ số PCI năm 2022 cũng tụt 10 bậc so với năm 2021, đứng ở vị trí 20/63 tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, vẫn chưa có cơ chế hữu hiệu trong kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về CCHC, cũng chưa có những biện pháp xử lý hữu hiệu đối với những trường hợp chậm thực hiện.

Nhận thức của người đứng đầu tại một số cơ quan, đơn vị, đặc biệt ở cấp xã về công tác CCHC còn hạn chế. Tính chủ động trong tham mưu, đề xuất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp ở một số cơ quan, đơn vị, bộ phận, cá nhân còn yếu.

Cổng dịch vụ công Thành phố và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử của Thành phố đang vận hành giai đoạn đầu, gây khó khăn cho các đơn vị trong việc thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC, công việc liên quan đến số hóa hồ sơ, giấy tờ; đánh giá chất lượng giải quyết TTHC theo quy định...

Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến “tại nhà” còn thấp. Thói quen và trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của người dân tại một số huyện ngoại thành còn chưa cao, phần lớn là người cao tuổi đi thực hiện TTHC...

Theo Phó Chủ tịch UBND Hà Minh Hải, UBND Thành phố đã nhận thức rõ tầm quan trọng và đang triển khai với mong muốn các sở, ngành, cán bộ làm trực tiếp phải thay đổi nhận thức, đổi mới sáng tạo, nhất là trong chuyển đổi số.

Mỗi sở, ngành, đơn vị cần có nhận thức đầy đủ, tư duy sáng tạo, làm thực chất; xây dựng bộ tiêu chí trong lĩnh vực CCHC, xác định sản phẩm cuối cùng để đánh giá, ông Hà Minh Hải nhấn mạnh.

Thời gian tới, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo lần lượt công khai các quy trình, thủ tục hành chính, nhân sự (trừ lĩnh vực pháp luật quy định cấm) thực hiện với mục đích công khai minh bạch để người dân giám sát, đồng thuận thực hiện./.

Cùng chuyên mục
Công khai minh bạch thủ tục hành chính để người dân giám sát