Công nghiệp bán dẫn sẽ đóng góp lớn cho GDP

(BKTO) - Ước tính đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn và tạo ra 154.000 việc làm gián tiếp, đóng góp 360.000 tỷ đồng vào GDP.

ban-dan.jpg
Dự báo công nghiệp bán dẫn sẽ đóng góp lớn cho GDP của Việt Nam. Ảnh minh họa

Việt Nam có nhiều lợi thế

Con số trên được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Duy Đông chia sẻ trong bối cảnh hiện có nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tận dụng nguồn nhân lực trẻ, có trình độ tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Nhận thấy tầm quan trọng và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới, Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đang được xây dựng với nhiều mục tiêu, giải pháp cụ thể.

Trong vai trò cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Đề án xác định đến năm 2030, kỹ sư Việt Nam tham gia sâu vào quy trình thiết kế, công đoạn đóng gói và kiểm thử, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử; từng bước nắm bắt được công nghệ của ngành công nghiệp bán dẫn trong từng công đoạn sản xuất.

Đề án có tầm quan trọng rất lớn, đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược và sự hiểu biết thấu đáo về mối quan hệ chặt chẽ giữa công nghiệp điện tử và công nghiệp bán dẫn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Cụ thể, Việt Nam phấn đấu đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Trong đó, có 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực khác của ngành công nghiệp bán dẫn; tối thiểu 5.000 kỹ sư trong số đó có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI). Đào tạo được khoảng 1.300 giảng viên có trình độ quốc tế.

Hiện nay, việc ứng dụng AI để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và ngược lại đang ngày càng phổ biến, trở thành xu thế không thể đảo ngược, Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như NVIDIA, Google, Meta, Apple, Microsoft… đã tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Vì vậy, trong số 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, cần có ít nhất 5.000 nhân sự có trình độ chuyên môn sâu về AI.

Nêu lý do vì sao Việt Nam nên bắt đầu từ khâu đóng gói và kiểm thử, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo báo cáo của Hiệp hội bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), giá trị của công đoạn thiết kế chiếm khoảng 53%, công đoạn đóng gói kiểm thử chiếm 6%, công đoạn sản xuất và công đoạn khác chiếm khoảng 41%. Trong khi đó, về chi phí đầu tư, theo tính toán của SIA, đầu tư cho công đoạn thiết kế chiếm 20%, còn chi phí đầu tư cho sản xuất là rất lớn và đòi hỏi kèm theo đó nhiều cơ chế chính sách vượt trội.

Ngoài lý do chi phí đầu tư hợp lý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu thêm, trong khâu đóng gói, kiểm thử và một số công đoạn khác, chúng ta có lợi thế do có nhiều doanh nghiệp FDI lớn đang tham gia, hơn nữa các khâu này cần nhiều nguồn nhân lực.

Mặc dù công đoạn này chiếm giá trị không lớn trong chuỗi giá trị ngành bán dẫn nhưng so với Việt Nam thì giá trị rất đáng kể, đặc biệt với vai trò quan trọng của ngành công nghệ đóng gói hiện nay, nhiều nền kinh tế, doanh nghiệp cũng muốn tham gia vào lĩnh vực này.

Vì vậy, khuyến nghị phù hợp được Bộ trưởng KHĐT đưa ra là với bối cảnh hiện nay, giai đoạn đầu Việt Nam nên tập trung đào tạo nguồn nhân lực để tham gia công đoạn thiết kế, đóng gói, kiểm thử và một số công đoạn khác liên quan đến sản xuất thiết bị, vật liệu, hóa chất phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao

Qua khảo sát năng lực đào tạo của các trường đại học lớn có đào tạo các ngành phù hợp, gần với ngành công nghiệp bán dẫn như Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học FPT…, Bộ KHĐT nhận định, hằng năm, mỗi trường đang có khoảng 3.000 - 6.000 sinh viên được đào tạo trong các ngành phù hợp, ngành gần với ngành công nghiệp bán dẫn, do đó mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư đến năm 2030 hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể cao hơn.

cn.jpg
Ngành công nghiệp bán dẫn cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: ST

Đồng thời, trên cơ sở kinh nghiệm thành công của các quốc gia có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển, để hỗ trợ cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần tối thiểu 04 trung tâm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia đặt ở 03 miền Bắc, Trung, Nam và tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC). Cùng với đó là khoảng 18 trung tâm đào tạo bán dẫn tiêu chuẩn ở mức cơ bản đặt tại 18 trường đại học.

Theo chia sẻ của bà Nina Lin - Phó Chủ tịch phụ trách khu vực ASEAN và Đài Loan, Siemens EDA, với những thế mạnh trong ngành công nghiệp bán dẫn, Siemens EDA sẵn sàng hợp tác với các cơ quan Việt Nam, đặc biệt là Bộ KHĐT để thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử bán dẫn.

Thực tế, cách đây 2 tháng, Bộ KHĐT và Siemens EDA đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam. Trong đó, để phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, Siemens EDA sẽ tài trợ bộ phần mềm thiết kế chip và bo mạch tiên tiến nhất của Siemens cho Việt Nam thông qua NIC.

Hơn nữa, Siemens EDA sẽ cung cấp các dịch vụ đào tạo và đồng hành với NIC thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn nói riêng và ngành công nghiệp điện tử bán dẫn nói chung.

Cùng với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn phải phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam và xu hướng, bối cảnh phát triển kinh tế thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần có cơ chế chính sách, giải pháp đột phá, thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.

Theo dự tính, để thực hiện mục tiêu trong Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, tổng mức kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đến năm 2030 khoảng 26.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 17.000 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa khoảng 9.000 tỷ đồng.

Đề cập đến nguồn lực tài chính dành cho phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự kiến nguồn lực bao gồm: ngân sách trung ương, địa phương, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo, cơ sở hỗ trợ đào tạo và các cơ quan, tổ chức, các nguồn vốn ODA và vốn tài trợ trong nước, nước ngoài, các nguồn vốn xã hội hóa hợp pháp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ ban đầu của Nhà nước là yếu tố quan trọng cho sự thành công của ngành công nghiệp bán dẫn và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đào tạo, cần phải dựa trên việc hợp tác 3 bên Nhà nước - viện nghiên cứu, trường đại học - doanh nghiệp, cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Cùng chuyên mục
Công nghiệp bán dẫn sẽ đóng góp lớn cho GDP