Để Kiểm toán Nhà nước luôn có đội ngũ kiểm toán viên “công minh - chính trực - nghệ tinh - tâm sáng”

(BKTO) - Nhận thức được tầm quan trọng của chiến lược con người trong quá trình xây dựng, phát triển, KTNN luôn quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo cán bộ, công chức để hình thành và phát triển năng lực đội ngũ công chức, kiểm toán viên nhà nước, xây dựng hoạt động KTNN ngày càng chuyên nghiệp, có công nghệ kiểm toán cơ bản, hiện đại theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.



Kiểm toán nói chung là một nghề nghiệp mang tính chuyên môn sâu, rộng và yêu cầu cao về đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao tiếp ứng xử. Với các đặc điểm nghề nghiệp và hoạt động như vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng không chỉ chú trọng về chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản, đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại mà còn phải đào tạo, bồi dưỡng cả về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử của kiểm toán viên nhà nước nhằm hình thành đội ngũ KTNN theo phương châm: “Công minh - chính trực - nghệ tinh - tâm sáng”.

Trong quá trình xây dựng, phát triển, KTNN luôn quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạođể hình thành và phát triển năng lực đội ngũ công chức, kiểm toán viên nhà nước - Ảnh: Thanh Tùng
Đội ngũ cán bộ, công chức của KTNN có trình độ cao hơn nhiều so với mặt bằng chung cả nước

Với kết quả đạt được trong hơn 23 năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng của KTNN đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức KTNN với bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, từng bước chuyên nghiệp, tương xứng với yêu cầu của nghề nghiệp và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chức năng, nhiệm vụ và kỳ vọng của Đảng, Quốc hội, và nhân dân đối với KTNN. Đội ngũ kiểm toán viên nhà nước hiện nay là tài sản lớn nhất của KTNN, là nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán cũng như uy tín của ngành.

Kết quả hoạt động đào tạo trong hơn 23 năm qua thể hiện trên tất cả các mặt từ lập kế hoạch (cả chiến lược dài hạn và hàng năm), xây dựng chương trình, tài liệu đến tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Cụ thể là:

Về công tác xây dựng kế hoạch:

Trong từng giai đoạn 5 năm và hàng năm, KTNN đều xây dựng các kế hoạch trung hạn và ngắn hạn để định hướng công tác đào tạo, bồi dưỡng và các nội dung hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trong từng năm và cả giai đoạn. Công tác xây dựng kế hoạch ngày càng được cải tiến, nội dung kế hoạch từng bước được nâng cao và ngày càng đáp ứng được yêu cầu phát triển KTNN.

Về công tác xây dựng đội ngũ giảng viên:

Trong những năm qua, công tác xây dựng đội ngũ giảng viên được chú trọng, hình thành được đội ngũ giảng viên gồm 05 giảng viên cơ hữu, trong đó có 02 giảng viên là phó giáo sư, 01 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 02 giảng viên có trình độ thạc sĩ. Bên cạnh đó là đội ngũ giảng viên kiêm chức, với 41 người gồm các chuyên gia, cán bộ quản lý am hiểu kiến thức lý luận cũng như thực hành nghiệp vụ kiểm toán cả trong và ngoài KTNN.

Về nội dung chương trình đào tạo:

Trong chặng đường 23 năm hoạt động đào tạo, KTNN đã không ngừng nghiên cứu để xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Đến nay, KTNN đã xây dựng được Hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng tương đối toàn diện cho đội ngũ kiểm toán viên nhà nước, gồm 04 chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn theo các ngạch kiểm toán viên nhà nước và 05 chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán theo lĩnh vực và cấp độ.

Điểm nổi bật của Hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng hiện nay là bên cạnh trang bị các kiến thức lý luận nền tảng về tài chính, kế toán, kiểm toán còn bồi dưỡng các kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán gắn với thực tiễn hoạt động của ngành, theo từng loại hình, từng lĩnh vực kiểm toán và theo cấp độ từ cơ bản đến chuyên sâu. Trong chương trình đào tạo, KTNN đặc biệt coi trọng đào tạo bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao tiếp ứng xử cho đội ngũ kiểm toán viên và công nghệ thông tin, bước đầu tiếp cận và ứng dụng những thành tựu của cách mạng 4.0 như các phần mềm kiểm toán, số hóa một số nội dung trong hoạt động kiểm toán, dữ liệu lớn (big data)...

Cho đến nay, KTNN đã có một đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức, viên chức cả nước. Theo số liệu của Ban chấp hành trung ương tại Hội nghị học tập quán triệt Hội nghị TƯ 6 khóa XII của Đảng, đồng chí Phạm Minh Chính - Trưởng ban Tổ chức TƯ cho biết: Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính Việt Nam khoảng 2.124.218 người, trong đó có khoảng 18.750 người có trình độ tiến sĩ, chiếm 0,89%; số người có trình độ thạc sĩ là 138.175 người, chiếm tỉ lệ 6,5%; Đại học khoảng 1.139.077 người, chiếm tỉ lệ 53,62% (Vietnamnet 30/11/2017).

Trong khi đó, đến 31/12/2016, KTNN có 1974 công chức, trong đó: tiến sĩ là 31 người, đạt 1,57%( cả nước 0,89%.); thạc sĩ là 499 người, đạt 25 % ( cả nước 6,5 %) và 100% có trình độ đại học.

Nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng với hai giải pháp đột phá

Đối với KTNN, công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên không chỉ có ý nghĩa chiến lược mà còn có ý nghĩa sống còn. Bởi hoạt động kiểm toán là hoạt động nghề nghiệp mang tính đặc thù, có tính chuyên môn sâu và tính độc lập cao; năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cũng như văn hóa ứng xử của đội ngũ kiểm toán viên quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán, sự tồn tại và uy tín của KTNN.

Công tác đào tạo bồi dưỡng kiểm toán có nhiều khâu, nhiều giải pháp, nhưng có 2 khâu quan trọng, mang tính chất đột phá nhất hiện nay là: xây dựng chương trình đào tạo bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ giảng viên.

Thứ nhất, tập trung xây dựng và hoàn thiện chương trình và tài liệu đào tạo, bồi dưỡng.

Chương trình đào tạo là một yếu tố quan trọng của quy trình đào tạo bồi dưỡng, không có chương trình tốt, đào tạo bồi dưỡng sẽ không mang lại hiệu quả cao.Tập trung mọi nguồn lực để xây dựng và đổi mới chương trình theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất của kiểm toán viên, hài hòa giữa dạy người và dạy nghề. Đổi mới nội dung đào tạo bồi dưỡng theo hướng tinh giản, hiện đại, hệ thống, thiết thực, phù hợp với trình độ năng lực của kiểm toán viên và thực tiễn Việt Nam; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức nghề nghiệp, lối sống, văn hóa giao tiếp ứng xử, tri thức pháp luật, công nghệ thông tin với thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 cho kiểm toán viên. Tập trung vào những kiến thức cơ bản về phương pháp, loại hình, quy trình, chuẩn mực kiểm toán phù hợp với thông lệ và chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Nội dung đào tạo bồi dưỡng nghề nghiệp kiểm toán viên nhà nước xây dựng theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp để hình thành năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ kiểm toán viên. Chuyển mạnh quá trình đào tạo bồi dưỡng từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất đạo đức người học. Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn.

Thứ hai, xây dựng và kiện toàn đội ngũ giảng viên

Việc bảo đảm chất lượng của hoạt động bồi dưỡng cần có những người giáo viên không chỉ am hiểu về lý luận mà còn phải có kinh nghiệm thực tiễn; phải có phương pháp sư phạm. Bởi vì, vấn đề ở đây không chỉ "trồng người" mà còn "gieo việc". Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ có những người giáo viên nắm vững lý luận và "thạo việc" mới có thể huấn luyện được cho cán bộ thạo việc. Điều này càng quan trọng đối với hoạt động đào tạo bồi dưỡng kiểm toán viên. Đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng chuyển từ dạy sang hướng dẫn; từ nghe và tiếp thu một cách thụ động sang tự học, thảo luận theo tổ, nhóm. Chủ yếu là hướng dẫn, trao đổi thông tin, kinh nghiệm công tác; cùng nhau bàn bạc, thảo luận tìm biện pháp giải quyết tối ưu một vấn đề, một tình huống nào đó được đặt ra. Điều này đòi hỏi có sự thay đổi trong nhận thức về vai trò của thầy và trò; giảng viên phải làm chủ các phương pháp giảng dạy và học tập tích cực, ứng dụng công nghệ, phương tiện giảng dạy - học tập hiện đại.

TS. NGUYỄN ĐÌNH HÒA
Quyền Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán
Cùng chuyên mục
Để Kiểm toán Nhà nước luôn có đội ngũ kiểm toán viên “công minh - chính trực - nghệ tinh - tâm sáng”