Công tác điều hành tín dụng đã thực sự kịp thời, hiệu quả?

(BKTO) - Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra công tác điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Yêu cầu này đã và đang tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận. Việc phân giao hạn mức tín dụng đã thực sự khoa học, kịp thời, hiệu quả chưa? Câu hỏi này cùng với một loạt băn khoăn là những điều mà dư luận đang trông đợi lời giải đáp rõ ràng từ cuộc thanh tra sắp tới!

12.jpeg
Yêu cầu thanh tra công tác điều hành tín dụng nhận được nhiều ý kiến đồng tình. Ảnh minh họa

Một quyết định cần thiết

Theo Công văn của Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra việc xây dựng, giao, điều hành chỉ tiêu, hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 và năm 2023, công tác quản lý, giám sát việc thực hiện tăng trưởng tín dụng của NHNN. Yêu cầu thanh tra được đưa ra trong bối cảnh, tăng trưởng tín dụng 11 tháng vẫn “ì ạch”. Đồng thời, yêu cầu ấy càng trở nên “nóng bỏng” khi mà gần đây, một loạt những lỗ hổng trong hoạt động tín dụng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị phơi bày.

Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, thanh tra việc điều hành tín dụng trong năm 2022, 2023 của NHNN là cần thiết. Theo ông Tạo, trên thực tế, tình trạng sở hữu chéo giữa hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) và các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực có độ rủi ro cao như bất động sản với biểu hiện thao túng tín dụng, rót vốn “sân sau”, sử dụng vốn sai mục đích đang tác động xấu đến chất lượng tín dụng, làm gia tăng rủi ro hệ thống.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ sẽ xây dựng Kế hoạch để triển khai thanh tra công tác điều hành tín dụng của NHNN. Đây là nhiệm vụ thanh tra đột xuất, do đó, sắp tới, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ sẽ họp bàn về vấn đề này để có giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Ông Lê Hồng Lĩnh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, tài chính và tổng hợp (Thanh tra Chính phủ)

Sở hữu chéo có thể khiến dòng chảy tín dụng hướng vào những DN rủi ro, không có năng lực trả nợ, trong khi những DN chân chính lại không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Do đó, “cuộc thanh tra sẽ góp phần làm minh bạch vấn đề này, từ đó tạo cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước đề ra các giải pháp nhằm giảm thiểu sở hữu chéo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hệ thống các TCTD. Đơn cử, trong hệ sinh thái của ngân hàng, DN, các cổ đông chiến lược được vay bao nhiêu phần trăm, đây là vấn đề cần được giải quyết, không để xảy ra những vụ việc như SCB và Vạn Thịnh Phát vừa qua” - ông Tạo nhấn mạnh.

Ủng hộ quyết định thanh tra này, trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính - ngân hàng - cho biết: Năm 2022, ngay từ giữa năm, các ngân hàng đã rơi vào tình trạng cạn room tín dụng và phải đề xuất NHNN nới room. NHNN cũng đã vài lần nới room cho các TCTD. Có thể thấy, khan hiếm tín dụng là tình trạng phổ biến trong năm 2022. Ở chiều ngược lại, năm 2023, các ngân hàng lại rơi vào tình trạng thừa vốn mà không cho vay được. “Rõ ràng, với sự biến động của hoạt động tín dụng như vậy, rất cần một bên thứ ba, tức là Thanh tra Chính phủ thực hiện công tác thanh tra và đưa ra phân tích về tình hình tín dụng, việc triển khai các chính sách tín dụng của NHNN” - TS. Hiếu nói.

Những câu hỏi ngỏ

Yêu cầu thanh tra công tác điều hành tín dụng không chỉ nhận được sự đồng tình của ĐBQH, chuyên gia mà còn thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều câu hỏi đang được đặt ra trước thềm cuộc thanh tra này.

Có lẽ, chưa bao giờ như năm 2023, nhiệm vụ đẩy vốn ra nền kinh tế lại trở nên cấp thiết như vậy. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã liên tục ban hành các nghị quyết, công điện… trong đó yêu cầu NHNN có giải pháp kịp thời, hiệu quả nhằm thúc đẩy tín dụng. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã tổ chức một loạt các hội nghị về tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho DN bất động sản, DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông sản xuất khẩu chủ lực… NHNN cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh Chương trình kết nối ngân hàng - DN và có nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ cả bên cung lẫn bên cầu vốn tín dụng. Mặc dù vậy, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 11 mới đạt khoảng 8,4%, cách xa so với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023. Vậy dòng tiền đang hướng về đâu, hướng vào phát triển kinh tế - xã hội hay đi vào “sân sau” của các ngân hàng?

Kết quả kiểm toán cho biết, năm 2022, dư nợ tín dụng xuất khẩu giảm cả về giá trị dư nợ (giảm 5,5%) và tỷ trọng so với nền kinh tế (giảm 17,41%), các lĩnh vực ưu tiên còn lại mặc dù dư nợ có tăng trưởng so với năm 2021 nhưng tỷ lệ tăng trưởng đều thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng chung toàn ngành (14,18%) và tỷ trọng dư nợ của các ngành này so với dư nợ toàn nền kinh tế năm 2022 đều giảm so với năm 2021. Dư nợ cấp tín dụng bất động sản vào cuối năm 2022 tăng 23,9% so với năm 2021, cao gấp 1,7 lần tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành.

Một vấn đề nữa, báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ rõ: Năm 2022, cơ cấu tín dụng chưa hướng vào lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và chưa kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Theo ĐBQH Nguyễn Tạo, kết quả kiểm toán này tương đối khách quan, phản ánh đúng thực tiễn hoạt động tín dụng. Từ kết quả kiểm toán, điều mà dư luận quan tâm là tình trạng này liệu có lặp lại trong năm 2023?

Lý giải vì sao tín dụng tăng thấp, NHNN từng nêu rõ, nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng suy giảm, đơn hàng của DN sụt giảm, khả năng khai thác cầu nội địa còn khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân được ĐBQH Nguyễn Tạo và TS. Nguyễn Trí Hiếu cùng nhiều chuyên gia khác chỉ rõ. Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân này, còn có nguyên nhân nào khác khiến tín dụng tăng chậm? Chính sách, quy định nào vẫn còn là rào cản khiến các DN chưa thể tiếp cận tín dụng?

Một trong những yêu cầu đối với cuộc thanh tra là đánh giá việc điều hành phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng của NHNN. NHNN cho biết: Mặc dù Nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu NHNN tiến tới xóa bỏ room tín dụng song cơ quan này đã tổ chức tọa đàm tham vấn ý kiến các chuyên gia kinh tế, các ĐBQH và các ý kiến đều thống nhất ở thời điểm này, chưa thể bỏ phân bổ chỉ tiêu tín dụng. Bởi hiện nay, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức cảnh báo của Ngân hàng Thế giới và tỷ lệ này càng trở nên rủi ro nếu bỏ phân bổ chỉ tiêu tín dụng. Như vậy, việc duy trì hạn mức tăng trưởng tín dụng ở thời điểm này vẫn là cần thiết. Thế nhưng, việc phân giao hạn mức này đối với các TDTD đã thực sự khoa học, kịp thời, hiệu quả chưa? Câu hỏi này cùng với một loạt băn khoăn nêu trên là những điều mà dư luận đang trông đợi lời giải đáp rõ ràng từ cuộc thanh tra sắp tới!./.

Cùng chuyên mục
Công tác điều hành tín dụng đã thực sự kịp thời, hiệu quả?