Covid-19 tác động đến các doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?

(BKTO) - Đây là vấn đề được đưa ra tại buổi công bố Báo cáo “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam - Một số phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp năm 2020” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức trực tuyến sáng nay (12/3).



Đánh giá khả năng chống chịu của doanh nghiệp

Báo cáo do VCCI và Ngân hàng Thế giới phối hợp thực hiện trong năm 2020. Báo cáo được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát 10.197 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Báo cáo được thực hiện nhằm nhận diện tác động của dịch COVID-19 lên hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng ứng phó, chống chịu của các doanh nghiệp đối với đại dịch toàn cầu này. Bên cạnh đó, Báo cáo còn tìm hiểu đánh giá và kỳ vọng của doanh nghiệp về những chính sách của Nhà nước hỗ trợ vượt qua khó khăn do COVID-19.
                
   

Ban chủ trì lễ công bố Báo cáo

   

Phát biểu khai mạc buổi lễ, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, Việt Nam là một trong số các quốc gia ít ỏi đạt được những thành tựu nhất định trong thực hiện nhiệm vụ kép: vừa kiểm soát dịch bệnh đồng thời vẫn duy trì sự phát triển kinh tế. Dù vậy, tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp và hậu quả của Covid-19 vẫn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã chịu rất nhiều tổn thất và sự chống chịu kiên cường của cộng đồng doanh nghiệp đang đứng trước những giới hạn.

Trình bày Báo cáo “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, kết quả khảo sát cho thấy năm 2020 là một năm đầy khó khăn khi mà có tới 87,2% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” do dịch Covid-19, Chỉ 11% doanh nghiệp cho rằng họ “không bị ảnh hưởng gì” và gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”.
                
   

87,2% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ Covid-19

   

Tác động tiêu cực từ dịch Covid -19 với doanh nghiệp ở một số ngành đặc biệt lớn như: các ngành may mặc (97%), thông tin truyền thông 96%, sản xuất thiết bị điện 94%... Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bao gồm: bất động sản 100%; thông tin truyền thông 97%; nông nghiệp, thuỷ sản 95%…

“Ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới các doanh nghiệp là khá đa diện, cả khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI đều bị ảnh hưởng nặng nề với nhiều hệ lụy như giảm sút khả năng tiếp cận khách hàng, mất cân bằng về dòng tiền, chuỗi cung ứng bị gián đoạn… Đáng chú ý, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm và các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và nhỏ”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Do tác động của dịch bệnh, 2020 cũng là năm có mức tăng trưởng GDP của đất nước ở mức thấp nhất, chưa bằng một nửa so với những năm trước đây và cũng là năm có số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường đạt mức kỷ lục, vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc, ngừng hoạt động, thậm chí phá sản.

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, theo khảo sát năm 2020 tại các doanh nghiệp: Có 35% doanh nghiệp tư nhân và 22% doanh nghiệp FDI đã phải cho người lao động nghỉ việc do ảnh hưởng bởi dịch. Ứớc tính chung cho thấy số lao động phải cho nghỉ việc chiếm khoảng 30% số lao động của một doanh nghiệp.

Chính phủ cần cải thiện chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Đa số doanh nghiệp đánh giá, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là hữu ích nhưng còn nhiều dư địa để cải thiện tính hiệu quả của chính sách. Việc tiếp cận các chính sách vẫn còn nhiều rào cản, cụ thể các chính sách về vay tín dụng, vay vốn, hỗ trợ trả lương cho lao động rất khó tiếp cận. Do đó, cần có chương trình cụ thể để thúc đẩy thực thi các chính sách hỗ trợ đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.
                
   

Doanh nghiệp thuộc tất cả các ngành nghề đều bị ảnh hưởng bởi Covid-19

   

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG kiến nghị: “Doanh nghiệp Việt Nam đang rất khó khăn vì thiếu vốn đặc biệt là ngành du lịch, dệt may, da giày. Doanh nghiệp rất mong chờ vào các chính sách để hạn chế rào cản khi tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng cũng như cho bảo lãnh vay tín chấp. Hiện tại các gói hỗ trợ về thuế, phí, bảo hiểm đang rất tốt, tôi đề nghị Chính phủ nên tiếp tục hỗ trợ trong năm nay và thậm chí hỗ trợ dài hạn sang năm sau thì sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn”.

Từ thực tiễn thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp cũng kiến nghị bên cạnh các giải trước mắt đã được Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành, cần phải chú ý đến những giải pháp có tính chất hạn dài hơn. Chẳng hạn, Chính phủ cần tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi. Các doanh nghiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật nhằm tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho sự phục hồi bền vững của các doanh nghiệp trong quá trình ứng phó với tác động của đại dịch toàn cầu COVID-19./.

Bài và ảnh: KHÁNH LINH
Cùng chuyên mục
Covid-19 tác động đến các doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?