Củng cố động lực tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững cho Thành phố Hồ Chí Minh

(BKTO) - Chiều 19/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, nghe báo cáo bước đầu về Đề án Xây dựng Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.Hồ Chí Minh (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội).

191220220419-dsc_7961.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, TP.Hồ Chí Minh là trung tâm, đầu tàu kinh tế của cả nước. Bộ Chính trị đã có Kết luận số 21-KL/TW ngày 24/10/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa qua, trên cơ sở tổng kết thực hiện của Thành phố, báo cáo của Chính phủ, Quốc hội đã xem xét báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 và thông qua Nghị quyết số 76/2022/QH15 ngày 15/11/2022 trong đó gia hạn cho TP.Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 đến hết 2023; đồng thời giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 trong thời gian sớm nhất.

Tiếp tục phát huy cách làm chủ động, từ sớm, từ xa, Đảng đoàn Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.Hồ Chí Minh để nghe báo cáo bước đầu về vấn đề này nhằm cùng trao đổi sớm, lắng nghe ý kiến để xem xét, cân nhắc, đề xuất lựa chọn chính sách phù hợp.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên tinh thần tích cực, khẩn trương, mặc dù Chính phủ chưa hoàn thiện hồ sơ, tờ trình chính thức song Đảng đoàn Quốc hội đã giao Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan chủ động nghiên cứu sớm, nghiên cứu trước về nội dung này.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi báo cáo tóm tắt việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.Hồ Chí Minh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường báo cáo ý kiến bước đầu về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.Hồ Chí Minh.

Đồng thời, các đại biểu, lãnh đạo các Bộ, ngành đã cho ý kiến, làm rõ quan điểm của mình theo từng lĩnh vực phạm vi phụ trách về các nội dung đề xuất chính sách của Thành phố, cũng như cho ý kiến về quy trình thủ tục, cách làm…

191220220415-dsc_7988.jpg
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Ghi nhận các ý kiến sát thực với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định sự cần thiết và cấp bách của Đề án về xây dựng Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP. Hồ Chí Minh, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với Thành phố, giúp cho Thành phố củng cố các động lực tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững hơn nữa theo tinh thần “TP.Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì TP.Hồ Chí Minh”.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong quá trình xây dựng Đề án cần hệ thống hóa, quán triệt được các quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo lớn; đồng thời, tập trung vào nhóm các chính sách lớn có trọng tâm, trọng điểm và thực tế đang có nhiều vướng mắc, điểm nghẽn.

Các chính sách đề xuất cần được phân nhóm theo hướng thứ nhất là các chính sách đã được quy định trong Nghị quyết 54/2017/QH15 mà qua tổng kết nhận thấy vẫn còn có ý nghĩa và cần thiết được thực hiện thì có sự cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với tình hình hiện tại.

Hai là, các nhóm chính sách đã được cho phép thí điểm thực hiện ở các tỉnh/thành khác trong đó có điều chỉnh để phù hợp với TP. Hồ Chí Minh.

Ba là, nhóm chính sách được đề ra để sửa đổi, bổ sung các luật hiện nay, như Luật Đất đai, để cho phép Thành phố được thực hiện sớm hơn.

Bốn là, những nhóm chính sách mới riêng biệt cho Thành phố.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, các chính sách phải mang lại những lợi ích trước mắt và lâu dài, tạo đột phá kiến tạo cho sự phát triển, đổi mới sáng tạo. Trong đó, mỗi chính sách cần xác định rõ các nội hàm và thẩm quyền, rõ giới hạn các quyền, khung phạm vi, phân cấp ủy quyền nhưng cũng phải đi kèm với điều kiện đảm bảo thực hiện, cũng như có cơ chế hậu kiểm để kiểm tra, đánh giá. Đây là nội dung cần được thiết kế quy định một cách chặt chẽ trong nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tích cực triển khai các nhiệm vụ đề ra; cho biết các cơ quan của Quốc hội luôn sẵn sàng phối hợp tích cực với các bên trong quá trình xây dựng Nghị quyết, cố gắng, phấn đấu sớm trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023)./.

Cùng chuyên mục
Củng cố động lực tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững cho Thành phố Hồ Chí Minh