Cuộc sống mới trên vùng tái định cư thủy điện Sơn La

(BKTO) - Những con đường từng gập ghềnh, lổm nhổm đất đá nay được trải bê tông, cứng hóa theo đúng tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới; những ngôi nhà mái Thái xanh đỏ, xen giữa nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc… là sự đổi thay dễ thấy ở vùng tái định cư (TĐC) huyện Mường La (tỉnh Sơn La) - nơi từng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn bậc nhất của tỉnh vùng biên Tây Bắc.

92bda2c4468694d8cd97.jpg
Đoàn kiểm toán của KTNN khu vực VII đang kiểm tra hiện trạng con đường mới được đầu tư theo Đề án 666. Ảnh: N.LỘC

Nhường đất cho thủy điện, đời sống người dân khởi sắc

Theo chân Đoàn kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực VII tìm về làng TĐC tại xã Chiềng Lao, huyện Mường La những ngày cuối tháng 7 vừa qua, chúng tôi được chứng kiến diện mạo mới, cùng không khí lao động sôi nổi nơi đây. Càng vui hơn, khi đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc - những người chấp nhận di dời đến vùng đất mới để nhường đất cho thủy điện - ngày một nâng lên, người dân có ý thức bám đất, giữ bản, hướng đến phát triển kinh tế.

Đây cũng là không khí đổi mới chung của các vùng TĐC Mường La, khi huyện vừa chính thức được công nhận thoát nghèo trong năm vừa qua. Nhớ lại thời gian thực hiện nhiệm vụ di dân phục vụ xây dựng công trình thủy điện Sơn La, ông Nguyễn Văn Tâm - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Mường La - chia sẻ: Đầu tháng 10/2005, chiến dịch 60 ngày đêm di chuyển dân TĐC mở đầu cho cuộc đại di dân tại huyện Mường La. Đến năm 2010, huyện hoàn thành di chuyển 3.527 hộ đến TĐC tại 49 điểm TĐC thuộc các xã: Mường Trai, Mường Chùm, Nậm Giôn, Chiềng Lao, Hua Trai, Mường Bú, Pi Toong, đáp ứng tiến độ giải phóng mặt bằng công trường thủy điện Sơn La và giải phóng vùng lòng hồ tích nước…

Ngay sau khi hoàn thành giải phóng vùng hồ, nhằm giúp người dân ổn định sinh kế, huyện đã nghiên cứu tiềm năng, lợi thế của từng vùng để định hướng cho người dân phát triển kinh tế. Đối với các xã có đất đồi, nương tập trung trồng cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc; các xã ven lòng hồ nuôi cá lồng, thủy cầm, trồng sắn cao sản, chuối xuất khẩu... Huyện cũng chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề cho người dân, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Theo ông Tâm, những năm gần đây, huyện Mường La bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều thách thức đặt ra do địa bàn miền núi chia cắt, hiểm trở. Toàn huyện có 16 xã, thị trấn, trong đó có 9 xã thuộc diện còn nhiều khó khăn, đông đồng bào dân tộc. Bằng nhiều giải pháp phù hợp, linh hoạt theo từng lĩnh vực, phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, nhất là các vùng TĐC đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Diện mạo nông thôn dần khởi sắc, sản xuất phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc từng bước nâng lên.

Bên ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, chị Quàng Thị Du (xã Chiềng Lao) cho biết, gia đình đã quen với cuộc sống mới vùng TĐC. Sinh kế dựa vào nông nghiệp, ngoài trồng cây ăn quả, gia đình còn mở rộng thêm chăn nuôi để cải thiện thu nhập. Nếu so với trước đây, cuộc sống hiện tại đã được đảm bảo hơn rất nhiều. Chị vui vẻ bảo: “Gia đình nay đã thoát nghèo, trẻ con được đến trường với đủ các đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt, học tập”.

Tăng cường giám sát, đảm bảo hiệu quả triển khai chính sách

Những đổi thay này, ngoài sự nỗ lực của người dân, còn phải kể đến sự hỗ trợ rất lớn của Nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách gắn với vùng đồng bào dân tộc, miền núi.

Theo đó, huyện Mường La đã tranh thủ các nguồn vốn thuộc Chương trình 134, 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ để ổn định đời sống và sản xuất cho người dân. Xác định hạ tầng thiết yếu đóng vai trò rất quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nên dù nguồn lực có hạn, huyện vẫn quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới hàng chục công trình giao thông, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển sản xuất với kinh phí hàng trăm tỷ đồng…

Dẫn chứng từ xã Chiềng Lao, Phó Chủ tịch UBND xã Tòng Văn Tiến cho biết, từ sự quan tâm của Nhà nước, các tuyến đường vào xã, bản đã được cứng hóa. Nhờ có trường lớp, con em trong độ tuổi trên địa bàn đều được đến trường. “Nhờ hỗ trợ của Nhà nước đã giúp giảm bớt khó khăn của địa bàn, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt” - ông Tiến cho biết.

Từ thực tiễn triển khai tại địa phương, lãnh đạo huyện Mường La rút ra bài học kinh nghiệm: Để triển khai thành công chính sách và mang lại sự chuyển biến trong thực tế, đòi hỏi cần phải có vai trò giám sát của các bên, từ đó đảm bảo nguồn lực hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích, hạn chế thất thoát, lãng phí.

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN góp phần quan trọng để nguồn lực đầu tư được sử dụng đúng mục đích, đảm bảo thực thi hiệu quả các chính sách. Đối với vùng TĐC hiện có nhiều chính sách được triển khai lồng ghép, phức tạp trong quản lý, thông qua kiểm toán, KTNN cũng giúp địa phương kiến nghị tháo gỡ những bất cập về quy định, cách thức quản lý để tạo điều kiện đưa các nguồn lực hỗ trợ đến với người dân được đảm bảo, kịp thời.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mường La Lò Vi Lay

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sơn La - đơn vị làm đầu mối trong triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng TĐC thủy điện Sơn La (Đề án 666) trên địa bàn tỉnh, đơn vị cùng các địa phương đã nỗ lực, song khó tránh khỏi thiếu sót. “Các cơ quan giám sát, đặc biệt là KTNN khi đánh giá việc sử dụng nguồn lực đầu tư đã giúp địa phương nhìn nhận, chấn chỉnh để làm tốt hơn nữa công tác phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn” - một cán bộ thuộc Ban cho chúng tôi biết.

Cùng đoàn kiểm toán ghi nhận thực tế tại vùng TĐC huyện Mường La (một trong những vùng TĐC của tỉnh Sơn La, Điện Biên được lựa chọn để kiểm toán Đề án 666 năm 2023) để đánh giá kết quả thực hiện các chương trình hỗ trợ vùng TĐC, ông Nguyễn Quang Hợp - Phó Trưởng Đoàn kiểm toán - cho biết, Đoàn có nhiệm vụ đánh giá tính tuân thủ pháp luật, chính sách, tính kinh tế, hiệu lực trong triển khai thực hiện Đề án 666; từ đó kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách còn bất cập; phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng để kiến nghị xử lý theo quy định. “Đoàn sẽ xem xét đánh giá thận trọng trước khi đưa ra kết luận, kiến nghị để cung cấp đến cơ quan chức năng, xã hội cái nhìn trung thực, khách quan về hiệu quả triển khai các dự án và tác động của chính sách đến đời sống người dân vùng TĐC” - ông Hợp cho biết./.

Cùng chuyên mục
Cuộc sống mới trên vùng tái định cư thủy điện Sơn La