Khơi thông “điểm nghẽn” chính sách, đưa nguồn lực hỗ trợ đến người dân

(BKTO) - Việc điều chỉnh bất cập của chính sách, tạo thuận lợi để đưa nguồn lực hỗ trợ sớm đến với người dân luôn được tỉnh Đắk Nông quan tâm. Đây cũng chính là mục tiêu trọng tâm được Kiểm toán nhà nước (KTNN) hướng đến khi triển khai kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn vốn dành cho giảm nghèo vùng dân tộc.

1-1-.jpg
Khơi thông “điểm nghẽn” chính sách, đưa nguồn lực hỗ trợ đến người dân. Ảnh: TS

Tỷ lệ hộ nghèo còn cao

Thời gian qua, để thúc đẩy mục tiêu giảm nghèo vùng dân tộc trên địa bàn, tỉnh Đắk Nông đã ban hành các chính sách đặc thù, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó góp phần giảm tỷ lệ nghèo vùng dân tộc.

Từ năm 2022, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND quy định một số chính sách thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025. Nội dung nghị quyết đã bổ sung các chính sách hỗ trợ về giáo dục và nhà ở cho các hộ nghèo và cận nghèo, nhất là nhóm đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Cụ thể, đối với chính sách hỗ trợ về giáo dục, tỉnh sẽ hỗ trợ 150.000 đồng/tháng cho mỗi học sinh là người DTTS thuộc hộ cận nghèo để mua sách vở và đồ dùng học tập. Ngoài ra, học sinh, sinh viên là thành viên của hộ thoát nghèo trong giai đoạn này cũng được hỗ trợ mức 100 nghìn-150 nghìn đồng/người/tháng.

Tỉnh Đắk Nông đang triển khai nhiều cơ chế, chính sách giảm nghèo và từng bước mang lại hiệu quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,26% năm 2015 xuống còn 7,97% năm 2022; trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS giảm 8,55%. Năm 2023, tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm từ 3% trở lên, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm từ 5% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025

Tỉnh cũng hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn làm nhà trong giai đoạn 2023-2025. Riêng các gia đình cư trú tại các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc hộ neo đơn, tàn tật, hộ gia đình đồng bào DTTS sẽ được hỗ trợ thêm 10 triệu đồng.

Theo ông Phan Đình Hiến - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, tác động của chính sách hỗ trợ đã từng bước làm thay đổi diện mạo đời sống của người dân, đồng bào DTTS trên địa bàn. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nên đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn vẫn còn cao. Nhiều thôn, buôn tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi còn trên 60%. Tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo trong DTTS tại chỗ hằng năm còn cao so với tổng số hộ thoát nghèo.

Lý giải về việc số hộ nghèo còn cao, ông Hiến cho biết, do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhất là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa; cộng với việc nhiều địa phương dồn nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, từ đó làm giảm nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người nghèo.

Một nguyên nhân khác, theo lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, do nhận thức, ý thức của người dân về giảm nghèo còn chưa cao. Một số trường hợp còn ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực cho giảm nghèo vùng dân tộc

Một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay trong công tác giảm nghèo tại các địa phương cũng như tỉnh Đắk Nông, đó là việc khơi thông điểm nghẽn của chính sách và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác giảm nghèo. 

Theo đó, ngoài những chính sách đặc thù do tỉnh ban hành, Đắk Nông cũng đang thụ hưởng các chương trình giảm nghèo của Trung ương thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình 1719) và các chương trình mục tiêu quốc gia khác.

Theo ông Hiến, tỉnh đang lồng ghép nguồn lực của 3 chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; các địa phương trong tỉnh cũng lựa chọn, xây dựng từ 1-2 địa bàn trọng điểm vùng DTTS để ưu tiên tập trung các nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chính sách cũng nảy sinh bất cập, gây khó khăn trong việc đưa nguồn lực đến với người dân.

Đơn cử, liên quan đến những bất cập trong triển khai thực hiện Chương trình 1719, vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã có Công văn đề xuất Ủy ban Dân tộc cùng các Bộ, ngành liên quan tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch. 

Chương trình còn 3 nội dung, 3 Tiểu dự án thuộc 4 Dự án thành phần chưa có văn bản quy định, hướng dẫn về thủ tục thanh toán, nội dung, đối tượng, định mức, hình thức hỗ trợ... thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ, ngành Trung ương nên chưa có cơ sở pháp lý để giải ngân nguồn vốn đã phân bổ.

Về nội dung hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình về đất ở, nhà ở và đất sản xuất, tỉnh được phân bổ với tổng nguồn vốn là 32,736 tỷ đồng nhưng chưa có cơ sở thực hiện và giải ngân.

UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị Ủy ban Dân tộc phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành về cơ chế đặc thù thực hiện và quy trình, thủ tục thanh quyết toán đối với nội dung sử dụng vốn đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình theo hướng: đối với trường hợp hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình về đất ở, nhà ở, đất sản xuất thì không thực hiện theo cơ chế vốn đầu tư mà chuyển sang bố trí vốn thực hiện theo chế độ cấp phát…

bad3d6b92caafff4a6bb.jpg
Năm 2023, KTNN sẽ tập trung kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình 1719. Ảnh: N.Lộc

Đặc biệt, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình còn chậm so với thời điểm giao kế hoạch, dự toán hàng năm của địa phương.

Liên quan đến Chương trình 1719, lãnh đạo KTNN chuyên ngành V cho biết, trong kế hoạch kiểm toán năm 2023, đơn vị được giao triển khai kiểm toán Chương trình tại tỉnh Đắk Nông.

Theo kế hoạch kiểm toán chuyên đề Chương trình 1719, giai đoạn I từ năm 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, nội dung kiểm toán tập trung vào việc quản lý và sử dụng kinh phí; việc tuân thủ chính sách, chế độ, pháp luật của nhà nước; công tác quản lý, chỉ đạo, phối hợp thực hiện; tình hình thực hiện mục tiêu Chương trình; tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của Chương trình... 

Do đó, cùng với các kiến nghị từ địa phương, những bất cập trong cơ chế, chính sách được phát hiện qua công tác kiểm toán sẽ được KTNN kiến nghị điều chỉnh. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các ngành chức năng Trung ương và địa phương xem xét điều chỉnh, từ đó góp phần đảm bảo tính kịp thời, cũng như nâng cao hiệu quả của nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo vùng DTTS./.

Cùng chuyên mục
Khơi thông “điểm nghẽn” chính sách, đưa nguồn lực hỗ trợ đến người dân