Đại biểu Quốc hội: Nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần khi “cực chẳng đã”

(BKTO) - Nhấn mạnh thực tế đa số người lao động phải rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần khi “cực chẳng đã”, đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) và nhiều đại biểu khác đề nghị, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cần thiết kế thêm các chính sách hỗ trợ người lao động khi gặp khó khăn để họ tiếp tục tham gia BHXH.

202405271522470841_z5480958997354_46c3010b5824e05fe32c6a0b6942135f.jpg
Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung phát biểu thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG

Phát biểu tại Phiên thảo luận về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)  đại biểu Thái Thị An Chung, vấn đề rút BHXH một lần là nội dung mà đại biểu Quốc hội cũng như cử tri rất quan tâm. “Qua tiếp xúc cử tri với công nhân lao động trước Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp thứ 7, tôi nhận thấy, đa số người lao động phải rút hoặc sẽ rút BHXH một lần khi cực chẳng đã, có nghĩa là khi không còn giải pháp nào khác” - đại biểu chia sẻ và bày tỏ đồng tình với nhiều đại biểu Quốc hội là Luật BHXH cần thiết kế thêm chính sách hỗ trợ người lao động khi gặp khó khăn để họ có thể tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội.

Trong đó, đại biểu Thái Thị An Chung đề xuất bổ sung chính sách nghỉ việc để chăm sóc con trên 7 tuổi bị ốm đau. Quy định về thời gian nghỉ việc để chăm sóc con khi bị ốm đau ở Điều 45 và Điều 46 của Dự thảo Luật hiện nay giữ nguyên quy định như Luật BHXH hiện hành. Theo đó, người lao động được hưởng chế độ ốm đau khi phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua, rất nhiều người lao động nghỉ việc, rút BHXH một lần xuất phát từ hoàn cảnh gia đình rất éo le, đó là con bị bệnh nặng, mắc bệnh hiểm nghèo, phải thường xuyên điều trị tại các bệnh viện và trong trường hợp này thì bố hoặc mẹ phải nghỉ việc để túc trực bên con trong quá trình điều trị và chăm sóc.

Qua giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững thì tỷ lệ hộ nghèo khó thoát nghèo nhất chính là những trường hợp lâm vào tình cảnh ốm đau, bệnh tật. “Do đó, để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, tôi đề nghị nên bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 44 là "người lao động được hưởng chế độ ốm đau khi phải nghỉ việc để chăm sóc con từ 7 đến dưới 18 tuổi, trong trường hợp con mắc bệnh hiểm nghèo" và bổ sung quy định "thời gian được hưởng chế độ chăm sóc con tối đa là 20 ngày", tương ứng như trường hợp chăm sóc con dưới 3 tuổi” - đại biểu đề xuất.

Cùng với đó, để hỗ trợ người lao động khó khăn khi có nhu cầu cần tiền để trang trải cuộc sống mà không cần phải rút BHXH một lần, đại biểu Thái Thị An Chung tán thành quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều đại biểu, đó là Chính phủ cần có đề án hỗ trợ người lao động như vay vốn tín dụng.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) cũng đề nghị nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi cho người lao động mất việc làm, bệnh tật để những người này có thể vượt qua được những khó khăn trước mắt, tránh việc rút BHXH một lần.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn Bình Định) đề xuất, về chính sách của Nhà nước đối với BHXH về hỗ trợ tín dụng tại khoản 2 Điều 7 cần được làm rõ nội dung thành 1 điều, khoản riêng biệt, thể hiện rõ cơ chế về hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ vay, trách nhiệm.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, việc chỉ hỗ trợ khi mất việc làm cũng chưa toàn diện, cần mở rộng thêm điều kiện vào tình huống cấp bách khi người lao động có thủ tục pháp lý chứng minh được là tình huống khẩn cấp thì thực hiện hỗ trợ tín dụng ngay với lãi suất phải ưu đãi, cơ chế trả lãi linh hoạt. Đây cũng là một giải pháp hiệu quả để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, hạn chế hoạt động tín dụng đen.

Cùng chuyên mục
Đại biểu Quốc hội: Nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần khi “cực chẳng đã”