Các địa phương tập trung mọi nguồn lực với quyết tâm triển khai hiệu quả Chương trình GDPT mới.Ảnh: P.Tuân
Sẵn sàng các điều kiện dạy và học Chương trình mới
Theo lộ trình, Chương trình GDPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã được áp dụng từ năm học 2020-2021 đối với học sinh khối lớp 1, gồm 8 môn học và 1 hoạt động giáo dục, dạy học hai buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút. Theo đó, giáo dục sẽ có sự chuyển hướng cả về mục đích, nội dung, phương thức giảng dạy, từ lối dạy truyền thụ tri thức một chiều sang hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực người học. Nội dung giảng dạy theo hướng thiết thực với đời sống và gạt bỏ các vấn đề hàn lâm còn nặng trong chương trình hiện hành.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) Thái Văn Tài cho biết, năm học 2019-2020 là năm bản lề chuẩn bị những khâu cuối cùng để chính thức triển khai Chương trình GDPT mới, bắt đầu từ lớp 1, nên trong năm học này, các địa phương và các nhà trường đã chủ động triển khai thực hiện lộ trình đổi mới để tạo tiền đề quan trọng cho năm học 2020-2021. Nhiều địa phương đã tăng cường bổ sung, nâng cấp, duy tu cơ sở vật chất đáp ứng thực hiện Chương trình GDPT mới đối với cấp tiểu học. Vì vậy, về cơ bản, các địa phương đã bảo đảm tỷ lệ một phòng/lớp, tạo điều kiện thuận lợi tổ chức dạy học hai buổi/ngày. Số phòng học kiên cố hóa được tăng lên và cơ bản xóa được số phòng học tạm, phòng học mượn ở cấp tiểu học.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2020-2021, toàn Thành phố tăng thêm 44 trường (25 trường công lập và 19 trường tư thục) và hơn 67.000 học sinh so với năm học trước. Thành phố đã cấp tổng kinh phí mua sắm trang thiết bị cho các cấp học chuẩn bị năm học mới trên 804,7 tỷ đồng. Xác định điều kiện quan trọng, có tính chất quyết định đến hiệu quả triển khai Chương trình GDPT là đội ngũ giáo viên, ngành GD&ĐT Hà Nội đã cơ cấu lại đội ngũ giáo viên các cấp học, trong đó ưu tiên bổ sung đủ giáo viên dạy khối lớp 1 theo Chương trình GDPT mới. Bên cạnh đó, các trường tiểu học trên địa bàn Thành phố đã hoàn thành khâu chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1, phân bổ tới các trường để sử dụng cho năm học 2020-2021. Trong khi đó, Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, năm học đầu tiên triển khai Chương trình GDPT mới với học sinh lớp 1, tỉnh đã hoàn tất công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất; các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã tính toán sắp xếp, bố trí, gia tăng phòng học… ưu tiên cho học sinh lớp 1.
Ưu tiên tạo mọi điều kiệntốt nhất cho khối lớp 1
Đánh giá về SGK mới, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết, khác với cách tiếp cận của SGK hiện hành, SGK mới hướng người học tiếp thu kiến thức theo hướng chủ động hơn, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, từ đó hình thành năng lực, khơi gợi sự sáng tạo của học sinh. Điều này đòi hỏi giáo viên phải có năng lực đáp ứng theo cách tiếp cận và định hướng của SGK mới. Để đáp ứng yêu cầu trên, Nghệ An đã tổ chức tốt các nội dung tập huấn cho giáo viên tiểu học trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh Nghệ An vẫn còn một số trường gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thiếu SGK, trong đó tập trung ở các huyện miền núi.
Được biết, năm học 2020-2021, toàn tỉnh Nghệ An có gần 500 trường tiểu học với khoảng 323.000 học sinh. Với quyết tâm không để học sinh không có SGK cho năm học mới, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An đề xuất UBND tỉnh cấp ngân sách hỗ trợ 5 bộ SGK cho thư viện mỗi trường. Cùng với đó, Sở cũng kêu gọi, vận động các tổ chức, DN, nhà xuất bản hỗ trợ mỗi huyện từ 150 - 300 bộ SGK cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Để đảm bảo Chương trình GDPT mới đạt hiệu quả cao, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu tiếp tục rà soát, bổ sung, đảm bảo đủ cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, lựa chọn và bố trí đủ giáo viên có kinh nghiệm triển khai chương trình, SGK để dạy lớp 1. Cũng trong năm học này, tổ chức thẩm định, phê duyệt SGK các môn học và hoạt động giáo dục lớp 2, lớp 6 theo lộ trình. Trước thực tế khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp ở một số địa phương, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: “Tinh thần là dù thế nào cũng phải đảm bảo chỗ học cho học sinh tiểu học, học sinh lớp 1. Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên; không vì thiếu trường lớp mà không tiếp nhận trẻ đúng độ tuổi vào lớp 1”. Đồng thời, đề xuất địa phương xây dựng đề án dài hơi, ít nhất 5 năm, phát triển cơ sở vật chất cho giáo dục, từ đó đầu tư xây dựng trường lớp, dồn ghép, sáp nhập đảm bảo hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế dạy học.
Theo lộ trình, Chương trình GDPT mới đã được chính thức triển khai từ năm học 2020-2021, đầu tiên là đối với lớp 1; tiếp đó năm học 2021-2022 là lớp 2, lớp 6; năm học 2022-2023 là lớp 3, lớp 7, lớp 10; năm học 2023-2024 là lớp 4, lớp 8, lớp 11 và năm học 2024-2025 là lớp 5, lớp 9, lớp 12. |
LÊ HÒA