Đảm bảo đủ nguồn để cải cách tiền lương

(BKTO) - Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2024, cùng với việc sử dụng nguồn dự toán chi trong cân đối ngân sách nhà nước (NSNN), nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, ngân sách đảm bảo đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024.

13.jpg
Tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương. Ảnh minh họa

Không áp dụng cơ chế đặc thù, lương mới không thấp hơn tiền lương hiện hưởng

Từ ngày 01/7/2024, nước ta thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (Nghị quyết 27). Theo đó, nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối NSNN; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Đáng lưu ý, từ ngày 01/7/2024, bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất. Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn...) của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước.

Cũng theo Nghị quyết 27, chính sách cải cách tiền lương sẽ điều chỉnh, thay đổi cơ cấu tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; người lao động trong doanh nghiệp. Tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được thiết kế theo cơ cấu mới: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp). Đồng thời, hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo sẽ được xây dựng để thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới nhưng bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Tại Kỳ họp Quốc hội vào tháng 10/2023, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024 cần tính toán thận trọng, cân đối hợp lý, bảo đảm công bằng xã hội. Đặc biệt, cần thực hiện đồng bộ việc điều chỉnh mức lương cơ sở cùng với đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với xây dựng vị trí việc làm; có chính sách phù hợp, tránh cào bằng...

Tiếp tục chuẩn bị nguồn cải cách lương các năm sau

Bộ Tài chính cho biết, việc cân đối NSNN được xây dựng bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ tại văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Kế hoạch 5 năm 2021-2025 được Quốc hội thông qua. Dự toán thu NSNN năm 2024 tăng khoảng 5% so với ước thực hiện và dự toán năm 2023. Dự toán chi NSNN ưu tiên bố trí cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, nhất là các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đường cao tốc, các dự án trọng điểm quan trọng quốc gia; đảm bảo các nghĩa vụ chi trả nợ lãi, các cam kết viện trợ; xử lý tốt các nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội, dành nguồn để thực hiện cải cách tiền lương khu vực công...

Về vấn đề cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, theo lộ trình, phải thực hiện từ năm 2021. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh, kinh tế và các cân đối ngân sách khó khăn, phải dồn sức cho chi phòng, chống dịch Covid-19, nên trong 3 năm 2020-2022 chưa điều chỉnh tiền lương. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong giai đoạn này, Bộ Tài chính vẫn khuyến nghị, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tích lũy tạo nguồn cho cải cách tiền lương từ các khoản tăng thu, tiết kiệm chi, thu của các đơn vị sự nghiệp ở cả Trung ương và địa phương. Nhờ vậy, ngân sách đã tiết kiệm được hơn 550.000 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương. Với nguồn này, năm 2023, nước ta đã điều chỉnh một bước nguồn tiền lương cơ sở của công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tăng 21% so với trước đó.

Đối với năm 2024, cùng với việc sử dụng nguồn dự toán chi trong cân đối NSNN và nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trong nhiều năm theo quy định sẽ đảm bảo đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 từ ngày 01/7/2024. Theo tính toán của Bộ Tài chính, với phương án này, nhu cầu kinh phí cải cách tiền lương năm 2024 tăng thêm so với dự toán năm 2023 khoảng 164.000 -165.000 tỷ đồng; trong đó, khoảng 89.000-90.000 tỷ đồng đảm bảo thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cả năm 2024 và khoảng 74.000 -75.000 tỷ đồng để thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương theo các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội để chuẩn bị nguồn lực cho các năm tiếp theo. Mặc dù nước ta còn có khoản vượt thu ngân sách và sẽ có nguồn lực để bố trí chi tiền lương một cách bền vững nhưng cái gốc vẫn là đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững và tăng được thu ngân sách thì sẽ có tích lũy để trả nợ, để thực hiện cải cách tiền lương./.

Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2024, Chính phủ xác định: Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả, thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27; hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước trước ngày 31/3/2024; đồng thời xác định rõ trách nhiệm từng Bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu để làm cơ sở thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024.

Cùng chuyên mục
  • Kiểm kê khí nhà kính: Thách thức đã được nhận diện
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Hiện thực hóa cam kết “Net Zero", năm 2023, lần đầu tiên 1.912 cơ sở có phát thải khí nhà kính (KNK) lớn đã thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê KNK cấp quốc gia theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả bước đầu, thì những thách thức đặt ra là không hề nhỏ, dù đã được nhận diện…
  • Thu hút doanh nghiệp đầu tư, tạo “giá trị xanh” trong nông nghiệp
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ với mức tăng trưởng hằng năm cao và dần định hướng chuyển đổi theo hướng xanh, đa giá trị. Kết quả này có được một phần là nhờ sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN đang đầu tư vào chuỗi sản xuất, chế biến và kinh doanh nông, lâm, thủy sản theo hướng xanh, đa mục tiêu…
  • Đổi mới toàn diện để phát triển bền vững đô thị
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Đô thị hóa và phát triển đô thị nhanh, bền vững là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, cần đổi mới toàn diện công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trên toàn hệ thống đô thị của cả nước, qua đó tạo ra sự thay đổi đột phá cho quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị của Việt Nam.
  • Gỡ “rào cản” để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo còn gặp nhiều rào cản, đòi hỏi cần có những giải pháp tháo gỡ để tạo động lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển bền vững.
  • Đối thoại, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
    2 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Để tạo kênh trao đổi thiết thực, hiệu quả nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, tổ chức trong và ngoài nước, năm 2024, Thành phố Hà Nội dự kiến tổ chức 06 Hội nghị đối thoại, tập trung tháo gỡ khó khăn theo các chuyên đề.
Đảm bảo đủ nguồn để cải cách tiền lương