Đảm bảo khả thi khi mở rộng phạm vi áp dụng giao dịch điện tử

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, sáng 02/11, Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

64f09e1fec1b2a45730a.jpg
Các đại biểu Quốc  hội thảo luận tại Tổ sáng 02/11. Ảnh: Đ. KHOA

Bảo đảm an toàn thông tin trong giao dịch điện tử

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử.

Theo đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam), việc ban hành Luật sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng, cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch, tiết giảm các chi phí của tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử.

Đáng chú ý, Dự thảo Luật lần này mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới hầu hết các hoạt động của đời sống xã hội, như: việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác; văn bản thừa kế, kết hôn, ly hôn, khai sinh, khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác.

Theo đại biểu, để đảm bảo tính khả thi, Ban soạn thảo cần đánh giá thêm tác động đến đời sống xã hội khi mở rộng phạm vi áp dụng trên tất cả các lĩnh vực; để Luật ban hành có thể thực hiện được ngay, không gây hệ quả pháp lý làm ảnh hưởng đời sống người dân và tăng chi phí xã hội không cần thiết.

Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cần quan tâm, xem xét thận trọng việc áp dụng giao dịch điện tử đối với một số nội dung cần thể hiện ý chí cá nhân, sự tự nguyện, như: đăng ký kết hôn, thừa kế, ly hôn... để đảm bảo tính đồng thuận của cá nhân. Mặt khác, những giấy tờ, thông tin sử dụng trong giao dịch điện tử liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình cần đảm bảo không bị lộ, lọt hoặc bị chiếm đoạt để sử dụng vào mục đích bất lợi cho các cá nhân kê khai qua mạng.

Dưới góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng việc mở rộng là rất cần thiết, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Theo đại biểu, hiện nay công nghệ số đã tương đối phổ biến nên tần số đã trở thành môi trường không thể thiếu của các dịch điện tử. Do vậy, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật sẽ góp phần đảm bảo sự an toàn giao dịch ở tất cả các lĩnh vực, tạo điều kiện tốt hơn cho ứng dụng giao dịch điện tử.

Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn việc mở rộng phạm vi điều chỉnh sẽ tạo nên những áp lực về nguồn nhân lực, về hạ tầng công nghệ thông tin, về kinh phí xây dựng và nâng cấp các hệ thống hiện đại để đáp ứng yêu cầu thực hiện giao dịch điện tử. Đồng thời, khi thực hiện giao dịch điện tử, một số thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, an ninh quốc phòng, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân cũng có nguy cơ lộ lọt, bị chiếm đoạt như thời gian qua đã cho thấy rõ hệ lụy không nhỏ đối với quyền lợi của tổ chức, cá nhân.

“Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc về mức độ mở rộng phạm vi điều chỉnh và lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi” - đại biểu Hoa kiến nghị.

Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên môi trường mạng

Góp ý vào Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Triệu Thị Huyền (Đoàn Yên Bái) đồng tình với việc sửa đổi Luật, nhằm khắc phục những hạn chế, mâu thuẫn và chồng chéo phát sinh sau 12 năm triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Việc sửa đổi Luật cũng nhằm tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng trong việc hoàn thiện thể chế, các quan điểm, chủ trương của Đảng trong bảo vệ người tiêu dùng; phù hợp với sự vận động, phát triển, cơ chế kinh tế thị trường cũng như sự phát triển của xã hội.

Quan tâm đến việc bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng, theo đại biểu, Dự thảo Luật quy định, trong trường hợp thông tin bị tấn công và làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin phải thông báo cho cơ quan chức năng trong vòng 24 giờ khi phát hiện ra sự cố.

“Tôi cho rằng ngay lúc này, người tiêu dùng cũng cần biết được thông tin của mình đang có nguy cơ bị rò rỉ, lộ, lọt. Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần có nghiên cứu bổ sung về cơ chế, hình thức để thông báo cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin với người tiêu dùng, để người tiêu dùng có phương án chủ động trong việc phòng ngừa các sự cố có thể xảy ra” - đại biểu phát biểu.

Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình), Điều 15 của Dự thảo Luật quy định người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, an toàn, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nữ đại biểu cho rằng, thực tế hiện nay, đa số các giao dịch mua bán được thực hiện trên môi trường mạng, nhiều hàng hóa trên mạng so với thực tế rất khác nhau, nhiều người mua hàng bị lừa, nhận được những mặt hàng không giống như đã thỏa thuận trên mạng. Tuy nhiên, người tiêu dùng khi nhận được hàng không bảo đảm đúng tiêu chuẩn, chất lượng mẫu mã nhưng vẫn không thực hiện được yêu cầu bồi thường. Thậm chí, có những người bán hàng thoát khỏi giao dịch, gây bức xúc trong dư luận.

“Trong khi đó, chế tài xử lý hiện nay đối với những trường hợp này lại chưa có, hoặc không kiểm soát được” - đại biểu nói và đề nghị Dự thảo Luật nên có quy định chặt chẽ, chi tiết hơn về vấn đề này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng trong tình hình hiện nay.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị, Dự thảo Luật cần quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trực tiếp giám sát, phát hiện, ngăn chặn hoặc kiến nghị ngay đến cơ quan chức năng để ngăn chặn việc sản xuất hàng hóa không bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn, để bảo vệ tốt nhất người tiêu dùng từ sớm, từ xa.

Theo: dự sự kiện
Copy Link
Cùng chuyên mục
Đảm bảo khả thi khi mở rộng phạm vi áp dụng giao dịch điện tử