Đảm bảo lợi ích, sinh kế của người dân khi thu hồi đất

(BKTO) - Thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục đề nghị làm rõ hơn quy định về cơ chế thỏa thuận, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, cũng như đảm bảo cuộc sống, sinh kế của người dân bị ảnh hưởng.

huan.jpg
Đại biểu Nguyễn Quang Huân phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Bổ sung việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất

Đề cập đến nguyên tắc đền bù, tái định cư khi thu hồi đất, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho biết, theo Tờ trình của Chính phủ về Điều 90 trong Dự thảo Luật về nguyên tắc bồi thường, tái định cư đã bỏ phần người dân sau khi được đền bù thì có điều kiện cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước. Theo đại biểu, quy định như vậy là hiểu chưa đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Nghị quyết số 18-NQ/TW nêu, cuộc sống của người dân được nhận đền bù bằng hoặc tốt hơn trước không có nghĩa đen là người ta sẽ phải có nhà to hơn hoặc đường vào thênh thang hơn hoặc lương cao hơn mà cuộc sống tốt hơn thì có nhiều chỉ số đánh giá. Khi hiểu theo nghĩa đen như vậy sẽ bị vướng vào công tác đền bù và có nhiều ý kiến trái chiều là không xác định được như thế nào là người dân có cuộc sống tốt hơn - đại biểu nêu thực tế.

Chính vì hiểu không đúng nên dẫn tới Điều 95 là thu hồi đất nông nghiệp thì sau đó đền bù bằng nhà ở. Cho nên cần phải lưu ý Điều này.

Trong khi đó, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, Dự thảo Luật chưa có quy định về khái niệm xác định thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất. Bên cạnh đó, khái niệm bồi thường chưa chuẩn xác, chỉ quy định khái niệm bồi thường về đất, không có quy định khái niệm bồi thường thiệt hại về tài sản khác khi Nhà nước thu hồi đất.

Ngoài ra, nội hàm của vấn đề bồi thường và hỗ trợ đang không có sự phân định rõ ràng. Theo đó những vấn đề hỗ trợ hiện nay như hỗ trợ khi di chuyển, hỗ trợ tiền thuê nhà trong thời gian tạm cư, hỗ trợ ổn định cuộc sống, hỗ trợ đào tạo nghề… thực chất là những thiệt hại mà người có đất bị thu hồi phải gánh chịu và Nhà nước buộc phải bồi thường chứ không phải là hỗ trợ.

Về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu đề nghị, Dự thảo Luật cần bổ sung việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất phải theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong pháp luật dân sự để vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân và vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự 2015.

“Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu nên Nhà nước thu hồi đất thì có quyền áp dụng cơ chế bồi thường theo ý chí của Nhà nước. Song, đối với tài sản trên đất là nhà ở, công trình xây dựng, rừng cây thuộc sở hữu của người dân thì khi Nhà nước thu hồi phải thực hiện cơ chế thỏa thuận dân sự về bồi thường thiệt hại chứ không thể theo phương thức áp đặt hành chính.”

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình

Để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, thu nhập, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn của người dân có đất bị thu hồi theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, đồng thời đảm bảo giá đất, giá trị đền bù khi thu hồi đất sát hơn với giá thị trường, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị xem xét bổ sung nguyên tắc tại Điều 86 Dự thảo Luật về trách nhiệm giải trình, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.

Minh bạch từ mục đích thu hồi đất

Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) nhấn mạnh, về vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, cần hết sức minh bạch và sòng phẳng với dân.

Theo đại biểu, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất có quan điểm rất quan trọng là tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.

tam.jpg
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Trong khi đó, các quy định về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất tại Chương VI, Chương VII chưa có quy định nào thể hiện rõ tinh thần này và Điều 127 của Dự thảo Luật cũng có nhiều nội dung chưa thuận lợi cho người dân.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần xác định thu hồi đất hoàn toàn vì mục đích quốc gia, công cộng và thu hồi đất cho mục đích dịch vụ thương mại, dịch vụ thương mại đơn thuần lợi nhuận.

Trường hợp hoàn toàn vì lợi ích quốc gia công cộng thì Nhà nước thu hồi và bồi thường, hỗ trợ theo các nguyên tắc tại Điều 90 của Dự thảo Luật, đồng thời có chính sách khuyến khích, động viên để nhân dân tham gia. Bởi thực tế đã có rất nhiều người dân tự nguyện ủng hộ đất đai để làm đường, làm cầu, làm trường học... mà không đòi hỏi bồi thường hay hỗ trợ, nên Nhà nước cần có thêm chính sách này để khuyến khích họ.

Trường hợp thu hồi đất cho mục đích thương mại, dịch vụ đơn thuần lợi nhuận thì theo cơ chế thỏa thuận như quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đối với trường hợp này, đại biểu đề nghị quy định theo hướng người dân góp vốn bằng đất hoặc khi định giá đất thì người có đất thu hồi là một bên trong quá trình định giá. Trường hợp không thỏa thuận được thì người bị thu hồi đất hoặc các bên có thể yêu cầu cơ quan tổ chức định giá độc lập; nếu vẫn không thỏa thuận được thì nên yêu cầu tòa án giải quyết để tránh tình trạng “giá nào cũng không chịu”.

Cũng liên quan đến vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) cho rằng, quy định này cần đảm bảo đồng thuận việc thu hồi đất và có sự tách bạch rõ ràng từ mục đích sử dụng đất.

Theo đó, nếu dự án nào thực hiện vì mục đích công cộng, vì quốc phòng, an ninh, Nhà nước phải thu hồi bằng cơ chế chính sách. Còn đối với các dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và ngay cả các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tự chủ về mặt tài chính thì cần thỏa thuận với người sử dụng đất bị thu hồi theo cơ chế của thị trường.

Cùng chuyên mục
  • Xóa bỏ bất công do chênh lệch địa tô
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai cần giải quyết tốt hai vấn đề về chênh lệch địa tô và giá đất - đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) nhấn mạnh khi phát biểu thảo luận về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sáng 21/6.
  • Bảo đảm cơ sở pháp lý cho quản lý, bảo vệ tài nguyên nước
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Chiều 20/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
  • Lệ phí sát hạch lái xe tăng từ ngày 1/8
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Thông tư số 37/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng vừa được Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ ngày 01/8/2023.
  • Rà soát, bổ sung các quy định về thẩm định giá
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cần tập trung quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc trong việc định giá, thẩm định giá, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân...
  • Bảo đảm an toàn thông tin của công dân
    một năm trước Pháp luật
    (BKTO) - Các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc cần thiết quản lý, sử dụng thông tin để bảo vệ quyền công dân, bí mật đời tư của công dân khi sửa đổi Luật Căn cước công dân.
Đảm bảo lợi ích, sinh kế của người dân khi thu hồi đất