Rà soát, bổ sung các quy định về thẩm định giá

PGS,TS. ĐẶNG VĂN THANH - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán | 10/06/2023 21:38

(BKTO) - Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cần tập trung quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc trong việc định giá, thẩm định giá, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân...

z4385661053456_e75832b2b962d244675ecdf740883b1e.jpg
PGS,TS. ĐẶNG VĂN THANH - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 19/6 tới. Dự thảo Luật gồm 8 chương với 75 điều, quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng

Điều 8 Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) quy định 7 quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trong đó quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh cần sửa lại thành “Tự quyết định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh trên cơ sở đảm bảo bù đắp chi phí, có lãi hợp lý và căn cứ giá tham chiếu được công bố”.

Các tổ chức, cá nhân được điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá và tùy mục đích, chiến lược kinh doanh của đơn vị trong từng thời gian cụ thể. Trên thực tế, người sản xuất có thể chấp nhận quyết định giá bán thấp hơn chi phí đã bỏ ra để xây dựng và duy trì thị trường về lâu dài.

Liên quan đến việc kiểm tra yếu tố hình thành giá, Dự thảo Luật cần bổ sung thêm trường hợp hàng hóa dịch vụ đã giao, đã cung cấp vì lý do nào đó không đúng theo hợp đồng đã ký kết, lỗi quy cách hoặc giảm chất lượng, người mua yêu cầu giảm giá bán so với giá đã cam kết. Trường hợp này có cơ chế tài chính và chế độ, chuẩn mực kế toán cho phép ghi giảm trừ doanh thu để xác định doanh thu thuần.

1357.jpg
Ngoài Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, không nên duy trì thêm Quỹ Bình ổn giá. Ảnh minh họa

Từng bước bỏ quy định về lập quỹ bình ổn giá

Nhà nước nên từng bước bỏ quy định về lập quỹ bình ổn giá. Bởi, về thực chất, đây là hình thức can thiệp bằng biện pháp hành chính vào hoạt động kinh tế, không phù hợp trong nền kinh tế thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước không nên điều tiết thông qua giá cơ sở hoặc giá tham chiếu. Vấn đề giá nên để thị trường và các doanh nghiệp tự quyết định, Nhà nước giữ vai trò quản lý và giám sát việc tuân thủ luật pháp về giá.

Riêng với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là quỹ đặc thù nên tiếp tục thực hiện do Quỹ này là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.

Đảm bảo tính chuyên nghiệp và chuyên môn cao của nghề thẩm định giá

Đối với các quy định liên quan đến thẩm định giá tại Chương 6, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cần quy định tính chất chuyên môn hóa hoạt động nghề nghiệp của thẩm định viên về giá. Theo đó, cần quy định về năng lực và kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ thẩm định giá để hướng đến tính chuyên nghiệp và có tính chuyên môn cao của nghề thẩm định giá.

Dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Đồng thời, có các quy định về giám sát, quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro với mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần kinh doanh các nghiệp vụ thẩm định giá.

Điều 42 quy định 3 nội dung về nguyên tắc hoạt động thẩm định giá là chưa đầy đủ, cần bổ sung nguyên tắc phải phù hợp tính chất từng loại tài sản và công khai phương pháp xác định giá và thẩm định giá. Về dịch vụ thẩm định giá, Ban soạn thảo cần bổ sung quy định để nâng cao năng lực và hướng tới chuyên môn hóa hoạt động của thẩm định viên theo lĩnh vực tài sản.

Theo đó, Thẻ thẩm định viên về giá được chuyên môn hóa theo lĩnh vực gồm: Thẩm định giá tài sản (bất động sản, động sản và các hàng hóa, dịch vụ thông thường) và thẩm định giá doanh nghiệp (doanh nghiệp, tài sản tài chính, tài sản vô hình...). Những quy định này góp phần nâng cao chất lượng thẩm định viên theo lĩnh vực chuyên môn sâu, cũng như tiết kiệm nguồn lực xã hội trong học tập, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, thi cấp Thẻ thẩm định viên về giá.

Về quyền và nghĩa vụ của thẩm định viên, điểm đ khoản 1 Điều 47 cần quy định rõ thẩm định viên tham gia tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá trong nước và ngoài nước, chịu sự kiểm soát của tổ chức nghề nghiệp về chất lượng dịch vụ và đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá.

Điểm d khoản 2 Điều 47 cần quy định thêm thẩm định viên tham gia các chương trình cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ kỹ năng về thẩm định giá do tổ chức nghề nghiệp tổ chức hằng năm. Đây là những quy định góp phần yêu cầu các thẩm định viên không ngừng cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.

Điều 49 về điều kiện doanh nghiệp cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, nên bỏ loại hình công ty cổ phần trong quy định bởi loại hình này không thích hợp với doanh nghiệp dịch vụ mang tính chuyên nghiệp. Không nên vì có loại hình công ty cổ phần đang tồn tại trên thực tế mà thừa nhận.

Về người đại diện theo pháp luật (Điều 51), Dự thảo Luật cần quy định rõ hơn Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có đủ 36 tháng là thẩm định viên về giá tính từ ngày có Thẻ thẩm định viên hay 36 tháng thực tế hành nghề thẩm định giá liên tục. Ngoài ra, Luật bổ sung quy định về đạo đức, tuân thủ luật pháp, thủ tục bổ nhiệm cũng như sự tín nhiệm của tập thể người lao động trong doanh nghiệp hay Hội đồng thành viên.

Liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp về hợp đồng thẩm định giá giữa doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng (Điều 58), Dự thảo Luật cần tách riêng cơ chế thương lượng và cơ chế hòa giải. Trên thực tế, có cơ chế hòa giải độc lập, có hòa giải tại tòa án. Với cơ chế giải quyết tranh chấp tại tòa án, cần ghi rõ là tòa án kinh tế./.

Cùng chuyên mục
Rà soát, bổ sung các quy định về thẩm định giá