Sáng 29/9, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đã chủ trì cuộc họp nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Giải pháp bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ giữa Luật KTNN và các luật chuyên ngành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN”.
Đề tài do Ths. Vũ An Huy - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI và ThS. Hoàng Thị Hương Giang (Vụ Pháp chế) đồng chủ nhiệm.
Cùng tham dự cuộc họp có các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu và Ban Đề tài.
Theo ThS. Hoàng Thị Hương Giang, thi hành Hiến pháp và Nghị quyết số 64/2013/QH 13 của Quốc hội, đa số các luật chuyên ngành có liên quan đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, xác định thẩm quyền của KTNN trong lĩnh vực chuyên ngành. Tuy nhiên, một số luật vẫn chưa bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ với Luật KTNN dẫn đến thu hẹp phạm vi, đối tượng kiểm toán của KTNN.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do nhận thức của các nhà làm luật về vị trí, vai trò của KTNN còn chưa đầy đủ; kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm; chưa khắc phục triệt để tình trạng đưa vào dự án luật chuyên ngành các quy định nhằm tạo thuận lợi hoặc bảo vệ lợi ích cục bộ của Bộ, ngành.
Công tác rà soát để nhận diện những quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay trong quá trình soạn thảo chưa được chú trọng dẫn đến nội dung dự án luật trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN.
Thông qua việc nghiên cứu sâu về các luật như Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Quản lý thuế, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Thanh tra, Luật Phòng, chống tham nhũng, Nhóm tác giả đề xuất các giải pháp bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ giữa Luật KTNN và các luật chuyên ngành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN, đáp ứng yêu cầu hiến định.
Đề tài được kết cấu thành 3 chương: Chương 1- Cơ sở lý luận về tính thống nhất và đồng bộ giữa Luật KTNN và các luật chuyên ngành; Chương 2 - Thực trạng sự thống nhất và đồng bộ giữa Luật KTNN và các luật chuyên ngành; Chương 3 - Quan điểm và giải pháp bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ giữa Luật KTNN và các luật chuyên ngành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN.
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá việc nghiên cứu Đề tài có tính cấp thiết về lý luận và thực tiễn trong việc hoàn thiện pháp luật KTNN nhằm thực hiện thành công Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN. Ban đề tài tổ chức nghiên cứu một cách công phu, nghiêm túc, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
Để Đề tài hoàn thiện và bám sát thực tiễn, các thành viên Hội đồng đề nghị Nhóm nghiên cứu đánh giá tổng thể hơn về tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong những năm gần đây, đặc biệt trong việc triển khai thực hiện Hiến pháp để làm rõ hơn thực trạng quy định của pháp luật về KTNN.
Ban Đề tài cần thống kê, nêu rõ đã có bao nhiêu luật đề cập đến KTNN và so với yêu cầu đã đáp ứng chưa; nội dung được nêu tại các luật chuyên ngành về KTNN đã phù hợp với hiến pháp và quy định của luật KTNN chưa. Trong đó, lưu ý một số luật như: Luật Tiếp cận thông tin liên quan đến công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về phạm vi, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực KTNN; Luật Tổ chức Quốc hội liên quan đến tổ chức và hoạt động của KTNN…
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu - đề nghị Ban Đề tài tiếp thu, nghiên cứu các khuyến nghị của Hội đồng để bổ sung, hoàn thiện Đề tài. Trong đó, lưu ý một số nội dung: Rà soát, lược bỏ một số nội dung chưa sát mục tiêu nghiên cứu; tập trung làm rõ sự đồng bộ giữa Luật KTNN với các luật chuyên ngành giúp hoạt động kiểm toán của KTNN hiệu lực, hiệu quả hơn; đồng thời đánh giá những tác động, ảnh hưởng nếu không đảm bảo tính đồng bộ giữa các luật.
Ban Đề tài cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự thiếu đồng bộ giữa Luật KTNN với các luật chuyên ngành, từ đó nêu ra các giải pháp sát với thực tiễn. Các giải pháp, kiến nghị Ban Đề tài nêu ra cần cụ thể hóa từng nội dung để giải quyết các hạn chế đã nêu ở thực trạng, bám sát hoạt động của Ngành trong các giai đoạn tiếp theo.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá Đề tài xếp loại Khá./.